14 tháng 1, 2012

Giá trị sống - Thắp lên từng đốm lửa nhỏ...

SGTT.VN - Năm 2012 được các nhà kinh tế dự đoán là năm khủng hoảng ảnh hưởng sâu rộng hơn đến đời sống mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế, làm thế nào bảo toàn được những giá trị vĩnh hằng của con người, không để chúng lao dốc tỷ lệ thuận với khó khăn kinh tế?

Để trả lời câu hỏi ấy, báo Sài Gòn Tiếp Thị kết hợp viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IREC) vừa tổ chức cuộc toạ đàm chủ đề Giá trị sống thời khủng hoảng. Hoá ra câu trả lời có sẵn trong những nhà nghiên cứu giáo dục, văn hoá, doanh nhân tham dự toạ đàm đều chung một điểm: đây là lúc bình tâm nhìn lại, cùng thắp lên một đốm lửa chứ không thể ngồi chờ ánh sáng ló dạng cuối đường hầm...
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng đại học Kinh tế – luật TP.HCM:

Coi tất cả những gì mình có là niềm vui
Trong bối cảnh khủng hoảng, điều tối hậu mà con người phải giữ để không bị ném vào vòng xoáy là không gian chia sẻ giữa những người thân yêu, không hẳn chỉ là gia đình. Bạn bè tôi ở các nước châu Âu kể rằng, cách để họ vượt qua khủng hoảng là mỗi buổi chiều về được gặp người bạn gái, bạn trai của mình trong căn hộ chưa bị cắt bởi tiền thuê nhà, đó là thành luỹ cuối cùng khi tất cả đều mất hết. Trong phong ba, còn lại một nơi để buổi chiều có thể trở về, có người mở cửa đón chờ trong không gian ấm cúng là điều quý giá nhất. Điều kinh khủng nhất với họ là trở về căn hộ một mình, có người đã tự tử vì không thể chịu nổi nỗi buồn, sự cô độc. Nhiều người Nhật đi làm về là chạy thẳng đến bệnh viện… Những biến động trong tổ chức gia đình của các nước là điều mà chúng ta phải tìm hiểu.
Tôi có một triết lý sống rất đơn giản: coi tất cả những gì mình đang có, chuẩn bị có đều là niềm vui. Ngay cả nỗi khổ về kinh tế, về tình bạn, tình yêu, con cái, công việc… cũng là may mắn với riêng mình. Suy cho cùng, tất cả đều là ân huệ của cuộc sống. Cái mà mình nên tránh, không nên sử dụng khi sống là từ “đương đầu”. Không có gì phải đối chọi, phải ai là kẻ thù cả. Hãy trải qua tất cả vui buồn, hạnh phúc, đau khổ, để được làm người. Mọi trạng thái của cảm xúc đều trân trọng, và coi đó là một dấu hiệu tích cực. Nghĩ như thế thì phần thưởng hay sự trừng phạt đều có giá trị. Tiếng khóc hay nụ cười cũng đều là lối sống tích cực, và khủng hoảng chỉ là một màu khác của không gian sống mà thôi.
Ông Lý Ngọc Minh, giám đốc công ty Minh Long 1:

Gặp khó khăn mới giật mình tỉnh giấc
“Tiếng khóc hay nụ cười cũng đều là lối sống tích cực, và khủng hoảng chỉ là một màu khác của không gian sống mà thôi”
Tôi rất đồng ý với anh Thái, là cả một thời gian dài mình mải chạy theo kinh doanh vì cơ hội mở ra không ngừng, bỏ bê gia đình, không để ý gì đến cuộc sống tinh thần. Khi làm ăn khó khăn mới giật mình tỉnh giấc, thấy mình chạy quá xa, chạy không kịp khởi động, chạy đến đứt gân máu luôn… Khủng hoảng làm cho anh em trong nội bộ gần gũi nhau hơn. Cần có thời gian để mọi người cùng chạy. Năm 2011 không thu hoạch được nhiều về kinh tế, nhưng Minh Long lại thu hoạch được những giá trị khác. Đây là dịp để mình nghĩ xa hơn, cấu trúc lại doanh nghiệp. Về kỹ thuật, cần phát minh, sáng kiến nhiều hơn để tồn tại. Chưa bao giờ giá trị tinh thần, tình đoàn kết, đạo đức nội bộ cần thiết như lúc này, nếu không có nền tảng đó, rất dễ “chém giết” lẫn nhau. Bây giờ tôi cũng mới có dịp đưa gia đình đi du lịch. Để bảo vệ sự bền vững, phải chọn những gì bất biến. Dựa vào những thứ đó sẽ bớt giả, bớt ảo.
TS Nguyễn Xuân Xanh:

Khủng hoảng không làm đình trệ sự khám phá
Khủng hoảng mà chúng ta đang đối diện là khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng lòng tin…Tham nhũng thì quốc gia nào, thời nào cũng có. Nhưng ở Việt Nam, tham nhũng đã kìm hãm sự phát triển, khiến cho đất nước như một dòng sông bị nghẽn mạch, trở thành căn bệnh không kiểm soát được. Tôi nghĩ cần nhất hiện nay là đất nước phải có định hướng phát triển, phải thay đổi từ bên trong, thay đổi từng bước. Lằn ranh phân biệt giữa tiến bộ và lạc hậu chính là công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tôi chỉ lạc quan khi thấy đất nước đi theo con đường công nghiệp hoá, đưa khoa học kỹ thuật vào công nghiệp. Lịch sử phát triển thế giới là lịch sử phát triển công nghiệp, các nước châu Á đều đi theo con đường đó. Đất nước nào thực hiện được công nghiệp hoá sẽ phát triển bền vững.
Khủng hoảng không làm đình trệ sự khám phá, xã hội nào ít giá trị khám phá sẽ khủng hoảng lâu dài hơn. Đó là ý nghĩa sâu xa mang tính triết học. Gia đình Việt hiện nay cũng đang đối diện với những đổ vỡ về giá trị tinh thần. Mỗi người phải tự tìm tòi, suy nghĩ, khám phá, để tìm cách vượt qua, không thể dựa vào ai khác. Khủng hoảng cũng là cơ hội cho những nhà kinh tế, khoa học, để sáng tạo ra điều gì mới mẻ. Một nhà thiên văn nổi tiếng người Đức có câu nói rất hay: “Trong những lúc bão tố, tôi càng phải thả cái neo sâu vào trong lòng khoa học để đứng vững và tiếp tục nghiên cứu”. Chỉ có như thế họ mới vượt qua những khủng hoảng thời đại, để có những công trình nghiên cứu cho hậu thế.
Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt:

Giờ là lúc dừng lại thiết lập giá trị tinh thần, tạo môi trường hạnh phúc
Trong mấy chục năm qua, những nhà công nghiệp như tôi chỉ có “chạy”, chạy với tốc độ rất cao, thậm chí nhìn thấy rất nhiều sai sót nhưng không có thời gian dừng lại để sửa. Mà nguyên tắc quản trị là phải đi bộ tốt trước khi chạy. Nếu chỉ chạy theo sự phát triển mà không mang lại giá trị tinh thần thì đơn vị mình sẽ nhỏ mãi, hoặc đổ vỡ, khủng hoảng. Những giá trị tinh thần chính là nền tảng để có thể phát triển cao hơn.
Nhà công nghiệp phải nghĩ đến 20 – 30 năm sau công ty mình sẽ đi về đâu. Tư duy khoa học là nền tảng giải quyết khủng hoảng. Lâu nay mải lao theo công việc kinh doanh, trách nhiệm với sự phát triển không cho phép mình dừng lại, không kịp làm bất cứ điều gì, thậm chí bỏ bê cả gia đình. Giờ là lúc dừng lại, tìm mọi cách để thiết lập giá trị tinh thần cho anh em, tạo môi trường hạnh phúc cho hơn 4.000 thành viên của mình, để mỗi người có thể mang lại những giá trị gia tăng dù là nhỏ bé cho công ty. Như thế cũng là quý lắm rồi.
Nhìn rộng ra xã hội, tôi thấy rất khó để nhân tài thực sự được sống trong một “môi trường viên mãn” khi mà giá trị vật chất đang lên ngôi như hiện nay. Xã hội không lành mạnh, không minh bạch, nạn tham nhũng tràn lan, các tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả, dẫn đến lạm phát tăng cao… đó chính là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển. Nhìn tương lai gần, khoảng năm năm nữa, tôi chưa thấy có dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có một quyết tâm cao.
TS Nguyễn Thắng, tổng giám đốc công ty Herbalife Việt Nam:
Cần thay đổi quan niệm về đồng tiền
Theo quan sát của những nhà kinh tế, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng từ cấp độ quốc gia, doanh nghiệp đều được cảnh báo trước. Nhìn từ góc độ tích cực, khủng hoảng thực sự là cơ hội, là áp lực khiến doanh nghiệp và quốc gia phải thay đổi, vì không còn cách nào khác. Khủng hoảng luôn có thể xảy ra, nhưng nếu ở thế chủ động, có những biện pháp phòng ngừa, sẽ hạn chế bớt thiệt hại, không dẫn đến đổ vỡ đau thương. Điều cần nhất để vượt qua khúc quanh này là sự chuẩn bị về tinh thần. Sức chịu đựng, sức bền là một giá trị của con người, để tồn tại và sống sót. Trong khủng hoảng, mỗi người có thời gian để tĩnh lặng, nhìn lại những gì đã trải qua, để suy nghĩ về tương lai, sống cho gia đình, bản thân nhiều hơn. Biết chăm lo cho sức khoẻ, chơi thể thao nhiều hơn, chăm sóc cho dinh dưỡng của chính mình… đó là chất đề kháng để ứng phó tốt hơn trong khủng hoảng.
Nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Bây giờ mình bị đồng tiền trả thù, vì ngày xưa mình quá khinh ghét nó”. Sự trả thù của đồng tiền thể hiện trên nhiều khía cạnh. Rõ nhất là sự dịch chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Ngày xưa chúng ta coi thường đồng tiền, giờ thì một bộ phận không nhỏ của xã hội lại coi trọng đồng tiền hơn bất cứ cái gì khác. Đánh giá sự thành đạt cũng lấy đồng tiền làm thước đo, mà không dựa trên sự cống hiến cho xã hội. Với nhà giáo, thước đo sự thành đạt phải là số lượng học trò giỏi. Với nhà nghiên cứu là chất lượng công trình, với nhà văn là tác phẩm… Không thể đánh giá sự thành đạt của người bác sĩ qua thu nhập, hay xe hơi, cái nhà. Phải thay đổi quan niệm về đồng tiền, để thay đổi tư duy, thay đổi các mối quan hệ, cho cuộc sống cân bằng hơn.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn:

Đừng để sự rã rời làm nản lòng mỗi chúng ta
Trong thế gian, chỉ có con người mới ý thức về giá trị. Ngoài những giá trị vật chất để bảo đảm cuộc sống, con người có những giá trị bảo tồn, như tình bạn, tình yêu, sự tin cậy, đời sống tâm linh. Cùng với giá trị bảo tồn là những giá trị động lực, thời đại, liên tục được sản sinh và làm mới, để thúc đẩy xã hội tiến lên, nâng cao phẩm giá con người. Đất nước nào cũng mong muốn cả hai hệ giá trị đó song song phát triển. Nhưng quả thật đang có những mối đe doạ thật sự những giá trị bảo tồn, sự xung đột giữa giá trị bảo tồn và giá trị động lực. Về giá trị bảo tồn, tôi tin là có thể băng hoại nhưng không thể diệt vong, luôn tiềm tàng trong đời sống người dân bình thường nhất.
Điều tôi lo nhất là những giá trị động lực, rất cần phải du nhập ý thức về dân chủ, về tự do, về khoa học, phải đưa vào một cách có ý thức để củng cố giá trị bảo tồn. Những yếu tố đó đang gặp khó khăn. Thời đại này mà còn nghi ngại những giá trị phổ quát thì không thể phát triển. Một lực cản thuộc về dân tộc tính là người Việt luôn rụt rè, sợ hãi. Hiện nay, không khí ngại ngùng, dòm ngó nhau càng phổ biến, tạo thành khủng hoảng tư tưởng. Tự do là một giá trị nhạy cảm. Tự do đi liền với dũng khí, là không khí của cái mới, một khi bị kiềm chế sẽ làm giảm năng lực sáng tạo. Làm gì cũng nghi ngại, nơm nớp lo sợ thì làm sao khám phá cái mới.
“Sức sống của người Việt không bao giờ bị tê liệt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phải sống, đó là mệnh lệnh, mỗi người hãy như một đốm lửa, để cả dân tộc cùng sục sôi, tạo thành một lực đẩy mạnh mẽ thay đổi vận mệnh dân tộc”.
Người Việt chúng ta chưa ý thức hết tầm quan trọng về môi trường, môi sinh, không coi đó là nhu cầu thiết thân, và sẽ phải trả giá ghê gớm cho điều này. Vấn đề gìn giữ môi trường hiện nay không chỉ liên quan đến đạo đức doanh nghiệp, đạo đức cá nhân. Muốn bảo vệ môi trường, phải nâng cao giá trị của khoa học. Mấy ngàn năm nay chúng ta chưa hề có giá trị này.
Chúng ta thiếu một sự đồng tâm nhất trí, một giá trị động lực để học hỏi, để bắt tay vào xây dựng. Đừng để sự rã rời làm nản lòng mỗi chúng ta. Tôi hy vọng từng cá nhân, từng nhóm người, từng doanh nghiệp hãy xây dựng những giá trị bảo tồn, giá trị động lực, đó chính là lối thoát. Sức sống của người Việt không bao giờ bị tê liệt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phải sống, đó là mệnh lệnh, mỗi người hãy như một đốm lửa, để cả dân tộc cùng sục sôi, tạo thành một lực đẩy mạnh mẽ thay đổi vận mệnh dân tộc.
Ông Giản Tư Trung, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED):

Khi có một lý do đẹp để sống, sẽ vượt qua mọi khủng hoảng
Giá trị sống thì lúc nào cũng tồn tại trong đời sống con người, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, người ta nghĩ đến nó nhiều hơn, sâu sắc hơn. Nguồn gốc cơ bản của mọi khủng hoảng đều bắt nguồn từ những giá trị ảo, giá trị giả. Nền kinh tế Việt Nam trong mấy năm gần đây chạy theo những giá trị giả và ảo, cần phải định lại những giá trị chuẩn mực chung nhất cho dân tộc, gia đình, cá nhân.
“Khi chúng ta có một lý do đẹp để sống, sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khủng hoảng của cuộc đời. Biết sống chính là động lực tạo ra năng lực, nếu không, chúng ta sẽ chết trước khi qua đời”.
Ở các nước phương Tây, khủng hoảng xảy ra đã khiến nhiều gia đình tan vỡ, người ta đến nhà thờ ngày một nhiều hơn. Trong thời buổi Đông Tây giao hoà, sự giao thoa về các giá trị đang xung đột mạnh mẽ, mỗi người chúng ta phải biết cô đặc những giá trị vượt không gian và thời gian mà tổ tiên để lại cho mình, và biết tiếp thu một cách chọn lọc những giá trị từ bên ngoài, để không bị chao đảo. Khi chúng ta có một lý do đẹp để sống, sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khủng hoảng của cuộc đời. Biết sống chính là động lực tạo ra năng lực, nếu không, chúng ta sẽ chết trước khi qua đời.
Thực hiện: Kim Yến
Ảnh: Thanh Hảo
 PhNga sưu tầm     Bài gốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét