21 tháng 10, 2010

Nhân ngày giỗ TCS - "Phở 88"

Phải nói TCS là một nhạc sĩ phức tạp nhất VN, quần chúng chia làm 2 phe rõ rệt: công kích cũng có, ca ngợi cũng có... nhưng phải công nhận đa số thích nhạc của ông và coi đó như 1 niềm hãnh diện của dân tộc Việt.
Năm ngoái tui có dịp cùng đàn Vịt SG đi ăn buffet ở khu du lịch Bình quới, nơi có phòng lưu niệm TCS (có thể do chính tay ông chăm sóc lúc còn sống), nơi có thời được xem như "thánh đường" nhạc Trịnh. Ở mọi thời, phần lớn những người thích nhạc Trịnh là sinh viên và công chức nghèo, trong cái thời buổi chạy không đủ miếng ăn thì sinh viên và công chức lấy cái gì để mua vé vào nghe các "siêu sao" ca nhạc Trịnh. Thôi thì... đành chờ mỗi năm vào ngày giỗ của ông thì tìm đến Hội quán TCS ở Bình quới để nghe các bạn hữu của nhạc sĩ ca lại những ca khúc của ông để tưởng nhớ ông, tuy rằng không hay như các "siêu sao" nhưng khỏi phải mất tiền.
TCS đã viết 242 bản nhạc (trong đó 214 bài có nốt nhạc, theo thư mục ca khúc TCS của Phạm Văn Đỉnh) hơn 50% nhạc của ông là những cuộc bỏ đi... và trong lứa tuổi của chúng ta (5-6 bó) ít nhiều cũng có gắn liền với 1 vài bản nhạc của TCS. Phải công nhận TCS là phù thủy về chơi chữ, bạn thử lấy chính mình mà thay cho các con ngựa trong: Phúc âm buồn, Một cõi đi về, Em còn nhớ hay em đã quên, Một ngày như mọi ngày, Xin mặt trời ngủ yên, Dấu chân địa đàng, Xa dấu mặt trời, Đóa hoa vô thường,... thì không chê được chỗ nào!
Nhạc TCS cũng đã tạo thành danh nhiều ca sĩ như Khánh Ly, Hồng Nhung, Trịnh Vĩnh Trinh, Cẩm Vân, Lan Ngọc,.... (KL có lối hát tự sự, HN trong sáng, mạnh, TVT say đắm, CV và LN không gì đặc biệt, vẫn là chậm rãi, giải bày...). Tui rất thích sưu tầm những giọng hát lạ, gần đây tui có mua 1 CD nhạc TCS do PT hát. Giọng hát nầy nghe ghê rợn thiệt, CD có 9 bài, bài đầu là Cát bụi (hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi ....hít và thở 1 cái, để 1 mai tôi về làm cát bụi ... hít và thở thêm 1 cái nữa... rồi cứ tiếp tục hít thở....), kế đến là bài Ru ta ngậm ngùi (Môi... nào hãy còn thơm, trời ơi cô ta kéo cái môi dài quá)...  Xin phép cho tạm dừng "siêu sao" PT nơi đây .... Bên cạnh lại có TL và Mr. Đ., 2 ca sĩ đang ăn khách nầy còn ghê gớm hơn nữa, 2 ông bà nầy muốn kéo dài chỗ nào là tùy ý và tùy hứng ....
Đúng ra TCS phải được vinh danh trong lúc ông còn sống chớ không phải chờ cho đến khi ông đã nằm yên trong "tiếng động nào gõ nhịp không nguôi ". Năm nay ngày giỗ ông, cũng tại Bình Quới vào ngày 02/04/10 sẽ có đêm ca nhạc Trịnh với chủ đề SEN HỒNG MỘT ĐỘ và sau đó chắc chắn sẽ có phong trào "hát đám giỗ" do các phòng trà và tụ điểm tổ chức. Nơi đây các ca sĩ mới và siêu sao sẽ đưa qua đẩy lại những bản nhạc tình của ông, từ đây những bản nhạc nầy sẽ trở thành kịch cỡm và thảm não... Biết đâu như ông đã viết: "Người ngỡ đã xa xưa nhưng người bỗng lại về", ông phải về để nghe tụi nó hát nhạc của ông để ông bẻ cổ tụi nó hay là ông chọn "có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên" thôi thì tốt nhất nên "Im lặng thở dài" cho vui lòng mọi người.
Đây chỉ là một vài cảm nghĩ nhân ngày giỗ TCS và cá nhân tui chỉ xoay quanh một thứ là nhạc. Khi còn trên đời, TCS đã chịu không biết bao tai ương đày ải như hình tượng những chuyến xe và thân phận người trong nhạc của ông. Khoảng hơn chục năm về sau, khi gần cuối đời, nhạc của ông mới thảnh thơi dang cánh và (theo tui) ông mới thật sự cảm thấy "gắn bó cuộc đời,.. mọi người vẫn tới ta chưa lạc loài ..."
Tui tự hỏi: nếu bây giờ ông vẫn còn trên đời thì người đời có vinh danh ông liên tục, rầm rộ và ồn ào như thế không??? hay vẫn như bản chất cố hửu của người mình là "ném đá eo bèo" (?)
"Phở 88"
PhNga sưu tầm 
======================

Cô gái có khuôn mặt biến dạng, giọng ca trầm buồn đã hoàn thành album nhạc Trịnh đầu tay, phát hành vào đúng sinh nhật Trịnh Công Sơn.
Sản phẩm không đơn giản là ước nguyện được trở thành hiện thực, mà còn chứa đựng những nỗi lòng sâu kín được giải bày bằng âm nhạc.
Trong kho tàng nhạc Trịnh, Thủy Tiên chọn 11 bài hát mang nỗi buồn lặng lẽ, nhẹ nhàng: Xin cho tôi, Như cánh vạc bay, Cỏ xót xa đưa, Này em có nhớ, Một lần thoáng có, Ru em từng ngón xuân nồng, Giọt lệ thiên thu, Hãy cứ vui như mọi ngày, Đời cho ta thế, Muôn trùng biển ơi.
Đó cũng chính là cách mà giọng hát chở sức nặng những tâm sự của người ca sĩ không "nguyên vẹn hình hài" chuyển tải đến người nghe.  Cô hát không u uất mà bằng một thái độ thanh thản với cuộc đời và ước vọng nhỏ nhoi luôn được thắp sáng trong trái tim mình. Giọng ca trong CD "Xin cho tôi" không mượt, cũng chẳng đẹp, thậm chí có phần mờ, nhưng chính sự đồng cảm sâu sắc giữa ca khúc và người hát đã giúp những bài vốn đã quen tai với khán giả trở nên tình cảm và đằm thắm hơn.
Những bài hát trong CD này chính là tâm sự về cuộc đời không may mắn của Thủy Tiên, cũng chính là sự tri ân của cô dành cho những tấm lòng yêu nhạc Trịnh đã nâng đỡ giọng ca của mình. Tiên nói bằng những lời của Trịnh Công Sơn để lại: "Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ - có khi bày tỏ được cũng chỉ là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Mỗi người sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu ngọn lau".
Tưởng chừng giữ lại, nhưng cô gái nhỏ mang đến cho người nghe điều thầm kín trong lòng mình qua nhạc Trịnh, trong đó, cô đã hát rằng  
XIN CHO TÔI NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI ...
XIN LƯU Ý:Ca sĩ Thủy Tiên có 1 câu lạc bộ tên Hội Quán Đời rất đẹp dành cho người khuyết tật ở địa chỉ 91/6N Hòa Hưng, P.12, Q.10 TPHCM, anh (chị) có thể đến xem biểu diễn văn nghệ và đóng góp giúp đỡ.
PhNga sưu tầm  

                        
Nghe Thủy Tiên hát


Chủ Nhật, 21/01/2007, 01:59 (GMT+7)
Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài
TT - Năm 2005, được một người bạn động viên hết mình, Thủy Tiên mạnh dạn bước ra khỏi vỏ ốc tự ti của đời mình để đăng ký dự thi tiếng hát nhạc Trịnh Công Sơn tại Hội quán Hội ngộ TP.HCM.
Cô chọn bài Xin cho tôi và Đôi mắt nào mở ra, hát “Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài, cho tôi nghe lời hát cỏ cây...” như những tâm sự của chính đời cô.
Một giọng hát da diết và trong ngần làm nhiều người cảm động. Thủy Tiên đoạt giải nhất, và kể từ đó những chương trình nhạc Trịnh ở TP.HCM xuất hiện một giọng hát nhạc Trịnh mới thật lạ.
Đã có một thời Thủy Tiên thật buồn với khuôn mặt không vẹn toàn của mình, song rồi cô hiểu được lời trái tim mình: nếu cô có khuôn mặt đẹp, cô sẽ không có được giọng hát đẹp như bây giờ. Ngày ấy, Thủy Tiên - cô bé mồ côi cha - bị một căn bệnh ở miệng, do gia đình chữa sai cách nên làm biến dạng khuôn mặt và cái miệng xinh xắn của cô. Từ đó, cô chỉ phát âm được nguyên âm, còn phụ âm không nói được nữa.
Vậy mà Thủy Tiên rất thích hát, lại thích nhạc Trịnh Công Sơn. Chẳng lẽ đời mình sẽ mãi không hát được? Thủy Tiên không buông xuôi. Cô đổ nước vào một cái lu, rồi nhiều lần trong mỗi ngày cô chúc đầu vào lu nước quyết tập nói cho thật rõ. Ban đầu, do cô suốt ngày chúi vào lu nên đầu cứ bưng bưng, mặt đỏ bừng.
Cô vẫn cứ miệt mài tập nói với nước trong lu, từ ú a ú ớ rồi cũng thành lời, nói cũng tròn vành rõ chữ. Rồi tập hát, ban đầu là những câu hát không thành lời, rồi dần dần đôi môi không tròn trịa cũng hát được cả bài. Đến lúc khi mỗi ngày cô không phải chúi đầu vào lu nữa thì mọi người xung quanh đã biết cô có một giọng hát đẹp và hát nhạc Trịnh hay đến bất ngờ.
Qua nhạc Trịnh, Thủy Tiên có thêm những người bạn: Hà Chương - sinh viên nhạc viện khiếm thị sáng tác nhạc; Thế Vinh - người chỉ có một tay nhưng đàn ghita và thổi harmonica day dứt đến nao lòng.
Những người có hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi như nhau đã đến gần với nhau. Họ lập thành một nhóm gọi là “Món quà của sóng”. Với dòng nhạc Trịnh, “Món quà của sóng” đã đến nhiều sân trường ở nhiều tỉnh, thành hát cùng sinh viên, rồi ra một album do Hà Chương sáng tác, Thế Vinh đàn và Thủy Tiên hát. “Tôi hát nhạc Trịnh không phải theo phong trào, cũng không phải vì áo cơm, mà vì kể từ khi đến với nhạc của ông tôi thấy tâm hồn mình trong sáng hơn” - Thủy Tiên nói vậy.
Trong đêm nhạc “Hàng cây thắp nến” tổ chức tại Hội quán Hội ngộ tưởng nhớ năm năm Trịnh Công Sơn đi xa (2006), khi nhà thơ Đỗ Trung Quân giới thiệu về một ca sĩ không may mắn có khuôn mặt không đẹp nhưng lại có một tiếng hát đẹp với nhạc Trịnh Công Sơn, khán giả đều biết đó là Thủy Tiên. Cả mấy ngàn người lắng đọng với tiếng hát “Xin cho tôi xin cả cuộc đời, một hôm nào trẻ hát trong nôi, xin cho tôi xin chỉ một ngày...”. Người nghe hiểu Thủy Tiên đã đi một bước thật dài với nhạc Trịnh.
Bây giờ, một ngày như mọi ngày, ban ngày Thủy Tiên đi may gia công để nuôi sống mình và người em. Dành dụm mãi đến bây giờ cô thợ may Thủy Tiên mới có thể thực hiện được ước mơ lớn lao của đời mình: hoàn thành album nhạc Trịnh đầu tay Xin cho tôi. Album gồm những ca khúc Trịnh Công Sơn ít người hát, nhưng với Thủy Tiên đó là những ca khúc về thân phận con người mà mỗi lần hát cô đều thấy mình tin yêu cuộc đời hơn. Ngoài giờ đi may, Thủy Tiên dành trọn thời gian cho việc tập hát, tập không phải để biểu diễn mà để hát hay hơn với chính mình. Ban đêm, nếu có chương trình nhạc Trịnh nào ưng ý thì Thủy Tiên tham dự.
Và bao giờ cũng vậy, khi Thủy Tiên xuất hiện, sân khấu phải giảm ánh sáng xung quanh và không để đèn sáng chiếu vào khuôn mặt của cô. Trong không gian tối lắng đọng đó, một tiếng hát sáng trong bừng lên day dứt: “Xin cho tôi đến tận nụ cười, xin cho tôi yên phận này thôi...”.
NGUYỄN TRƯỜNG UY
============================
SƯU TẦM NHÂN NGÀY GIỖ THỨ 10 CỦA TCS

Trịnh Vĩnh Trinh: Trân trọng vì tình yêu nhạc Trịnh

(Dân Việt) - Sự kiện kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã và đang thu hút sự quan tâm của công chúng. Dân Việt trò chuyện với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vé xem chương trình "Bóng núi" tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 25.3 đã hết sạch, nhưng nhiều người than giá vé quá cao, muốn xem nhưng không mua nổi?
- Tôi thật bất ngờ và rất vui khi chương trình được công chúng Hà Nội chờ đợi và đón nhận nồng nhiệt như vậy.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
 và ca sĩ Trinh Vĩnh Trinh
Số lượng vé phát hành rất giới hạn ở hai Nhà hát Lớn TP.HCM và Hà Nội (chỉ khoảng 1/3 lượng ghế trong nhà hát), phần lớn được dành cho những nhà tài trợ, muốn mua vé ủng hộ gây nguồn thu cho chương trình. Vì ngoài hai đêm diễn bán vé ở hai Nhà hát Lớn, chương trình dành 4 đêm nhạc miễn phí cho sinh viên và cộng đồng. Gần nhất là đêm 27.3 sắp tới, đêm ca nhạc "Huế - Sài Gòn - Hà Nội" diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trước đây, anh Sơn thường hát cho học sinh, sinh viên, cho công chúng ở các sân khấu giảng đường đại học, ở ngoài trời. Mọi người đều có thể đến nghe, rất gần gũi. Sau này khi anh Sơn mất, những đêm nhạc kỷ niệm tổ chức ở Khu du lịch Bình Quới (TP.HCM) luôn đông người tham dự, nhưng trật tự, lịch sự.
Năm nay chúng tôi tổ chức thêm hai đêm diễn Đại học Quốc gia của TP.HCM và Hà Nội với mục đích phục vụ sinh viên, học sinh và các bạn trẻ. Đặc biệt đêm 30.3, chương trình "Huế - Sài Gòn - Hà Nội" sẽ tổ chức tại Cung An Định ở Huế, quê nhà của anh Sơn.
Được biết chương trình "Bóng núi" ở Hà Nội sẽ có sự thay đổi so với chương trình tại TP.HCM, chị có thể cho biết cụ thể?
- Trong chương trình "Bóng núi" tại Hà Nội, ca sĩ Thanh Lam sẽ không tham dự và Thần tượng Âm nhạc Việt Nam 2010 - Uyên Linh sẽ được mời tham gia. Nếu khán giả tại TP.HCM thưởng thức "Vết lăn trầm" qua giọng hát của Thanh Lam, thì tại Hà Nội, khán giả sẽ lần đầu tiên nghe Uyên Linh thể hiện ca khúc này. Ngoài ra, Uyên Linh cũng sẽ trình bày ca khúc "Yêu dấu tan theo".
Với 4 đêm diễn phục vụ sinh viên và cộng đồng, chắc chắn ban tổ chức gánh rất nặng các khoản chi phí?
- Gia đình chúng tôi rất hạnh phúc vì có nhiều bạn bè thân hữu giúp đỡ để tổ chức các chương trình. Các đạo diễn, ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ hòa âm, phối khí đã làm việc không thù lao hoặc nhận tượng trưng.
Đối với chương trình dành cho sinh viên, các ca sĩ không nhận thù lao, họ tự nguyện và bày tỏ sự nhiệt tình khi được đến với các bạn trẻ.
Ngoài ra có nhiều nhà tài trợ, nhà hảo tâm, đặc biệt là Eximbank, đã hỗ trợ rất nhiều để chúng tôi thực hiện hoạt động kỷ niệm này.
Gia đình chúng tôi thật sự xúc động và trân trọng tri ân bạn bè, những người đã đóng góp vì tình yêu đối với nhạc Trịnh Công Sơn.

12 nhận xét:

  1. "Phở 88" hay ghê nhỉ? vừa tiếu lâm, vừa sâu sắc lại vừa rất nhân hậu!

    Trả lờiXóa
  2. Í a... í a... khen quá như vậy coi chừng có người bảo mình nịnh bây giờ! Nói có trời đất chứng giám, mình rất ghét nịnh và chưa nịnh ai bao giờ vì nịnh là tự hạ thấp nhân phẩm của mình. Chơi với ai ngoài cõi thực, mình chỉ vì tình cảm là chính (+công việc) chứ chưa bao giờ có ý lợi dụng người ta. Nếu tới mức phải nhờ vả ai ở xa thì lúc đó chắc tình hình đã tệ hại và bế tắc lắm rồi!

    Trả lờiXóa
  3. "Phở 88" Sao mà nói chí lý quá Nga ơi! Thật sự ko thể nghe TCS qua giọng ca nào khác Khánh Ly.

    Trả lờiXóa
  4. chị ơi, em với anh 88 nghỉ chơi với nhau rồi kể từ đây. Bởi em kêu ảnh "anh già nhất chuồng chim...cu"

    Trả lờiXóa
  5. Hihi... chị biết em "bà ngoại trẻ" nói đùa thui, phải hông?

    Trả lờiXóa
  6. Chị ơi, em không đùa đâu chị thấy anh 88 ko happy B-day em đó sao. Em nghỉ chơi rồi khi nào dế gáy đủ 100 cuộc thì em mới nghéo tay chơi lại. Chỉ mỗi mình chị biết thôi nha!

    Trả lờiXóa
  7. Rất tiếc không về kịp xem chương trình "Bóng núi"
    kỷ niệm 10 năm trở về "cát bụi" của ông ...tiếc..
    tiếc...rất muốn nghe live của giọng ca Thủy Tiên bản : Xin cho tôi ...Thủy Tiên..Thủy Tiên : xin cho tôi nguyên vẹn hình hài...thấy hình dáng Thủy Tiên , nghe câu nầy bổng dưng tôi ...rưng rưng .

    Trả lờiXóa
  8. Xin lỗi ... tôi là Phở 88 chớ không phải Nặc danh
    vì sự cố ....mong các bạn tha thứ

    Trả lờiXóa
  9. chị ơi, em đùa thế thôi em hỏng có nghỉ chơi với 88 đâu, nghỉ chơi lấy ai chọc em cười mỗi ngày thế thì buồn lắm.

    Trả lờiXóa
  10. chi ơi đi đâu không thâý vào d/đ tân châu.

    Trả lờiXóa
  11. Mừng "88" đã ghé thăm NHÀ. PhNga cũng xúc động lắm khi nghe cô Thủy Tiên hát và thật khâm phục cô ấy. Nếu 88 ko ký tên thì PhNga cũng biết là 88 mà hihi...

    Chị đang lu bu cv lắm TT ơi! Chúc em thật vui ngày 8/3 nhé!

    Trả lờiXóa
  12. ĐÃ CÓ TUYẾN ĐƯỜNG MANG TÊN TRỊNH CÔNG SƠN
    Sau nhiều lần "cân đong đo đếm", cuối cùng con đường mang tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại thành phố Huế đã được thông qua vào ngày 17.3 tại kỳ hợp lần thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V.

    Trước đó, con đường mới mở chạy dọc bờ sông Hương thơ mộng đã được nhiều người đề nghị đặt tên người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.
    Con đường này không chỉ là mong mỏi của những người bạn, những yêu mến nhạc sĩ mà còn là để ghi nhận tầm vóc, đóng góp to lớn của một nghệ sĩ tài hoa, một người con của Huế.
    Con đường mang tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất phát từ chân cầu Gia Hội, ngay đầu đường Chi Lăng, chạy dọc bờ sông Hương đến vị trí giao nhau với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, dài 600 mét, rộng 11m, trải nhựa, có hệ thống hạ tầng đã được đầu tư hoàn chỉnh: vỉa hè, điện chiếu sáng, thoát nước...
    Tuyến đường mới mở này uốn lượn mềm mại theo địa hình của bờ sông. Từ mốc lộ giới ra sông còn có một khoảng đất để dành cho thảm cỏ mới tới mép nước. Thảm cỏ hiện tại vẫn mọc tự nhiên um tùm, nhưng tương lai nếu được chỉnh trang chắc chắc sẽ rất đẹp.
    Nhạc sĩ Lê Phùng, chủ tịch hội Âm nhạc Thừa Thiên - Huế, tâm sự: “Bản thân tôi, khi nghe tin UBND Thành phố Huế chọn con đường mới mở cạnh sông Hương, để đề xuất đặt tên đường Trịnh Công Sơn và được Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố và công trình đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất cao, tôi cùng nhiều anh em khác rất xúc động."
    "Thật ra, với tên tuổi Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ tài hoa, một người con của Huế, việc có một con đường mang tên anh không chỉ là mong mỏi của giới nghệ sĩ, những người yêu mến âm nhạc của anh mà còn là tâm nguyện của rất nhiều người yêu mến anh, yêu mến Huế".
    Nhà văn, dịch giả Bửu Ý, một người bạn thân của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, từng có bài viết đề xướng ý tưởng xây dựng nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế cũng bày tỏ vui mừng: “Đây là một sự kiện mà tất cả những người bạn của Trịnh Công Sơn đã chờ đợi rất lâu. Vì Trịnh Công Sơn rõ ràng là một con người có công đối với đất nước trong lĩnh vực âm nhạc".
    Cũng trong chiều ngày 17.3, kỳ họp lần thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V đã thông qua Đề án đặt tên đường phố của thành phố Huế đợt VI, theo đó sẽ có 68 tên đường mới, trong đó có 40 đường mang tên các danh nhân văn hóa, cách mạng như Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Đặng Thùy Trâm...
    Hồ Hương Giang

    http://vn.news.yahoo.com/%C4%91%C3%A3-c%C3%B3-tuy%E1%BA%BFn-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-mang-t%C3%AAn-tr%E1%BB%8Bnh-c%C3%B4ng-s%C6%A1n.html

    Trả lờiXóa