31 tháng 10, 2010

Truyền cảm (để nhớ về một cô giáo)

“Bến đò Trà Cổ. Hai bờ sông*. Hai kè đá sừng sững như hai vết hoang tàn của một chiếc cầu lớn. Mặt trăng xế mãi phương đoài, chiếu xuống dòng sông một dải lung linh như nắm tơ vàng ngâm lơ lửng. Xe từ từ đỗ lù đù trên bến đò vắng, đợi con đò chập choạng bơi sang….”**

Đoạn văn xuôi trên được trích trong tác phẩm nào, của nhà văn nào, tôi không nhớ. Nhưng tôi thuộc nó, nhất là phần tôi đã tô đậm vì tôi quá thích mấy câu tả cảnh ngắn gọn nhưng thật giàu hình ảnh này. Đặc biệt hơn là do trong đó tác giả có nhắc đến “trăng”. Từ đó tới nay, mỗi khi ngắm trăng, làm sao tôi không nhớ đến đoạn văn trên, đến cô giáo ấy nói riêng, các thầy cô dạy Việt văn nói chung! Dù có thể lúc đó tôi đang đứng/ngồi ở một nơi không hề có sông, không hề có một dải lung linh như nắm tơ vàng ngâm lơ lửng”!
Cùng với đoạn văn trên, còn nhiều đoạn/bài văn xuôi, nhiều bài thơ khác nếu cô/thầy giáo dạy không yêu cầu học thì chưa chắc tôi đã thuộc và có những đoạn thuộc đến bây giờ! (tôi chỉ nói riêng phần mình thôi). Thầy/cô yêu cầu thuộc thì tôi vâng lời vì hiểu đó là điều hiển nhiên và cần thiết. Sau đó, từ từ tôi mới thấm thía thêm ích lợi của việc này đối với học sinh.

Cho đến bây giờ, tôi chưa một lần có dịp bày tỏ trực tiếp với thầy/cô suy nghĩ và cảm nhận của mình về việc dạy và học văn thời ấy. Thời ấy, còn trẻ dại, tôi không đủ ngôn từ để diễn đạt. Bây giờ, với đầu óc nặng về khoa học tự nhiên (dù về chuyên môn, tôi đã bỏ KHTN từ lâu), lời lẽ không văn chương bay bướm, tôi chỉ có thể nói vắn tắt là: NHỮNG GIỜ GIẢNG VĂN THỜI ẤY ĐỐI VỚI TÔI NÓ HAY VÀ TRUYỀN CẢM LÀM SAO! Đặc biệt là giờ của cô. Nhiều lần, trong lúc giảng bài đến đoạn xúc động, tôi thấy ánh mắt cô long lanh ngấn lệ và đứa học trò nhỏ dại là tôi lúc đó cũng thấy trong lòng trào dâng niềm cảm xúc. Bây giờ tôi mới hiểu đó là sự truyền cảm trong khi bình giảng một bài văn/thơ - một “hiện tượng” mà ngày nay, một số người tâm huyết nhưng có phần bi quan (?) đang lo ngại là quá hiếm.

Giọng nói ngọt ngào, khả năng dạy văn tuyệt vời của cô đã tác động đến những cảm nhận của tôi về diện mạo của cô. Nói thật, lúc mới biết cô, tôi thấy cô rất bình thường về nhan sắc, nhưng càng về sau tôi càng thấy cô đẹp. Có người thì bị “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng ở cô, theo tôi, thì “cái tài làm nên cái đẹp” –  Cái đẹp ở cô là cái đẹp của tài năng! Có lẽ ai đã học môn Việt văn với cô đều  không  phủ nhận điều đó? Trong công việc, tôi may mắn tiếp xúc với một số người thuộc dạng đó. Và do đó, làm sao tôi không nhớ đến cô thường xuyên cho được!

Cô giáo dạy Việt văn mà tôi nhắc đến ở trên chính là cô Trần Thị Phao, cựu giáo viên trường THCL Tân Châu (An Giang).

PhNga - 01/03/2008
---------------------------------------------------------------------------
* Hai "câu" này không đảm bảo chính xác.
**  Một đồng môn của tôi cho biết đoạn trích trên có tiêu đề là "QUA PHÀ ĐÊM" của TRẦN CƯ . Tôi đã hỏi nhiều người nhưng không ai biết gì về tác giả, tác phẩm có liên quan.
PhNga - 11g 52'  ngày 31/10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét