26 tháng 5, 2012

VÀI SUY NGHĨ VỀ LÒNG TỰ TRỌNG


Nếu lần giở lại những giáo trình tâm lí học, giáo dục học, những cuốn sách giáo khoa môn Đạo đức ở Tiểu học, môn Giáo dục công dân ở Trung học, cũng như tìm hiểu các hoạt động giáo dục trong thực tiễn, ai cũng thấy được nền giáo dục của ta có chú trọng đến việc giáo dục những phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ. Những phẩm chất đạo đức đó có thể được phân chia theo các mối quan hệ: giữa cá nhân với xã hội/tập thể, giữa cá nhân với lao động, giữa cá nhân với người khác, giữa cá nhân với chính bản thân mình. Chúng rất phong phú và có liên quan nhau, đan xen nhau, thâm nhập vào nhau, qui định lẫn nhau. Nhưng dù có phong phú, đa dạng đến mức nào thì, theo thiển ý của tôi, cũng tựu trung lại ở 2 phẩm chất cơ bản là lòng nhân ái và lòng tự trọng
Tục ngữ ta có câu “Giấy rách phải giữ lấy lề”- dù sa sút nghèo khó cũng phải giữ nền nếp, đạo đức, gia phong. Ngạn ngữ phương Tây cũng có câu “Khát thì uống nhưng không uống thuốc độc”. Đó chính là thể hiện lòng tự trọng của con người, trước tự xử sự với mình, sau xử sự với người xung quanh.


Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 7 có những đoạn: “Tự trọng là biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, biết điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội, biểu hiện ở chỗ: cư xử đàng hoàng, đúng mực, biết giữ lời hứa và luôn làm tròn nhiệm vụ của mình, không để người khác phải nhắc nhở, chê trách”; “Tự trọng là phẩm chất cao quí và cần thiết của mỗi con người. Lòng tự trọng giúp ta có nghị lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao uy tín cá nhân và nhận được sự quí trọng của mọi người xung quanh”.

Như vậy, xét cho cùng, có lòng tự trọng thì cá nhân sẽ có những phẩm chất đạo đức khác, kể cả lòng nhân ái. Ngược lại, khi một cá nhân có cư xử đúng đắn trong tất cả các mối quan hệ, ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi việc cũng chính là cá nhân đó thể hiện có lòng tự trọng. Lòng tự trọng chính là phẩm chất đạo đức trung tâm trong đạo đức của mỗi người.


Có lẽ không sai khi có ai đó cho rằng, một người nào đó có lòng tự trọng thì anh ta có tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, công bằng, trung thực trong công việc; không nịnh trên, nạt dưới; không làm ít muốn hưởng nhiều; không tham lam, sống theo kiểu “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”; biết giữ chữ tín, không đi trễ về sớm; biết tôn trọng, cư xử lịch sự tế nhị với người khác, ở nơi công cộng; không nói xấu người vắng mặt; biết xấu hổ, ăn năn, nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm; không làm điều lợi cho mình mà hại cho xã hội, cho người khác;… Bởi vì những thái độ, hành vi đó thể hiện anh ta biết nghĩ đến người khác/cộng đồng, cũng đồng thời là trân trọng giá trị của bản thân.

Trong dạy học và tiếp xúc với HSSV cũng như qua ý kiến của một số đồng nghiệp, tôi biết có những em ham học hỏi, chuyên cần, năng nổ trong học tập; có tinh thần trách nhiệm cao trong các hoạt động khác, biết nhường nhịn, hi sinh cho bạn bè, cho tập thể; sống có nghĩa có tình, có trước có sau; tự tin, nghiêm túc, trung thực khi làm bài tập, bài thi, khi đi thực tập tốt nghiệp,… Còn nhiều, nhiều nữa những biểu hiện tốt đẹp, đáng quí của các em trong các hoạt động, trong cư xử và điều đó làm cho những người có trách nhiệm giáo dục, đào tạo các em cảm thấy rất vui và yên tâm rằng các em có lòng tự trọng, từ đó các em sẽ còn vươn cao, vươn xa hơn nữa trong lập thân, lập nghiệp.

Tuy nhiên, dường như cái “nền giấy trắng” tốt đẹp đó bị che lấp đi phần nào bởi “những đốm mực đen loang lổ” không đáng có. Và “những đốm mực đen” đó dễ đập vào mắt của người ta hơn vì chúng luôn nổi bật. Đề cập đến thực trạng trên, đã có nhiều bài viết, những chuyên đề được tổ chức, thậm chí có cả những đề tài nghiên cứu khoa học. Và có lẽ mỗi người trong chúng ta ai cũng đã hơn một lần nghe ai đó than phiền về những biểu hiện thiếu văn hóa, thiếu tự trọng trong học tập, sinh hoạt của một số bạn trẻ ở nơi này, nơi khác. Ở bạn trẻ là HSSV, những biểu hiện được nhắc đến nhiều là nói chuyện riêng trong giờ học; làm ồn khi người khác đang làm việc hoặc nghỉ ngơi; xả rác bừa bãi trong lớp học cũng như ở sân trường, nơi công cộng nói chung; dựa dẫm vào người khác, không trung thực trong kiểm tra, thi cử nhưng điều quan trọng là các em ít hoặc không cảm thấy xấu hổ khi có những thái độ và hành vi đó.

Để tìm hiểu những suy nghĩ của các một số bạn trẻ liên quan đến lòng tự trọng, có lần tôi đã đề nghị các em trả lời hai câu hỏi. Câu 1. Em có quí trọng bản thân mình hay không? Câu 2. Em đã, đang và sẽ làm gì để thể hiện điều đó? Kết quả thu được: Cho câu 1, 100% bạn trẻ trả lời là có; Cho câu 2, những ý quan tâm giữ gìn, chăm sóc sức khỏe/nhan sắc và không tự hủy hoại cơ thể được 100 % bạn trẻ đề cập đến; nhưng ý phải cố gắng học tập và tu dưỡng đạo đức để tự khẳng định và nâng cao giá trị bản thân thì chỉ được 22% bạn trẻ đề cập đến. Dù cuộc khảo sát chỉ tiến hành trên 55 bạn trẻ nhưng kết quả đó cộng với một số điều thu được qua thực tiễn làm tôi không khỏi băn khoăn: phải chăng một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ chưa nhận thức được sự cần thiết phải chăm sóc bản thân về mặt tinh thần; chưa hoặc ít nghĩ đến việc tự khẳng định bản thân bằng chính công sức của mình; không ngại người khác sẽ đánh giá không hay, không tốt về mình, tức là ít-nghĩ-đến-việc-phải-có-lòng-tự-trọng?
Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên? Về nguyên nhân khách quan ở đây tôi không dám lạm bàn, chỉ xin chia sẻ những suy nghĩ của mình về nguyên nhân chủ quan. 
Tôi rất đồng quan điểm với ai đó khi họ cho rằng thực trạng trên là do các bạn trẻ còn hồn nhiên, vô tư, ăn chưa no lo chưa tới. Các bài học đạo đức, về lí luận, họ tiếp thu một cách máy móc, sơ sài, hời hợt; còn về thực tiễn thì họ ít có cơ hội trải nghiệm và tự đánh giá bản thân nghiêm túc, đồng thời cũng không ý thức rõ những biểu hiện sai trái của mình sẽ bị người khác phiền hà và đánh giá thấp. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là do họ thiếu tự tin. Vì sao? - Có lòng tin vào bản thân, người ta có thể đối mặt với mọi hoàn cảnh. Ngược lại, một khi không tin vào bản thân, không đánh giá mình một cách tích cực, không cảm thấy mình có giá trị, có đủ khả năng thì người ta không phát huy hết khả năng, cũng có nghĩa là ta tự đặt những rào cản giới hạn cho mình. Do đó, nên chăng những câu “Tôi có thể và sẽ đạt được bất cứ điều gì tôi cần phải đạt được”; “Người khác làm giỏi việc đó thì ta phải cố gắng hết sức để ít nhất là cũng làm được việc đó”; “Dù ta học không xuất sắc nhưng nếu cố gắng ta sẽ đạt kết quả tốt”; “Việc này dù kết quả không cao nhưng đó là do công sức của chính ta và điều đó thật đáng tự hào";… là những câu mỗi người cần thường xuyên tự nhủ với lòng? 

Sự tự tin, lòng tự trọng, sự thiếu tự tin, thiếu tự trọng đan xen nhau, chuyển hóa cho nhau. Vì thế, ai cũng có thể xây dựng cho mình lòng tự trọng bằng cách tin vào bản thân, tôn trọng mình và tôn trọng người khác.
Tin vào bản thân, tôn trọng bản thân, biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời thừa nhận bản thân mà không cần điều kiện gì, đó chính là món quà lớn nhất mà mỗi người có thể tự tặng cho mình. Mặt khác, mỗi người là một cá thể riêng biệt nên sự nhận biết về lòng tự trọng cũng khác nhau. Ngay trong mỗi người, không ai là thập toàn nên có những thời điểm ở vào trạng thái thiếu tự tin, người ta cũng có thể giảm đi lòng tự trọng, tức là dễ chấp nhận những ý kiến rẻ rúng của người khác (nếu có) đối với mình, nên sẵn sàng làm những việc gọi là “không ngại xấu hổ”. 
Vì thế, không thể vội vả qui kết rằng những người có lòng tự trọng thấp là những người hoàn toàn xấu; cũng không thể cho rằng những người có vài biểu hiện chưa đúng đều là những người hoàn toàn không có lòng tự trọng. Bản thân người viết bài này cũng chưa dám tự hào mình là người giàu lòng tự trọng mà thực sự vẫn còn đang tiếp tục phấn đấu hoàn thiện bản thân về mọi mặt.

Hy vọng rằng mỗi bạn trẻ nếu nhận ra mình lúc này lúc khác đã từng có những biểu hiện không đúng với các chuẩn mực đạo đức nói chung, nội qui của nhà trường nói riêng, là đối tượng bị than phiền như đã đề cập ở trên thì trước hết sẽ vì giá trị, uy tín của bản thân, kế đến là vì lợi ích của tập thể/nhà trường/xã hội/cộng đồng mà cố gắng điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của mình.
Thiết nghĩ, để bồi dưỡng lòng tự trọng cho HSSV, những người lớn chúng ta cần soạn những “giáo án ngoài bục giảng”, lấy từ kiến thức tích lũy được qua những chuyến “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, từ chính phong cách sống của mình. Hơn nữa, khi tiếp xúc, tác động đến các em, cần phải “tôn trọng nhân phẩm, tài năng, trí tuệ, tự do tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng, thân thể của đối tượng giáo dục; tin tưởng ở thiện chí, ở khả năng sáng tạo của các em để từ đó khơi gợi lòng tự tin, lòng tự trọng, ý chí, nghị lực của các em, đồng thời luôn có những yêu cầu hợp lí đối với các em để kích thích các em phấn đấu vươn lên” vì đó là một nguyên tắc giáo dục quan trọng.
Xin thành tâm chia sẻ vài suy nghĩ, có thể là thô thiển, chưa đầy đủ, chưa hay. Do đó, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, bổ sung của mọi người.
PhNga
(Bài này đã đăng trên chuyên mục Diễn đàn KH của Tập san TTKH số 9 của trường CĐCT-tháng 5/2012 )
========================
Tài liệu tham khảo:
- Sách GK Giáo dục công dân lớp 7, NXB Giáo dục.
- Phạm Viết Vượng (2004), Lí luận giáo dục, NXB Giáo dục.
Các trang web:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét