28 tháng 12, 2010

"Lời chào cao hơn mâm cỗ" (st)

“Đến đây trước lạ sau quen
Chào nhau một tiếng thì nên bạn bè.”
(Ca dao cổ)
Dân ta từ xưa rất tôn trọng lời chào hỏi thân tình. Tổ tiên ta thường có lời răn dạy:
“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Ngày xưa, đầu làng hay đầu xóm cũng hay dựng cổng chào trên đường đi để chào mừng một nhân vật hoặc một ngày lễ lớn. Đây là một công trình, cái cổng cao và lớn. Chào còn là cách xin lỗi hay mời người khác khi mình đang ăn. Ca dao cũng có câu:
“Gió nồm là gió nồm nam 
Có người quân tử ăn tham không chào.”
Phong tục còn khuyên đến chào từ biệt người quen khi đi xa hoặc thăm hỏi sau khi ở xa mới về. Lại phải đến thăm hỏi họ hàng, bà con nội ngoại sau khi cưới. Đó là việc đưa cô dâu đi chào họ hàng như để giới thiệu một người mới về gia đình. Đến như mời mua hàng, mời hành khách đi xe của mình cũng được gọi là chào như chào hàng, chào khách.
Nói chung từ những việc thiêng liêng như chào cờ đến chuyện một em bé mới ra đời cũng gọi là chào đời và nhiều việc thông thường như hỏi han, mời mọc, mừng vui đều phải mở đầu bằng lời chào cả: Chào hỏi, chào mời, chào mừng.
Trước đây ở các tỉnh miền Nam hay xây hai cái bảng lớn bằng gạch vôi hay trồng bằng gỗ, một ở đầu tỉnh một ở cuối tỉnh. Bảng ở đầu tỉnh ghi: Kính chào quý khách. Bảng ở cuối tỉnh ghi: Kính chúc quý khách thượng lộ bình an. Quả là khi đọc được hai tấm bảng ấy lúc đến nơi cũng như khi rời khỏi địa phận, khách lạ thường thấy hài lòng hay lưu luyến trước lời chào nhiệt tình ấy. Bây giờ đất nước hòa nhập quốc tế, những từ tiếng Anh thông dụng như “Welcome to…” (Chào mừng các bạn đến…) đã được sử dụng phổ biến ở các cuộc đón tiếp khách quốc tế, ghi trên các con đường lớn.
Trong quan hệ giao tiếp hằng ngày, chẳng hạn khi mời người quen đến ăn uống cũng không thể dựa vào mâm cao cỗ đầy, cho đó là phần quan trọng nhất, mà quên đi phần lễ nghi chào đón mời mọc ân cần, nồng hậu thì bữa tiệc cũng trở nên tẻ nhạt. Vì đây mới thật là phần quan trọng nhất. Cho dù mâm cỗ không cao không đầy mà nhiệt tình cao thì bữa ăn trở nên vui vẻ, đầm ấm. Ngược lại, thức ăn toàn sơn hào hải vị mà cách đón tiếp thô thiển lãnh đạm thì bữa ăn cũng trở nên sơ sài, lạnh nhạt. Từ đó mới có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” để chứng minh một điều là nội dung nhiệt tình quý hơn rất nhiều mọi hình thức hào nhoáng.
Lời chào hỏi ân cần không chỉ là phong tục tập quán diễn ra hằng ngày ở vùng xuôi như làng mạc, đô thị mà còn ở trong rừng sâu núi thẳm hay ở giữa đảo nơi biển cả mênh mông.
Chẳng hạn, người đi rừng trong núi sâu thường lấy khúc tre gõ theo nhịp ba tiếng hay chụm tay vào mồm làm loa hú lên kéo dài. Đâu đó trong góc núi hay trên cánh rừng nếu có người họ cũng vội vàng đáp lại bằng cách làm trên. Đó là lời chào của người đi núi, xuyên rừng. Dựa vào tiếng mõ tre hay tiếng hú họ tìm cách gặp nhau, hay dẫu không đi nữa họ cũng cảm thấy yên lòng vì có hình bóng của con người ở bên nhau. Dẫu là con người ấy họ không biết là ai, quê ở đâu? Nhưng chắc chắn đó là con người.
Người đi thuyền trên biển thấy nhau từ xa cũng tìm cách chào nhau. Tàu lớn treo cờ, bật đèn, rú còi, thuyền nhỏ, lúc trời tối thì thắp đuốc hoa trên không hay thắp đèn lồng kính kéo lên đỉnh cột buồm. Thuyền bên kia thấy thế cũng hoa đuốc hay treo đèn đáp lại.
Hai cách chào đặc biệt của người dân đi rừng, đi biển đã làm cho núi rừng đỡ hoang vu và biển sâu đỡ hung dữ. 
(Nguồn: qdnd.vn)
  =====================
Không rõ từ bao giờ, dân ta có câu nói rất hay, rất văn hóa: "Lời chào cao hơn mâm cỗ".Câu nói này được lưu truyền từ đời này qua đời khác và trở thành nề nếp, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.
"Lời chào cao hơn mâm cỗ" hàm ý câu chào hỏi rất quan trọng, rất tình nghĩa, còn quý hơn cả việc mời nhau đến ăn uống tiệc tùng. "Lời chào cao hơn mâm cỗ"  ý muốn nói đến phép lễ nghĩa hơn cái ăn. Sâu hơn là nhân cách của con người cao hơn “vật chất”. Mâm cỗ có đầy, có sang trọng mới thể hiện được sự no đủ và hiếu khách của chủ nhà. Lời chào có nồng nhiệt, thân thiện mới chứng tỏ phẩm chất một ngưới có phép tắc, lễ nghĩa với một nền giáo dục tốt, và đậm chất  văn hóa của dân tộc. Mâm cỗ là sự no đủ về vật chất, lời chào thể hiện cho sự thân thiện giữa người với người. Lời chào là “phương tiện” tình cảm mang hơi thở của xã hội.
Chẳng thế mà ở làng quê trước kia cũng như hiện nay mọi người ra đường ra ngõ, đi chợ, đi làm đồng hoặc đi đâu đó gặp nhau là chào hỏi rất vui. Cả xóm chào nhau, cả làng chào nhau, rất thân mật, cởi mở, thân tình. Vì vậy mà ta thử xét lời chào là một biểu tượng văn hoá trong những đặc trưng của văn hoá như sau:
Việc chào hỏi rất sinh động, phong phú nhưng có thể hiểu tóm lược và đơn giản như thế này: Đó là dù thân hay sơ, là họ mạc ruột thịt hay chỉ là hàng xóm láng giềng quen biết, khi gặp nhau đều cần có lời chào. Con cháu từ nhà đi đâu hoặc đi đâu về nhà đều phải thưa chào ông bà cha mẹ và các bậc bề trên. Ở trường lớp hay tại bất cứ đâu, gặp các thầy cô giáo, học trò phải chào. Đến cơ quan, công sở, nhà máy… cũng vậy. Đó là lời chào nên đi đôi với câu hỏi ngắn gọn. Lời chào không cũng tốt nhưng đôi khi chỉ mang tính xã giao, thủ tục. Lời chào kèm theo câu thăm hỏi lại thể hiện sự quan tâm đến nhau. Cũng có thể dùng câu hỏi thay cho lời chào, đại loại: "Ông (bà) hồi này có khỏe không ạ?", "Ông (bà) đi đâu mà tay xách nách mang thế này?", "Hè này ông (bà) có đi nghỉ ở đâu không?"… Người Trung Quốc gặp nhau thường dùng hai câu cửa miệng "Khỏe không?", "Ăn cơm chưa?" để thay cho lời chào. Kể cũng hay, cũng là một nét văn hóa phương Đông độc đáo. 
Đã là lời chào hỏi thì phải thật lòng, tự nguyện, xuất phát từ đạo lý chứ không phải vì bị bắt buộc. Phải tránh các câu chào lấy lệ, chào để khỏi mang tiếng là không chào hoặc chào cộc lốc, cợt nhả, thiếu nghiêm túc, đại loại: "Hê lô đại ca", "Chào người đẹp", "Chào em cô gái Lam Hồng"…
Khi cất tiếng chào, nét mặt phải tươi vui, cởi mở cùng nụ cười thân mật trên môi. 
Những người quen biết nhau, khi gặp gỡ nhau, chào nhau, đó là nét văn hoá biểu trưng cho con người. Ở trình độ nhận thức thấp, con vật chưa có được.
Và, lời chào đã có từ bao giờ???  Ngay từ xưa, con người đã biết chào hỏi nhau, dần dần, nó trở thành thói quen, thành biểu hiện của sự lịch sự, nhã nhặn, và cả sự tôn trọng lẫn nhau. Đó là tính lịch sử, tính nhân văn, tính giá trị của văn hoá.
Còn ngày nay, việc chào hỏi dường như không được chú trọng lắm nhất là ở thành thị, cùng chung cư mà gặp nhau cứ tỉnh bơ như không. Thanh thiếu niên, nhi đồng gặp người lớn rõ ràng là quen biết, đáng tuổi ông bà cha mẹ mình mà cứ "giương mắt ếch" không chào hỏi gì.
Một cụ bà 80 tuổi đã từng kể cho tôi nghe một câu chuyên cười ra nước mắt như thế này: “Gần nhà tôi có một số cháu gặp người lớn không bao giờ chào hỏi. Có hôm đi ra cổng, tôi gặp một cháu trai mặt mũi cũng sáng sủa, tôi cất lời chào trước: "Bà chào cháu !". Nghe tôi chào, cháu ngạc nhiên trân trân đứng nhìn, không nói gì. Tôi vừa đi qua thấy cháu chạy lại với mấy đứa bạn lớn tiếng nói: “Bà lão thế mà ngoan! Bà ta vừa chào tao đấy!”. Cả bọn trẻ ồ lên cười khoái chí…
Điều này trách lớp trẻ thì ít mà trách bố mẹ chúng thì nhiều. Thực tế cho thấy, cũng cùng chung cư, ngõ phố lại có nhiều em rất ngoan, lễ phép, gặp người lớn đều chào tử tế. Thì ra những người nhà có các cháu này đã rất chú ý dạy bảo, nhắc nhở con cháu khi ra đường, khi lên xuống cầu thang gặp người lớn phải làm gì. Và bản thân các ông, các bà chủ gia đình này cũng rất niềm nở chào hỏi mọi người, nêu gương tốt cho con cháu làm theo. 
Văn hóa chào hỏi là một lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua văn hóa chào hỏi, người ta có thể nhận xét, đánh giá trình độ dân trí, văn minh của một cộng đồng dân cư, một quốc gia, một dân tộc. 
Lời chào là một trong những nét đẹp truyền thống có ý nghĩa nhân văn cần được gìn giữ và phát huy. Cứ tưởng lời chào là chuyện nhỏ nhưng lại cao hơn mâm cỗ. Mong rằng trong mỗi gia đình, nhà trường hãy quan tâm hơn nữa, đừng để lời chào dần bị mai một dần theo những bộn bề của cuộc sống.
                  
VÀI CÁCH CHÀO CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC
Người Nhật Bản khi chào nhau cũng cúi xuống vài lần, sau đó mới hỏi han chúc sức khoẻ và làm ăn thịnh vượng. Còn người Ấn Độ thì sau khi cúi gập mình xuống lại đưa hai tay đặt vào ngực để tỏ lòng thành kính với khách. Cũng người Ấn Độ nhưng có nơi không cúi mà chỉ nghiêng mình và ngửa hai lòng bàn tay lên trên.
Người Malaysia khi chào nhau vào dịp đầu năm mới, họ chỉ chạm nhẹ vào bàn tay người đối diện, sau đó thì thu tay lại rồi áp sát vào tim chừng vài giây để chứng tỏ sự chào mừng đã được tiếp nhận. Khi hai người gặp nhau, người nào cảm thấy mình lớn tuổi hơn thì chào trước. Còn nếu nam gặp nữ thì người nam không được chủ động chạm tay vào người nữ mà phải chờ người nữ chìa tay ra trước. Còn nếu người nữ không chìa tay ra thì thôi.
Các dân tộc sống trên vùng rừng núi Hymalaya có tục khi gặp nhau vào đầu năm mới, người ta phải thè lưỡi ra, dùng hai hàm răng cắn chặt lưỡi lại rồi lắc đầu mấy cái để chào nhau, sau đó mới nói chuyện.
Myanmar ngày đầu năm, già trẻ gái trai đều té nước lẫn nhau. Người nào áo quần càng ướt nhiều thì lại càng vui vì cho rằng càng ướt là càng có nhiều may mắn. Trên các đường phố lớn, trai gái luôn túc trực chờ khách qua đường để té nước mừng tuổi. Ở Lào, Thái Lan , Slovakia , Czech cũng có tục té nước vào ngày đầu xuân mới hoặc trong các dịp lễ hội.
Bắc Mỹ có một số vùng, bạn bè khi gặp nhau liền cởi áo trao đổi nhau để tỏ tình thân mật. Còn ở Nam Mỹ lại có những bộ lạc khi gặp nhau liền quay lưng lại rồi mới chào hỏi.
Marốc, Algieria, Tuynidi khi gặp nhau trong dịp đầu năm mới, người ta ngồi xuống đất, cởi giày ra rồi mới trò chuyện, chúc tụng.
Các nước Phương Tây, khi bạn bè thân thuộc gặp nhau vào đầu năm mới, người ta chào nhau bằng những nụ hôn nồng nàn. Tuy nhiên, không phải hôn chỗ nào cũng được mà là có những “luật bất thành văn”: cha mẹ hôn con ở trán, bạn bè hôn nhau ở má, trai gái yêu nhau thì hôn môi.
PhNga sưu tầm

1 nhận xét:

  1. PhNga nhớ đã đọc ở đâu đó một câu chuyện hay về việc chào hỏi. Đại khái là có 2 cha con đi trên một con đường làng lạ và khá vắng vẻ. Thấy từ xa có một bà cụ đi ngược chiều, người cha bảo con khi đến gần thì chào bà cụ. Khi cậu con trai thắc mắc tại sao phải chào một bà cụ không quen thì người cha bảo:
    - Con cứ chào bà cụ đi rồi sẽ thấy MỘT PHÉP MẦU.
    Cậu bé nghe lời. Khi đến gần, cậu khoanh tay cúi đầu cung kính:
    - Cháu chào cụ ạ...
    Bà cụ thật vui trả lời:
    - Bà chào cháu! Ôi, cháu ngoan quá!
    Cậu bé cảm thấy thật vui.

    Sau đó cậu mới hiểu PHÉP MẦU đó chính là niềm vui của mỗi người khi người ta chào nhau. Khi người ta vui thì mọi thứ xung quanh trở nên đẹp đẽ và đáng yêu biết bao.

    CHÀO HỎI NHAU để mỗi người nhận MỘT PHÉP MẦU trong cuộc sống, vậy thì ta ĐỪNG TIẾT KIỆM MỘT LỜI CHÀO khi gặp ai đó.

    Gần đây, PhNga ghé một tiệm bán đồ gia dụng ở đường Nguyễn Thái Học Tp.CT để hỏi mua một cái chân inox để bình nước lọc. Chú bán hàng nói giá và bảo PhNga chờ chú khoảng 5' để chú về nhà lấy. PhNga đồng ý đứng đợi. Trong tiệm còn 1 chú khác (có lẽ là em của chú hồi nãy) và 1 người đàn bà đang cho 1 đứa trẻ ăn. 10' sau, các khách hàng khác đã mua xong đồ và đi, chủ tiệm rảnh rỗi thản nhiên nhìn PhNga... Thêm 05'... 10' nữa đôi chân và cái vai đeo cái cặp nặng của PhNga đã bắt đầu mỏi... Dù ráng chờ chú kia vì thái độ vui vẻ của chú khi tiếp khách nhưng càng lúc PhNga càng thấy giận 2 người còn lại vì họ thấy khách đứng rất lâu mà không hề có 1 tiếng chào mời (PhNga thấy phía trong tiệm có cái ghế nhỏ bỏ không)...
    Thế là PhNga ra xe về không thèm nói 1 lời. Thời buổi cạnh tranh mà đối xử với khách như thế thì quá dở!

    Một vài cô giáo trẻ bị bà con phê bình là không vui vẻ chào hỏi khi gặp người lớn. Gì không biết chứ người ta có quyền nghi ngờ về khả năng giáo dục HS của các cô giáo này...

    Trả lờiXóa