15 tháng 3, 2011

Kinh hoàng, đau buồn, đau thương, cảm thông, chia sẻ, ngưỡng mộ, khâm phục,...

Đó là những động từ thuộc "xúc cảm-tình cảm" mà những phút lên mạng ngắn ngủi mấy ngày nay tôi đọc thấy rất nhiều trên các bài viết/bài phản hồi về thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản.
Bản thân tôi cũng có những xúc cảm đó và đầu óc cứ bị ám ảnh mãi bởi thảm họa này. Cũng từ đó mà tôi nghiệm ra được nhiều điều trong cuộc sống và càng thấm thía làm sao hai chữ "vô thường". Thấm thía để rồi không phải chỉ thở dài thườn thượt mà phải có suy nghĩ và hành động tích cực hơn.

Cầu mong đất nước và nhân dân Nhật Bản, với tinh thần kỷ luật, ý chí kiên cường, trí thông minh và tài năng tuyệt vời của mình cùng với sự giúp sức của cả thế giới, sẽ mau chóng khắc phục hậu quả, vượt qua những khó khăn, mất mát, đau thương này.
PhNga
MỘT SỐ BÀI BÁO:
Một số bài viết 
Nghĩ từ động đất ở Nhật
Vì sao cảnh cướp bóc không xảy ra trong thảm họa ở Nhật?
Chuyện 50 người đi vào cõi chết
Câu chuyện văn hóa: bài học Nhật Bản



Động đất ở Nhật & chuyện khó coi ở ta
1
TT - Người dân Nhật rất bình tĩnh, trật tự trong và sau trận động đất kinh hoàng - tôi chẳng tin vào những điều như thế vốn được đăng trên vài tờ báo Việt Nam ngay sau khi trận động đất cùng cơn sóng thần kinh hãi xảy ra trên nước Nhật. Chẳng tin là bởi tôi đã chứng kiến tận mắt rất nhiều người cứ hay thổi phồng những câu chuyện họ thấy ở nước ngoài để dạy dỗ ngược trở lại những điều diễn ra ở Việt Nam.
Song tôi đã buộc phải nghĩ lại khi xem những hình ảnh của người dân Nhật trong và sau sự cố được phát trên bản tin thời sự của VTV. Và tôi tiếp tục phải nghĩ lại khi thấy rất nhiều tờ báo cùng đăng tải một bức ảnh diễn tả cảnh những người Nhật quy củ xếp hàng nhận đồ cứu tế. Dòng người xếp hàng nhiều đến nỗi người ta đã không thể đứng thành một hàng dọc, mà phải “uốn” thành hình cong trong một trật tự đáng khâm phục.
Rồi ngay trên chính trang báo này, chúng ta cũng đã nhìn thấy rất nhiều hình ảnh cùng rất nhiều câu chuyện cảm động được chuyển về từ tâm chấn: một phụ nữ đã gọi lại một thanh niên trên đường để tặng chiếc bánh mì, dù cửa hàng bánh của chị mỗi lúc một cạn kiệt hơn; một em nhỏ kiên quyết xếp hàng đợi đến lượt mình để lấy nước sạch, thay vì nhận ân huệ “nhường chỗ” của những người đứng trên.
Và đáng phục nhất có lẽ chính là câu chuyện được một cảnh sát Nhật gốc Việt Nam thuật lại khi anh tặng một miếng lương khô của mình cho một em bé 9 tuổi đã mất cha, mất mẹ, giờ đang xếp hàng nhận đồ cứu trợ.
Em bé ấy, trong cơn đói khát cùng quẫn đã không ngấu nghiến ăn ngay miếng lương khô như tưởng tượng của anh, mà mang nó đến chỗ những người đang phát thực phẩm với một suy nghĩ khiến cả nhân loại phải ngả mũ rằng: “Có lẽ còn nhiều người đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô, các chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc như tôi đều phải rơi nước mắt trước câu nói này.
2
Sống với những câu chuyện cảm động và đáng phục trên đây, bỗng thấy đắng đót quá khi nhớ lại cảnh chen cướp đầy nhức nhối diễn ra trong lễ hội đền Trần ở xứ ta. Ở lễ hội đó, bất luận già - trẻ - trai - gái, và bất luận người bình dân hay người trí thức cũng đều như thế cả: cứ nháo nhào xô đẩy nhau để “cướp” cho kỳ được một cái ấn - phương tiện thỏa mãn giấc mộng phù hoa. Kết quả là đã có nhiều người ngộp thở, ngất xỉu hoặc ít ra cũng phải thoát khỏi đám đông trong cảnh “thân tàn ma dại”...
Tới đây, hãy thử đặt câu chuyện “động đất ở Nhật” và “cướp ấn đền Trần” cạnh nhau. Nếu như động đất ở Nhật khiến con người phải đối diện với cảnh “một sống hai chết” thì lễ hội đền Trần, đúng như tên gọi của nó là một ngày hội, và ở ngày hội ấy con người ta có thể được thỏa mãn nhu cầu quyền lực - nhu cầu vật chất (ít ra là ở góc độ niềm tin). Vậy thì, xét ở phương diện nguy kịch, rõ ràng động đất ở Nhật nguy kịch hơn nhiều so với lễ hội đền Trần ở ta. Vậy nên, cái hoàn cảnh “động đất” đáng để người ta phải chen lấn, xô đẩy; thậm chí là phải tranh cướp, giành giật hơn rất nhiều so với hoàn cảnh “lễ hội”.
Ấy thế mà chính trong hoàn cảnh đáng để chen lấn, giành giật, người ta lại thấy được sự quy củ, nề nếp; còn chính trong hoàn cảnh tưởng như phải quy củ, nề nếp thì người ta lại thấy rõ sự bát nháo, vô tổ chức đến kinh hồn. Sự tương phản này quả là dữ dội và... đau lòng.
3
Đặt ra hai câu chuyện trên là để đề xuất một giải pháp khắc phục tình trạng lộn xộn, bát nháo ở lễ hội đền Trần nói riêng cũng như các lễ hội khác nói chung ở xứ mình. Đó là từ nay về sau, cứ trước một lễ hội lớn, những nhà tổ chức nên đặt một màn hình công cộng ở nơi diễn ra lễ hội. Và ở trên màn hình hãy chiếu đi chiếu lại những hình ảnh nề nếp, quy củ. Nhìn những hình ảnh ấy, tất cả những người dự lễ hội ở ta có lẽ sẽ ngăn chặn được phần nào sự chen lấn.
Tất nhiên, phương pháp này chỉ đạt hiệu quả khi những người dự lễ hội có khả năng thức tỉnh và khả năng xấu hổ - thức tỉnh trước những hình ảnh mình xem và xấu hổ nếu làm ngược lại những hình ảnh đó.
Còn giả như đến ngay cả khả năng thức tỉnh và khả năng xấu hổ ấy cũng không còn nữa thì thôi, xin miễn bàn!
 PHAN ĐĂNG

Làm chút gì đáp trả ân tình
TT - Trở về Việt Nam an toàn, những bấn loạn, mệt mỏi đã ở sau lưng nhưng trong lòng cô sinh viên kinh tế Trường đại học Fukushima Nguyễn Ngô Anh Thư vẫn đau đáu lo cho nước Nhật. Cảm giác mắc nợ những gì người Nhật đã làm cho mình khiến cô gái trẻ phải vội vã tới báo Tuổi Trẻ trong ngày 22-3 để “làm chút gì đó đáp trả ân tình” như Thư nói.
Nhóm sinh viên Đại học Kinh tế - luật và Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đến ủng hộ tiền giúp người dân vùng thiên tai Nhật Bản và một lọ chứa hàng trăm con hạc giấy do các bạn vừa gấp  - Ảnh: Gia Tiến
Qua Nhật đã năm năm, Anh Thư đã coi Nhật Bản là quê hương thứ hai của mình. Khi Fukushima xảy ra động đất, Thư cùng nhóm bạn sinh viên Việt Nam được chuyển vào ở trong nhà lánh nạn. Những ngày ở đây, cô gái Việt Nam đã cảm nhận tình cảm đáng quý mà các bạn Nhật dành cho những du học sinh như cô dù họ đang gặp nạn.
“Mỗi ngày chúng tôi đều được một chai nước nhỏ và hai nắm cơm vắt. Người phát cơm luôn nói với chúng tôi là cố gắng lên nhé, xin lỗi vì đã không mang cơm được nhiều hơn. Người già và trẻ em được nhường lấy phần trước, sau đó đến thanh niên. Người nước ngoài cũng như người Nhật không hề có sự phân biệt đối xử. Có người chỉ nhận mỗi ngày một nắm cơm để dành cho người khác” - Anh Thư nhớ lại, đôi mắt rưng rưng.
Cứ vậy Thư và bảy bạn sinh viên khác cầm cự được ở Fukushima ba ngày. Cuối cùng, mọi người bàn nhau tìm cách về Việt Nam vì nghĩ ở lại là thêm gánh nặng cho các bạn Nhật. Mỗi nắm cơm, chai nước được san sẻ cũng là sự nỗ lực lớn trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại của người Nhật dành cho nhau và tất cả những người xung quanh của mình là điều Thư không thể nào quên.
Tìm cách để đi Osaka, cả nhóm được bác Trần Thọ Hi, một người Nhật gốc Việt, xếp hàng cả buổi trời tại sân bay, tự bỏ tiền túi để mua vé máy bay cho cả nhóm. Cả ngày trời chờ đợi, cuối cùng chuyến bay đi Osaka chỉ có thể tiếp nhận tám người, vậy là một người phải ở lại.
Cả nhóm bàn nhau bắt thăm ai sẽ ở lại thì bác Hi nhất quyết bắt tám sinh viên lên máy bay, để mình ở lại vì “Các cháu còn ở đây bác không yên tâm”. Lên máy bay tới Osaka, Anh Thư và mọi người đều khóc và lo cho bác Hi.
Chuyến bay trở về Việt Nam ngày 20-3 với cô sinh viên Anh Thư không có sự vui sướng như những lần khác, ngược lại lòng cô ngổn ngang bao nỗi lo lắng cho vùng đất như quê hương thứ hai của mình đang trong thảm họa và người đồng hương tốt bụng. “Rời nước Nhật lúc này, cảm giác như mình đang chạy trốn vậy” - Thư như chực òa khóc.
Về nhà được hai ngày, Thư xin mẹ 1 triệu đồng để đến Tuổi Trẻ đóng góp cho các bạn Nhật Bản. Rồi Thư cho biết kế hoạch của mình: “Tôi phải gọi điện cho thầy cô ở Trường THPT Võ Thị Sáu của tôi để qua đó kêu gọi quyên góp. Nóng ruột lắm!”.
Thứ Hai, 21/03/2011, 06:16 (GMT+7)
Nước Nhật trong dư chấn - Kỳ 4:
Còn cuộc sống còn tất cả
TT - Thật sự là qua cơn sốc ngay sau khi động đất xảy ra ngày 11-3 đến hôm nay, chẳng hiểu sao tôi thấy không sợ hãi hay lo lắng gì cả. Tôi đã chứng kiến cảm giác tuyệt vọng trong chốc lát, nhưng cũng hiểu rằng đúng là còn sống, được sống, sống và sống an bình là không có gì quý hơn.
Công nhân bắt đầu xây dựng nhà tạm cho người dân ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate ngày 20-3 - Ảnh: AFP
Tôi vẫn nhớ khi đang ôm đầu nép dưới gầm bàn lúc căn nhà rung lắc dữ dội, tôi đã nguyện cầu: ”Ông trời ơi, cho con sống, hãy cho con được sống. Con sẽ không bao giờ phàn nàn, trách cứ, giận dữ gì nữa cả, chỉ cần được sống thôi, được sống là quá đủ với con!”.
“Đi đã nhé!”
Người Nhật chỉ có thể sơ tán đâu đó an toàn hơn ở các vùng xung quanh vì họ không còn lựa chọn nào hơn, còn người Việt hay nước khác thì còn có quyền rời khỏi nước Nhật lúc này. Các nước đều đang khuyến cáo công dân rời khu vực bị ảnh hưởng của thảm họa, rời khỏi Nhật.
Tôi đã không biết đến sự lựa chọn này cho đến khi một người bạn gọi để hỏi: “Linh có về Việt Nam không?”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời “không”. Tôi không có một giây một phút nào nghĩ đến chuyện về Việt Nam tránh nạn, tránh nhiễm phóng xạ, khi mà tình hình cho đến nay vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ Nhật và sự an toàn của gia đình tôi chưa bị đe dọa.
Đừng nói tôi can trường hay đặc biệt. Đó chỉ là cảm giác tự nhiên, vì Nhật Bản đã là quê hương thứ hai của tôi, của gia đình nhỏ bé yêu thương của tôi. Nếp sinh hoạt và mọi thứ gắn bó quá mật thiết, động đất mạnh qua rồi, sóng thần không đến nơi, nhà máy điện hạt nhân ở xa. Cuộc sống xung quanh vẫn diễn ra trong trật tự bình lặng vốn có, con cái vẫn đến trường, vợ chồng việc ai người nấy làm y như bao nhiêu người khác. Giải pháp “về” chỉ có thể được lựa chọn khi tình thế không thể nào khác được.
Có một mốc thời gian mà tôi và hàng triệu người khác sẽ không bao giờ quên. 2g46 chiều 11-3-2011. Đó là thời khắc động đất và sóng thần tấn công Nhật Bản. Đúng vào thời khắc đó một tuần sau, 18-3, cả nước Nhật đã có một phút mặc niệm những người ra đi.
Tất cả mọi người trên hiện trường dọn dẹp hậu quả sóng thần và động đất đều bỏ mũ cúi mình. Các nhân viên công quyền các tỉnh có nạn nhân giữa bộn bề công việc cũng hướng tất cả suy nghĩ của mình về những con người không may mắn. Tất cả. Chuông kéo dài rồi điểm những nhịp ngân nga, run run, đau buồn... Tôi thấy lòng mình thắt lại.
Cả ngàn người đã ra đi mà không kịp biết là họ phải ra đi vì sóng dữ từ biển khơi. Chỉ một phút trước đó tất cả đều an bình. Những con sóng làm nên vẻ đẹp của biển cả phút chốc biến hóa thành những con quái vật tham lam, giết người hàng loạt trong chớp mắt. Con người quá nhỏ bé, quá mong manh... Trên truyền hình, biển vẫn xanh như triệu triệu năm vẫn vậy. Nhưng giờ đây trong muôn trùng xanh xanh đó còn có lớp lớp linh hồn của những người ra đi mà không kịp nói “Ittekimasu!” (Đi đã nhé!).
Giương lên ngọn quốc kỳ
Những ngày này, tôi có cảm giác hình như mình đang chứng kiến một trận đánh lớn vào tổ máy số 3 của Nhà máy điện Fukushima. Các mũi giáp công bằng nước của không quân từ trên trời xuống, xe cứu hỏa ở mặt đất đánh vào. Trên truyền hình, các sĩ quan cấp cao trong quân phục màu xanh đậm giải thích phương án tác chiến làm tăng thêm không khí khẩn trương.
Khi gia đình tôi chuyển đến bất kỳ một nơi ở mới nào, lúc đi đăng ký cư trú cũng được phát luôn sơ đồ sơ tán khi có biến cố. Ngoài các trường học thì trong trường hợp khẩn cấp, những nơi công cộng to lớn như hội trường hội họp, nhà văn hóa cộng đồng, cung biểu diễn có mái che... cũng sẽ trở thành nơi sơ tán cho mọi người.
Do đó, việc người dân biết chạy đến chỗ nào đã giúp giảm tối đa những thương vong không đáng có sau thảm họa. Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ bầu không khí thân ái, ấm áp trùm lên tất cả như hiện nay: gần gũi, cùng chung những nỗi niềm, hành động. Tất cả đều mở rộng vòng tay của mình che chở những người phải rời khỏi nhà sơ tán.
Tất nhiên, khi có thiệt hại to lớn xảy ra thì cả đất nước cùng hướng về con người vùng bị nạn, nhưng chính phủ phải thể hiện cao nhất sự độc lập của mình trong vai trò cứu dân, hỗ trợ dân. Chính quyền ông Naoto Kan trước đó đang gặp rất nhiều khó khăn khi tỉ lệ ủng hộ của dân chúng với ông chỉ còn 20%, nhưng một khi thảm họa xảy ra, họ đã nhanh chóng cung cấp thức ăn, chỗ ở, làm những gì có thể để duy trì cuộc sống của người còn sống và thi hành những biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
Chính phủ đi đầu thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình một cách đầy thuyết phục, cùng với đó là hoạt động của cộng đồng. Nhìn vào sự phối hợp nhịp nhàng đó để thấy rõ sự đoàn kết đồng lòng. Công ty mì ăn liền Nisen nhanh chóng cung cấp thêm mì trong cốc giấy rất tiện lợi; Công ty quần áo Uniqlo cung cấp thêm quần áo tỏa nhiệt mặc trong để cơ thể ấm hơn; Công ty điện thoại Sofbank sẵn sàng cho mượn 10.000 điện thoại miễn phí.
Các cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài đứng ra quyên góp cho nhân dân trong nước, cầu thủ trong nước cũng tiến hành quyên góp ở các địa điểm khác nhau. Nhìn hình ảnh mọi người giương quốc kỳ Nhật ở nước ngoài trong bối cảnh tổ quốc gặp khó khăn thấy lòng xao xuyến. Họ không ngần ngại tự mình bưng các hộp lạc quyên để nhận quyên góp từ khán giả. Các hộp quyên góp màu trắng vẽ mặt trời đỏ vừa trang trọng và đầy yêu thương.
Nhiều hoạt động thể thao, giải trí, nghệ thuật... đã lên lịch từ trước, kể cả cuộc thi trượt băng quốc tế, liên hoan phim hoạt hình quốc tế đều đã hoãn lại. Những nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật đều lên tiếng chia sẻ những thông điệp cảm động, sâu sắc và chân thành. Người Nhật chẳng bao giờ tự khen mình là “tự hào truyền thống” (như truyền thống đùm bọc), nhưng rõ ràng qua những lúc này thấy rõ họ và những quốc gia khác cách biệt như thế nào.
Dư chấn vẫn tiếp tục. Ngày 19-3 là một đợt mạnh 6 độ Richter ở ngoài khơi bờ biển phía đông Honshu. Từ ngày 11-3 đến nay, người ta đã ghi nhận được con số kỷ lục 262 trận dư chấn cường độ 5 độ Richter hoặc lớn hơn. Tokyo thời tiết đang ấm áp lên. Nhưng ở mấy tỉnh bị thiệt hại nặng vẫn rất lạnh, nhiệt độ dưới 0. Nếu mà ấm lên và tuyết ngừng rơi ở vùng đông bắc thì tốt bao nhiêu để dân cư ở đó đỡ khổ vì rét. Gần 20 bệnh nhân ở các khu sơ tán đã ra đi...
Hãy yêu thương nếu muốn yêu thương, hãy nói điều muốn nói, làm điều muốn làm cho bạn bè, người thân của mình, đừng ngần ngại! Hãy tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống nhiều như có thể và hãy gắng không làm tổn thương người khác, gắng sống sao cho vui, lòng thanh thản.
Còn cuộc sống là còn tất cả, giống như bức hình những bông hoa nở trên thân cây cằn khô, những người còn sống sẽ tiếp tục những gì mà những người đã ra đi còn dang dở...
HÀ LINH
(KHỔNG LOAN ghi)

2 nhận xét:

  1. Tình cờ, hôm nay em đọc được hai lần từ "vô thường", một từ người em chú bác ruột của anh Sơn, một từ chị và cũng ngẫu nhiên là khi đề cập đến nỗi đau Nhật.
    Đau lòng quá! Nhưng nổi lên hơn là sự nể phục tính cách Nhật. Nhờ có một nền giáo dục nhân bản quá tốt nên họ ko có sự hoảng loạn, ko có cảnh xô đẩy,giành giật, cướp bóc, hôi của lẫn nhau. Em mơ ước một ngày nào đó có người khen con dân VN như thế.

    Trả lờiXóa