Năm 2010, tôi may
mắn có cơ hội kết bạn với một người là một thành viên trong ban giảng huấn Chương
trình Giáo dục các giá trị sống (LVEF). Khi gặp nhau, cô bạn này đã đề cập, mỗi
lần một ít, kiến thức về các giá trị sống và thông tin về chương trình này, đã
tặng tôi những cuốn sách quý. Cũng như nhiều người, bản thân tôi đã đọc khá nhiều
trong các loại sách, báo, trên mạng,... những tài liệu lý luận, những câu chuyện
có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn-đạo đức, đã phần nào trải nghiệm thực tế cuộc sống,...
nên những kiến thức cô bạn chia sẻ cũng không quá mới mẻ nhưng tôi cảm nhận ở
đó có những điểm rất thú vị trong cách tiếp cận vấn đề. Đặc biệt, tôi cảm nhận
được mục đích cao cả và trong sáng của cô bạn nói riêng, của LVEF nói chung – cho một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả những
điều đó đã thu hút tôi mãnh liệt. Khi TP Cần Thơ là thành phố thứ ba ở Việt Nam
(sau Hà Nội và TP HCM) được cấp phép tổ chức tiếp nhận LVEF và trường Cao đẳng
Cần Thơ là điểm tiếp nhận đầu tiên, tôi đã hồ hởi tham gia lớp tập huấn dù biết
mình không còn trẻ, thời gian làm “người
của số đông” của tôi đang đếm ngược...
Sau hai lớp “Tư duy tích cực” và “Quản lý bản thân”
với thời gian tập huấn ngắn, lớp tập huấn “Giáo dục các Giá trị Sống” được tổ
chức trong bốn ngày liên tục vào giữa tháng 7 năm 2012. Khi đó, tôi tự nguyện
hủy chuyến du lịch ra Bắc và dời lịch dạy hè để tham gia trọn vẹn vì biết lớp
này được cô Trish Summerfield-Giám đốc của LVEP
tại Việt Nam trực tiếp giảng dạy.
Ngày
đầu tiên có lẽ điều các học viên cảm nhận trước hết là mình rất may mắn khi biết
rằng tham gia lớp học, ngoài các cán bộ-giáo viên theo danh sách còn có 2 giảng
viên của trường Đại học Cần Thơ, một giáo viên
của trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, đặc biệt còn có 3 doanh nhân ở TP HCM – họ
chịu khó như vậy là do tha thiết với LVEP, đặc biệt là muốn được học trực tiếp với cô giáo
Trish Summerfield.
Những
gì diễn ra suốt bốn ngày làm việc cho thấy cảm nhận ban đầu đó là hoàn toàn
đúng. Chúng tôi không chỉ được thu nhận những giá trị sống quan trọng, mà còn
học hỏi được những phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục rất quý giá để
có thể áp dụng vào hoạt động sư phạm của mình. Trong các hoạt động, cô giáo làm
việc không quá 30% thời gian và khối lượng công việc và chỉ là người định hướng
ban đầu, còn lại là phần thực hiện của các học viên. Các phương pháp/phương tiện/hoạt
động được sử dụng rất da dạng (trực quan, bài tập tập trung, suy ngẫm và tưởng
tượng, làm việc nhóm, sử dụng sơ đồ tư duy, trò chơi, thực hành, nghe nhạc,…) nên
dù thời gian có hạn, các hoạt động diễn ra rất khẩn trương, chúng tôi vẫn cảm
thấy nhẹ nhàng và đã sôi nổi, hào hứng tham gia. Tôi thực sự ấn tượng với việc phân chia nhóm một cách ngẫu nhiên và thú vị
bằng nhiều cách khác nhau, nhờ vậy chúng tôi có điều kiện tiếp xúc, làm việc và
chia sẻ với tất cả các thành viên trong lớp, từ đó chúng tôi hiểu nhau hơn về
sở thích, về những thế mạnh riêng,… của từng người, từ đó đoàn kết và gắn bó
với nhau hơn… Những trò chơi đầy ý
nghĩa cũng gây những ấn tượng khó phai, như trò “giúp nhau ăn kẹo” làm thấm thía ý nghĩa của các giá trị hợp tác,
yêu thương, trách nhiệm,... Cũng thật vui và cảm động với hoạt động “đi vào đường hầm tình yêu”, qua đó mỗi
học viên cảm nhận được hạnh phúc, có niềm tin hơn vào giá trị của bản thân. Chúng
tôi thực sự đã có được một bầu không khí lớp học tuyệt vời dựa trên nền tảng
của các giá trị sống, đó là “bầu không khí có sự thấu hiểu lẫn nhau để
tất cả mọi người đều cảm nhận được tình yêu thương, thấy mình có giá trị, được
tôn trọng và an toàn”. Tất cả đã giúp chúng tôi lĩnh hội những giá
trị sống một cách sâu sắc và thấm thía.
Có lẽ
hơn cả những điều đó, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ và cảm kích trước nhân cách
của cô giáo Trish Summerfield người New
Zealand. Trước hết, vị trí Giám đốc của LVEP
tại Việt Nam đã nói lên tài năng và đức độ của cô, nhưng những gì cô thể hiện
trong bốn ngày tập huấn đã chứng tỏ ở cô tập trung đầy đủ “những giá trị sống”
tốt đẹp, tập trung đầy
đủ những yếu tố của một nhân cách sư phạm tuyệt vời. Bản thân tôi sẽ không bao giờ quên phong cách giản dị, nhiệt
tình; ánh mắt vừa nghiêm nghị vừa dịu dàng; cách cư xử vừa nghiêm khắc vừa nhân
ái, khoan dung pha chút dỉ dỏm của cô. Xúc động nhất là khi biết cô và các giáo
viên của LVEP nói chung tham gia giảng dạy hoàn toàn không nhận tiền công! Ba
vị doanh nhân thành đạt đến từ TP HCM cùng các tình nguyện viên cũng đã góp
nhiều công sức vào thành công của lớp tập huấn; họ đã tích cực tham gia, giúp
đỡ mọi người trong các hoạt động, lo phương tiện đi lại, đi tìm mua những cuốn sách
quí để tặng mọi người,... Họ đã được các học viên dành cho nhiều cảm tình đặc
biệt.
Lớp tập huấn đã khép lại với những
cái siết tay, ôm hôn lưu luyến, những lời phát biểu đầy cảm động của các học
viên thể hiện những điều đã thu hoạch được; thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng mộ,
cảm kích đối với LVEP, đối với cô giáo và các tình nguyện viên; thể hiện sự
quyết tâm tìm tòi, củng cố, phát huy những giá trị sống tốt đẹp ở bản thân và từ
đó ứng dụng, làm lan tỏa hiệu quả của nó đến học sinh, sinh viên, những người thân,
con cháu,... của mình.
Bản thân tôi viết những dòng nhằm
bày tỏ lời tri ân trước hết đến LVEP giàu tính nhân văn; kế tiếp là đến UBND TP
Cần Thơ và Ban giám hiệu trường Cao đẳng Cần Thơ đã nhiệt tình tạo mọi điều
kiện thuận lợi; trực tiếp nhất là đến cô giáo Trish Summerfield nói riêng, các
giáo viên đã tham gia giảng dạy nói chung và các tình nguyện viên đã cho chúng
tôi chiêm ngưỡng những tấm gương sinh động về các Giá trị Sống; sau cùng là đến
các học viên đồng nghiệp đã cùng nhau vui vẻ học tập và hợp tác.
Tương lai không xa, như mong ước
của mọi người, LVEP sẽ được tổ chức rộng rãi ở nhiều nơi, cho nhiều đối tượng, do những ban giảng huấn khác nhau, nhưng lớp Tập huấn LVEP đầu tiên ở trường Cao đẳng Cần Thơ sẽ mãi mãi chiếm một
vị trí đặc biệt trong trái tim tôi và mọi người.
Cần Thơ - tháng 9 năm 2012 (bài đã đăng trên TS TTKH của trường CĐCT)
La Ngọc Phương=Phan Thị Nga
(sẽ bổ sung hình ảnh sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét