“Chiều tối ba mươi Tết tôi gượng dậy
để làm nốt một số việc nhà còn dang dở. Từ sáng tới giờ tôi nằm vùi vì bị sốt,
nhức đầu, chóng mặt. Tội nghiệp hai đứa
nhỏ, từ sáng giờ chúng lăng xăng vừa lo chăm sóc mẹ vừa làm nhiều việc nhà,
nhưng việc nội trợ mà thiếu bàn tay phụ nữ thì làm sao tươm tất, chu đáo cho
được – tôi thầm nghĩ – À, không biết mấy chậu bông vạn thọ chúng mua hồi xế ra
sao nữa! Tôi đi ra mái hiên nhà trước để xem mới thấy chậu hoa chúng mua
nhìn vô thấy tối hù, chả có vẻ gì là Xuân cả! Chắc là nghĩ năm tới có thể gia đình càng thêm khó khăn nên chúng tiết
kiệm mua về mấy chậu hoa chưa nở bị người ta chê lên chê xuống với giá rẻ mạt
chứ gì! Có tiết kiệm thì cũng vừa vừa thôi các con ơi, thà mua 2 chậu mà trông
tươi sáng còn hơn 4 chậu mà tối hù – Tôi rơm rớm nước mắt, nỗi tủi thân lại
được dịp dâng trào. Nhà không có điều kiện trồng được cây hoa, cây kiểng nào
nên Tết năm nào cũng phải đi mua hoa chợ về chưng đỡ để gọi là có đỏ đỏ vàng vàng
cho vui mắt mấy ngày đầu năm. Vậy mà năm nay...
Biết tôi không hài lòng, hai đứa con
trai có vẻ ân hận, tôi bèn an ủi chúng cũng như tự an ủi mình: “Thôi lỡ rồi, hổng sao đâu các con! Mấy
bông hoa này chúng chưa nở tức là chúng còn có tương lai, vẫn còn hơn là chúng
đã héo tàn”.
Mỗi ngày hai lần, cả nhà tôi thay
phiên nhau tưới nước âm ấm cho hoa mau nở. Ngày qua ngày... đến mùng bảy, khi
các chậu hoa của hàng xóm tàn héo và bị thảy hết vào xe rác thì mấy chậu hoa
nhà tôi bắt đầu nở. Từ mùng tám tết sân nhà tôi mới trông có vẻ mùa xuân: hoa
nở vàng tươi, đẹp rực rỡ. Mãi đến rằm tháng Giêng chúng mới bắt đầu héo tàn.
Ngắm mấy chậu hoa nở muộn, tôi liên
tưởng đến những thứ bị muộn khác. Có người “hoa công danh” nở muộn: đến bốn, năm
chục tuổi mới làm nên sự nghiệp! Có người “hoa tình yêu” nở muộn: có
cháu ngoại rồi mới có hạnh phúc lứa đôi! Thời trẻ thì một thân cò còm cõi tần
tảo lo cho con cái, chưa bao giờ nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân.
Muộn! Nhưng muộn vẫn còn hơn
không!?”
***
Thấm thoát một năm đã trôi qua, sắp
đến Tết rồi! Lúc còn nhỏ thì ham mau tới Tết để được quần áo mới, được tiền lì
xì, được đi chơi, để được thêm tuổi, mau thành người lớn,... nhưng thấy Tết sao
thật lâu tới! Còn bây giờ lớn tuổi rồi, quay qua quay lại Tết đến hồi nào không
hay dù mình không mong đợi nó!
Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Quý
Tị rồi! Mấy ngày trước tranh thủ mấy ngày nghỉ đã làm cỏ vườn, tổng vệ sinh nhà
cửa, hôm nay mở máy vi tính ra sắp xếp, hệ thống hóa lại mấy tài liệu, hình
ảnh, bài viết lưu trên máy, chị gặp lại bài tùy bút trên. Chị đã viết nó cách
đây mấy năm. Viết sau Tết âm lịch, trong bối cảnh ngoài suy thoái kinh tế toàn cầu, gia đình chị có sự suy thoái
riêng - năm đó chuẩn bị đương đầu với những khó khăn mới, khá đặc biệt. Đã mấy
năm trôi qua, dù lúc đầu có lo lắng như vậy, nhưng gia đình chị cũng dần vượt
qua những khó khăn. Vẫn trang trải được chi phí sinh hoạt trong gia đình. Vẫn
đủ tiền để các con đóng học phí cho các khóa học, các lớp học, mua sách vở, tài
liệu,... Cả nhà vẫn vui vẻ, lạc quan,... Nhiều người quen biết cho rằng điều đó
khá diệu kì. Chị gần như đồng ý với nhận định đó và thử tìm hiểu nguyên nhân.
Nhờ chế độ đãi ngộ của Nhà nước, của cơ quan có khá hơn? Nhờ bản thân chịu khó
và biết chắt chiu? Nhờ cả nhà sống giản dị, tiết kiệm? Nhờ sự quan tâm, tình
thương yêu của đại gia đình, của đồng nghiệp, bạn bè? Nhờ có được hai chữ “bình
yên”? Nhờ tinh thần lạc quan mà tiền nhân đã truyền cho - “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc/Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn,
hà thời nhàn”?... Có lẽ gồm tất cả những điều đó.
Cái Tết Quý Tỵ này đối với chị thật
đặc biệt vì nó đánh dấu một bước ngoặt của cuộc đời chị, của cuộc sống gia đình
nói chung, trước mắt sẽ khó khăn, chật vật hơn thời gian vừa qua. Nghĩ đến điều
đó là lòng chị không khỏi bồi hồi xúc động. Dù luôn nghĩ cái được, cái mất
trong cuộc đời này chỉ là tương đối, nhưng đôi lúc chị không khỏi tủi thân đến
rơm rớm nước mắt. Tuy nhiên, chị quyết tâm mỗi ngày sẽ chọn cho mình hơn một
niềm vui trong hiện tại, hơn một hi vọng về tương lai để dù trong hoàn cảnh nào
cũng tiếp tục sống khỏe, sống vui, sống có ích cho đời. Chị tin tưởng rằng trời
đất, vạn vật luôn biến đổi theo từng chu kì, thì với những nỗ lực của bản thân
và sự ủng hộ, quan tâm của mọi người, những khó khăn trước mắt của chị và gia
đình rồi cũng sẽ qua đi.
Mùa Xuân tươi đẹp với bao hi vọng
đang đến với vạn vật, với tất cả mọi nhà, mọi người.
Cần
Thơ, tháng 12 năm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét