15 tháng 12, 2010

Cô bạn bình dị

Mấy năm nay, lần nào cũng vậy, hễ có dịp đến TT Chẩn Đoán Y Khoa TP Cần Thơ để khám bịnh là tôi lại có dịp gặp bạn ấy.
Tôi đi khám theo diện bảo hiểm y tế, không có liên quan gì đến bộ phận nơi bạn ngồi làm việc nhưng mỗi khi đã khám bịnh xong hoặc đang trong quá trình chờ đợi đến lượt, tôi vẫn thích đến đó đứng ngắm nhìn bạn 
Khi bạn say sưa làm việc, tay thoăn thoắt ghi phiếu rồi xé xoèn xoẹt, miệng hỏi han, chỉ dẫn bịnh nhân rất ân cần, tử tế thì bạn không chú ý đến tôi. Những lúc đó, trong lòng tôi vững chắc một niềm tin rằng nếu làm ở bộ phận bảo hiểm y tế, bạn cũng vẫn giữ cung cách phục vụ đó vì đó là bản chất của bạn, cái bản chất mộc mạc, bình dân, luôn ân cần, tử tế với mọi người. Tôi biết cái bản chất tốt đẹp đó của bạn được hình thành từ môi trường giáo dục tốt đẹp từ lúc nhỏ, từ gia đình đến nhà trường. Khi rảnh việc, thấy có bóng người đứng trước quày nhưng làm thinh không có yêu cầu gì thì bạn nhìn lên như sắp hỏi "Chị cần gì?" thì bạn bắt gặp tôi, mừng rỡ và dành cho tôi câu hỏi chân tình muôn thuở: "Ủa? Hôm nay đi khám nữa đó hả? Uống thuốc có đỡ hơn hông?". Tôi mỉm cười gật đầu với bạn như những lần trước đó: "Ừ, cũng đỡ đỡ, đến hẹn lại lên mà".

Căn bịnh hành hạ tôi mấy năm trước đã thuyên giảm và ổn định được vài năm nay nên tôi ít có dịp trở vô đó. Sáng nay, trước sức ép của người thân, tôi phải nghỉ dạy cả buổi sáng để đi khám bịnh. Tôi lại có dịp gặp bạn, có dịp đứng nhìn bạn làm việc vẫn với thái độ khẩn trương, nhiệt tình, ân cần, chu đáo với mọi người. Đứng lặng lẽ nhìn bạn làm việc mà trong tôi hiện lên những hình ảnh của dĩ vãng...
***

Chúng tôi học chung với nhau từ lớp Đệ Thất (lớp 6), lên ĐH thì đi khác ngành, nhưng cùng ở trong ký túc xá nhà trường (tuy khác phòng, khác nhà) nên thỉnh thoảng cũng gặp nhau trên đường đi về, trong nhà ăn tập thể, ngoài sân bóng chuyền dã chiến. Ấn tượng sâu đậm về bạn trong tôi thời kỳ này là có 1 lần bạn chơi bóng chuyền cùng với các bạn chung lớp ở sân dã chiến, khi quả bóng lăn vô tuốt dưới sàn nhà tập thể (sàn rất thấp, cách mặt đất chỉ khoảng 5 tấc), chính bạn-chứ không phải ai-đã bò vô đó để lượm quả bóng. Lúc đó tôi đã xúc động nhớ lại hồi học phổ thông (tôi không nhớ rõ là lớp mấy), có lần ai đó ban đêm đã vô "làm bậy" một bãi trong lớp. Vô lớp học, nghe cái mùi cực kỳ "khó thương", bọn tôi đã nháo nhào vội chạy ra khỏi lớp. Khi cả bọn đang khổ sở chưa biết xoay sở làm sao thì bạn đã xung phong vô đó hốt hết cái "của nợ chết tiệt" rồi rải tro lên để buổi học chúng tôi được bắt đầu bình thường. 
(Còn tiếp)
PhNga  (bài này đã đăng trên website của trường PT cũ, ngày 24/9/2009)
==================
Phản hồi của Thanh Thảo:
Cô bạn của TNP có cái tâm của lương y như từ mẫu. Đi viện mà gặp được những người tận tình như vậy thì bệnh nhân yên tâm vô cùng. Nhất là người nghèo ở tỉnh vào BV, họ mang tâm trạng lo sợ khi vào khám bệnh tình nặng hay nhẹ. Đường lối không rành hay lớ ngớ thường hay bị mấy cô thủ tục đầu tiên hay cằn nhằn nạt nộ. Có lần quan sát một cô nhân viên nọ ngồi bàn phát phiếu kiêm chỉ dẫn, TT thấy cô ta nói năng cộc lốc, chỉ lối đi hay phòng khám chẳng thèm nhìn mặt người hỏi, chỉ cho có người ta hỏi lại thì gắt gỏng, háy nguýt...
Đó là ngày trước, nhưng giờ thì nhân viên các BV cũng đã tốt hơn rất nhiều. Trong cuộc sống làm được cho ai niềm vui người ta vui một mình sẽ vui gấp đôi. Người bạn nầy thật đáng yêu và đáng để chơi hết mình...
Chúc chị TNP có thêm được những người bạn tốt.
===================
Phản hồi của binhquan:
Người biết thể hiện tinh thần trách nhiệm, làm việc bằng thái độ hòa nhã quan tâm đến người khác là biết cách thể hiện mình tốt đẹp trong mắt người khác, đấy cũng là bổn phận. Còn kẻ khiếm khuyết về nhân cách thường hay hạch họe người khác khi người cần tới mình mặc dù đấy là bổn phận mình phải làm chỉ tổ chuốc lấy sự coi thường của người khác. Nhẹ thì người ta chửi sau lưng nặng thì họ quát vô mặt, trong các cơ quan hành chánh sự nghiệp thường hay vướng mấy nhân viên kiểu như vầy. Muốn người ta ghét dễ ợt còn muốn người ta thương đấy mới là điều quan trọng, mấy tay hay hạch họe cau có thường hay lầm lẫn cái chỗ luôn đặt mình đứng trên người khác nhưng thật ra họ không là cây đinh gì hết.
Cô bạn của TNP là người năng nổ chịu khó luôn cáng đáng những việc "khó" mà bạn bè thường chỉ đứng nhìn sanh nạnh, vậy thì mấy người còn lại hãy tự coi lại mình.
====================
PhNga trả lời:
Cám ơn BC TT và binquan đã có ý kiến. 
TT ơi, bạn của TNP không phải là y, bác sĩ nhưng có cái tâm của lương y. Bạn ấy gốc là kĩ sư trồng trọt, từng làm trưởng phòng nông nghiệp huyện (hay chức gì đó cũng gần như vậy) khi còn công tác ở Tân Châu. Do phải hợp thức hóa gia đình (chuyển về CT) nên bạn xin vô TTCĐYK làm nhân viên hành chánh như vậy đó. Có bằng ĐH, có chuyên môn nhưng giờ chỉ ngồi ghi phiếu như vậy nhưng bạn rất vui vẻ. Nghe bạn gọi mấy cô, mấy chú bịnh nhân (hay thân nhân của họ) khoảng hơn 30 tuổi bằng "cưng" mà TNP nói thầm "thật là hiếm!".
* binhquan viết: "Cô bạn của TNP là người năng nổ chịu khó luôn cáng đáng những việc "khó" mà bạn bè thường chỉ đứng nhìn sanh nạnh, vậy thì mấy người còn lại hãy tự coi lại mình"
Hi... BQ... câu này làm tui "nhột" đó nghen, vì tui nằm trong số mấy người còn lại. :alien: Nhưng thực sự lúc đó những người còn lại chưa đùn đẩy sanh nạnh nhau đâu mà chỉ đang bối rối chưa biết xoay sở ra sao thì bạn ấy đã tìm cách bắt tay làm rồi. Tôi không có ý nói xấu mấy người còn lại, mà chỉ nêu lên cái tốt của bạn ấy thôi.
Còn ở đời, hiện tượng "lánh nặng tìm nhẹ" thì thiếu gì bạn ơi! Nếu mình là người "chơi trội", lấn lướt người khác, giành lấy cái thuận lợi thì chắc là mình áy náy và xấu hổ lắm nhỉ? Còn người gánh nặng, thiệt thòi thì họ cũng có cái sung sướng, thanh thản của người gánh nặng, thiệt thòi đó chứ? Và có nhiều trường hợp, nhờ gánh nặng mà kinh nghiệm của người ta sẽ phong phú hơn. "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" mà.
Nhưng mỗi người chúng ta thuộc loại "lánh nặng" hay là "gánh nặng"? Điều này có lẽ cũng khó mà khẳng định dứt khoát được. Có người luôn luôn gánh nặng, dù ở công việc nào, ở môi trường nào. Có người thì ngược lại. Nhưng có người "tìm nhẹ" ở công việc/môi trường này nhưng lại "gánh nặng" ở công việc/môi trường khác. Như tôi đây, hễ vô bếp cùng với mấy bà chị (bên mình hay bên chồng) thì tôi là người "tìm nhẹ", nhưng có thể ở chỗ khác/công việc khác thì tôi là người xăn tay áo xung phong "gánh nặng". Lúc còn sống chung với gia đình, mỗi lần má tôi chao mắm là tôi chạy xa, mỗi lần có gói bánh thì tôi chỉ lo cột dây và đi gánh nước luộc bánh,... Hồi đó tôi ngại giăng mùng, ngại ngồi canh nồi cơm để chắt nước, nhưng tôi rất hăng đi quét sân, lau nhà, gánh nước, mà mỗi lần gánh là đổ đầy hết mấy cái lu và còn chứa vô thau, vô cặp thùng nữa. BQ có tin hông? :) 
Nhớ tới bạn, tôi chợt nhớ đến một bài hát: 


MỘT ĐỜI NGƯỜI MỘT RỪNG CÂY
Trần Long Ẩn

Khi nghĩ về 1 đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây 
Khi nghĩ về 1 rừng cây, tôi thường nghĩ về nhiều người 
Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như là ánh lửa chiều hôm, khi gió về 

Cây đã mọc từ thủa nào, trên đồi núi thật cằn khô 
Cây có hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ 
Và em như chùm lan mọc, từ những cành cổ thụ già kia 

Và tôi vẫn nhớ hoài 1 lòai cây, sống gần nhau thân mới thẳng 
Có 1 cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương 

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?
Ai cũng 1 thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình 
Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành 
Phải không anh, phải không em? 

Chân lý thuộc về mọi ngừời, không chịu sống đời nhỏ nhoi 
Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người 
Ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân 


BS Lê Hành hát:

Hồng Nhung hát: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=cRcl2wgT6z
PhNga
===================
Viết tiếp nè:
Hồi đó, vì đường xấu, nắng bụi mưa bùn nên bọn con gái ở quê như chúng tôi không thể ung dung mặc áo dài đi thẳng từ nhà đến trường như các bạn trẻ bây giờ. Do đó, chúng tôi phải ghé nhà người quen để gởi xe đạp và thay áo dài. Từ đệ thất cho đến lớp 12 bọn tôi đổi nhiều chỗ gởi xe, có khi do bạn bè rủ rê, có khi do điều gì đó bất tiện. Có thời tôi theo bà chị gởi xe ở nhà chị Mười Thiều, chị Út Thiềm. Có thời ba tôi gởi chúng tôi ở tiệm Ích Sanh Đường (do ba bổ hàng cao đơn hoàn tán nên quen thân gia đình chủ tiệm), sau đó do dắt xe đi trong chợ không tiện nên chúng tôi tìm nơi khác, dù Dì Dượng Năm đối xử rất tử tế. Những năm học cấp ba, thấy chị em Thắng, Hòa và các bạn Kịp, Lê,... gởi xe ở nhà cô bạn trên, cũng là bạn chung lớp, vì ham vui, chị em tôi cũng nhờ ba tôi xuống gặp Cậu Sáu (ba của bạn) xin cho chúng tôi gởi xe và thay áo dài ở đó.

ÍT LỜI nhưng CHU ĐÁO

Tôi nhận thấy, trong đám bạn chung lớp đó, bạn luôn là người ít lời nhất. Bọn tôi hễ gặp nhau là bô lô ba la, giỡn hớt,... đủ thứ chuyện, còn bạn thường thì chỉ cười hùn hoặc làm thinh. Lên cấp ba, bạn học ngày càng tiến bộ: đi học chuyên cần, luôn thuộc bài và làm bài tập đầy đủ, ghi chép bài rất cẩn thận và sạch sẽ. Tôi biết điều đó từ những lần thiếu bài (do nghỉ học) phải mượn tập bạn chép lại bài. 
Trên đường từ nhà bạn đến trường hoặc ngược lại, thỉnh thoảng tôi đi lùi lại sau để ngắm dáng bạn rồi thầm trầm trồ: "Sao mà trông giản dị, thanh cao quá vậy cà!... Còn cái đôi gót kia! Đôi gót của con nhà lao động mà sao nó hhỏ nhắn, trắng hồng, trông sang quá vậy cà! Sau này chắc đời bạn giàu sang lắm đó!" Tôi chỉ nói thầm như vậy thôi vì thấy bạn ít lời, tôi cũng ngại nói.
Bạn nấu ăn rất ngon. Những hôm trời mưa to, tôi ở lại nhà bạn buổi tối. Thế là tôi được gia đình mời bữa cơm chiều, được thưởng thức mấy món ăn do bạn nấu, đặc biệt là món tép rang độc đáo - được ăn 
đàng hoàng chứ không "bốc lủm" như những lần khác :)  Tối tối tôi được học bài dưới ánh sáng của ngọn đèn néon sáng choang nhà bạn. Có lần, tôi đang học bài trong mùng thì bạn giở mùng ra đưa cho tôi ổ bánh mì nóng giòn. Tuy nhiên, hai đứa vẫn không nói gì nhiều với nhau, chỉ trao đổi mấy câu cần thiết. Ngộ thiệt!

Rồi... "LỘT LƯỠI"!
 :mozilla_tongueout: 

Lên đại học, bạn tham gia nhiều hoạt động và là thành viên rất tích cực của lớp, được bạn bè vô cùng yêu quí, trong đó có một anh quê ở CT. Sau mấy năm ra trường, anh này đã... rinh bạn về chung sống hạnh phúc cho tới bây giờ!
Sau này, gặp bạn ở TTCĐYKCT, tôi thấy bạn nói chuỵện nhiều hơn, hoạt bát hơn và thường chủ động lôi kéo tôi ở lại đi uống nước, ăn sáng,... trong giờ giải lao.
Lúc mời đám cưới con trai tôi, tôi liên hệ bạn Lệ Thu hoài không được, thấy vậy, bạn đã giúp tôi có gắng liên hệ với LT và gọi điện báo cho tôi biết kết quả. Vậy mà hôm đám cưới, tôi không chụp với bạn được tấm hình nào! Thật tiếc!
Có câu "Tình bạn là ánh sao...", tôi thấy thật đúng. Tôi và bạn không thường xuyên gặp nhau, liên hệ nhau, tình bạn của chúng tôi cứ bình bình nhưng bền chặt vô cùng.
Cám ơn đời đã cho tôi một người bạn bình dị, tốt bụng - người bạn có ánh mắt vô tư trong sáng không hề già đi theo năm tháng! :clap: 
Tôi nghĩ:
- Cuộc đời này sẽ trở nên đẹp hơn khi có những người như bạn.
- Người ta sẽ trở nên tốt hơn, độ lượng hơn nếu được giao tiếp với bạn.
Bạn chính là NGUYỄN THỊ NGÂN, học sinh lớp A khóa 1968-1975 của trường THCLTC, người bạn học chung lớp với tôi suốt 7 năm học trung học và bây giờ có duyên cùng ở chung trong một TP.
 :ros: 

Hình bạn năm học lớp 12:

Hình ảnh


Hình ảnh
Bạn là cô áo vàng trong hình sau 
(chụp hồi Tết Mậu Tý 2008)
 (Hình do anh Quốc Hùng đưa lên DĐ THTC)

Hình ảnh


Viết tiếp nữa:
Mỗi lần đi khám bịnh ở TTCĐYK CT là tôi lại gặp "cô bạn bình dị". Hầu như tôi không bao giờ khó chịu và nôn nóng khi phải chờ đợi tới lượt, phần vì ở đây người ta làm việc rất khoa học và công bằng, phần vì khoảng thời gian đó tôi đó một việc hứng thú khác: đến đứng nhìn bạn Ngân làm việc, giao tiếp với bệnh nhân. Một lần tôi đã đưa máy qua ô cửa kính để chộp được mấy kiểu hình sau


[Hình ảnh
Hình ảnh

PhNga - 15/12/2010

1 nhận xét: