23 tháng 12, 2010

Dành cho Cô Hai

KỶ NIỆM LẦN ĐẦU GẶP GỠ

Vừa tìm chỗ dựng xe, tôi vừa nhìn vào quán theo tay chỉ của bà chị kế (chị Đào), lòng vô cùng hồi hộp.
Không hồi hộp sao được khi trong giây lát nữa đây tôi được hầu chuyện cô, một người mà tôi hằng ái mộ nhưng chưa hân hạnh được gặp gỡ. Biết cô qua lời kể của chị Đào (cô là cô họ của chồng chị) và qua một ấn phẩm của cô từ năm 2006, tôi đã vài lần gọi điện đến nhà cô để hỏi thăm đường đi đến nhà và xin phép được gặp cô nhưng lần nào cô cũng đi vắng. Từ đó tôi ngại. Thông thường, những người đã nổi danh rồi thì có nhiều mối quan hệ xã hội và do đó họ cũng ngại giao tiếp tràn lan. Nghĩ vậy nên tôi thôi ý định tìm gặp cô, mặc dù điều đó xuất phát từ lòng ái mộ và sự đồng cảm sâu sắc đối với những trang sách, trang đời của cô.
Cho đến hôm nay...
Dựng xe xong, đang luống cuống thu xếp mấy cái túi xách thì tôi nghe tiếng cô hỏi chị Đào: "Nga đó hả con?" Tôi ngẩng lên mỉm cười gật đầu chào cô từ xa, cô nở nụ cười tươi đáp lại và nói với ra: "Xách hết mấy túi xách vô đây đi con..."... Bước vào quán, ngồi vào bàn, tôi như bị cô thôi miên: với dáng người nhỏ nhắn, với nét mặt thông minh linh hoạt, với chiếc áo thun bông màu trắng đỏ, cô trông quá trẻ so với tuổi 72 của mình. Thế là sáng nay tôi được ngồi chung bàn với cô, được ngắm nhìn cô, được nghe những lời nói vừa văn vẻ, sâu sắc vừa chân tình, mộc mạc của cô... Thật hân hạnh và sung sướng biết bao! Sau khi giới thiệu mọi người với nhau và gọi nước cho mỗi người, cô đứng dậy xăng xái: "Tụi con ngồi đây uống nước đi nhe, để cô hai đi lại đằng kia kêu mỗi đứa một tô hủ tíu..." Nói xong cô thoăn thoắt bước đi... Tôi nói thầm: "Cô hai ơi! Con đã ngưỡng mộ những trang sách, xúc động trước những trang đời của cô, giờ con lại ái mộ cô ở phong cách bình dân, thoải mái và tự nhiên nữa..."

Hôm đó cô buộc chị em tôi phải ghé nhà cô để cô chiêu đãi một bữa cơm trước khi chị Đào lên xe trở về quê. Tôi được cô cho mượn cuốn tiểu thuyết đầu tay mà cô chỉ còn duy nhất bản photocopy chữ đã mờ nhạt.


Cô là ai? Xin bật mí: cô là người quê ở An Giang, là đồng hương của tôi, nhưng hiện cô đang sống ở Cần Thơ.

PhNga - Tối 23/11/2009 (Còn tiếp)
***************************
Cô chính là... 

Người đàn bà khóc cười trong nước mắt
(Người đàn bà viết tiểu thuyết)

Cái mộng văn chương của chị lúc bấy giờ giống như một chút lãng mạn của đứa con gái mới lớn. Rời bệnh viện, xa mùi thuốc men, chết chóc chị lại tấp vào cái mùi bụi bặm, oi nồng của những chai xăng lẻ ven đường. Không chừng chị sẽ quên đi chuyện viết lách, mà lam lũ với cơm, áo, gạo, tiền… nếu không có thằng bé "con lai" hàng xóm, nhân vật chính trong truyện ngắn "Phù sa trên tóc bạch kim" - tác phẩm đã dẫn đường cho chị mon men đến với văn đàn.

Năm 1990, tại Cần Thơ có một cuộc thi sáng tác "Bút ký - Truyện ngắn" do Báo Hậu Giang và Hội Văn nghệ địa phương phối hợp tổ chức. Một số tác giả đoạt giải trong cuộc thi đó hiện đang là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Mường Mán, Dạ Ngân… Tuy nhiên, có một điều đặc biệt hơn mà tôi muốn đề cập trong bài bút ký này. Đó là, người đoạt giải cao nhất về thể loại truyện ngắn (giải ba - cuộc thi không có giải nhất, giải nhì) lại là một người hết sức "bình thường". Một người đàn bà lam lũ, ngồi bán từng chai xăng lẻ ven lề đường bụi bặm, kiếm mấy đồng lời nhỏ nhoi nuôi đàn con năm đứa.

Sau cuộc thi một thời gian, tác giả Phạm Huy Kỳ trong bài: "Carolina- một nhà văn nữ danh tiếng rất giàu và thất học" (đăng trên Báo Đồng Nai số 33, phát hành tháng 6/1992) đã có một sự liên hệ khá thú vị: "Năm 1991, tại Việt Nam, một bà bán xăng lẻ ở lề đường, lúc chưa có khách thì kê xấp giấy học trò lên cục đá, cục gạch để… sáng tác. Văn bà rất hay, rất hiện đại và bà đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật của một tỉnh thuộc miền Nam Việt Nam…". 

Cần Thơ, những năm 80 của thế kỷ trước. Trong nhà vĩnh biệt của bệnh viện tỉnh, xác một người đàn ông vô thừa nhận đang được chuẩn bị khâm liệm để mang đi hỏa thiêu. Chị hộ lý có trách nhiệm làm công việc cuối cùng này hết ra rồi lại vào, cứ tần ngần, do dự. Không phải chị sợ, bởi công việc này chị đã làm nhiều lần. Cái làm chị bần thần nghĩ ngợi chính là bộ quần áo còn khá tươm tất của người chết. Bộ đồ ấy nếu giặt sạch sẽ, mang ra chợ trời có thể đổi được vài ký gạo, làm đầy những cái bụng rỗng của đám con ở nhà dăm ba bữa (chị sợ lắm cái cảm giác trơn tuột, mất hút khi đưa tay khua khoắng thùng đựng gạo trống không! Tai hại thay, cảm giác ấy luôn xuất hiện thường trực trong chị).

Nước mắt lưng tròng, chị run rẩy đốt mấy nén nhang sì sụp khấn vái vong linh người chết: "Ông sống khôn thác thiêng xin tha thứ cho tôi, tha thứ cho một người mẹ vì sự đói no của con mình mà phạm tội".

Chị vội vội vàng vàng lấy bộ đồ của bệnh viện thay cho người chết, rồi cuống quýt nhét bộ đồ lạnh ngắt ấy vào túi đệm. Không phải chị sợ một người nào đó nhìn thấy vì cửa nhà xác luôn đóng kín, mà chị sợ chính chị, sợ rằng mình không đủ can đảm làm tới cùng một công việc mà lương tâm chị không cho phép. Sau này, và sẽ đến cuối cuộc đời, mỗi khi thắp nhang chị lại lấy thêm một nén, chẳng biết có làm ấm thêm chút nào linh hồn người bất hạnh ấy hay không?! Nhưng mỗi nén nhang ấy ít ra cũng làm dịu đi nỗi cồn cào, bứt rứt trong sâu thẳm tâm can chị.

Sẽ là khập khiễng nếu ai đó một lần ngồi tỉ mẩn so sánh nỗi đau của người này với người khác, cho dù hai giọt nước mắt đều rơi ra từ khóe mắt của phận đàn bà. Song mỗi lần nhớ lại chuyện người hộ lý năm ấy - tác giả Nguyễn Thị Thanh Huệ bây giờ - kể lại cho mình nghe, tôi lại nhớ tới hình ảnh "mổ bụng tự xử" của các võ sĩ đạo Nhật Bản. Phải chăng chị cũng muốn nhắn nhủ với tôi, với cuộc đời rằng: "Đấy! Cuộc đời tôi đấy. Hãy nhìn vào mà phán xét, mà bình phẩm đừng bỏ quên một thứ gì…"

Chôn nhau, cắt rốn vùng cù lao Ông Chưởng miệt Chợ Mới, An Giang, khi chị chào đời (1938) bối cảnh đất nước hết sức rối ren. Hoàn cảnh xã hội đã vậy, nhà lại chẳng khá giả gì nên chuyện học hành của chị cũng không ít trắc trở. Hết ghé trường này lại dạt sang trường khác. Vì vậy, mãi đến năm 1963, khi đã ngoài 20 tuổi, chị mới cầm được mảnh bằng tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp lúc bấy giờ.

Với những người an phận, mảnh bằng có được ấy đủ sức kiếm một chân gõ đầu trẻ ở quê nhà, rồi có chồng, sinh con… nhưng chị đã không muốn như thế. Rời An Giang lên Sài Gòn, chị xin vào làm thư ký cho Nha Y tế công cộng. Để rồi nàng thư ký và anh nhà báo phải lòng nhau! Chị đã gặp anh, cả hai dắt tay nhau bước đi trên cuộc hành trình ít ngọt ngào, mà lại quá nhiều đắng cay và nước mắt.

Sau ngày 30-04-1975, hai vợ chồng dắt díu nhau về Cần Thơ. Đã từng "chạy nhật trình" rồi thông dịch viên, chồng chị chuyển sang nghề sửa xe, rồi chạy xe lôi, chẳng dính dáng gì tới chữ nghĩa. Phần chị, một chân hộ lý quét dọn tại bệnh viện tỉnh, tối về tha thêm tủ thuốc lá đầu ngõ.

Hơn 10 năm trời làm hộ lý, chị đã bao lần chuẩn bị tươm tất cho người chết, dù có thân nhân bên cạnh hay chỉ là cái xác vô thừa nhận. Vậy mà, khi khóc anh, chị đã đau đớn biết bao nhiêu khi phải tiễn anh đi bằng bộ đồ "chật chội" của đứa con trai! Năm 1987 anh mất thì một năm sau chị cũng rời bệnh viện, bởi với số lương hộ lý ít ỏi thời kỳ ấy không thể nào làm no lòng đến sáu miệng ăn.

Sau này, mỗi lần nhớ lại quãng thời gian làm hộ lý, chị nghiệm ra rằng chính giai đoạn này đã "tạo ra" chị - "người đàn bà viết tiểu thuyết" như cách gọi của tôi. Có phải là may mắn hay không? Tôi không biết! Nhưng chính những ngày thay ga, trải nệm cho bệnh nhân, đã tạo cho chị cơ hội quen biết một vài người đang theo đuổi nghề văn chương lúc bấy giờ. Một nhà văn nữ, hiện đang rất nổi tiếng, lúc bấy giờ chỉ là cô kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, có dăm ba truyện ngắn đăng báo đã là người chia sẻ với chị chút kinh nghiệm non nớt, khi chị viết truyện ngắn đầu tay "Gấu nhỏ" trong nhiều đêm ngơi việc, giữa cái thanh vắng đầy bất trắc của bệnh viện.

Tuy nhiên, cái mộng văn chương của chị lúc bấy giờ giống như một chút lãng mạn của đứa con gái mới lớn. Rời bệnh viện, xa mùi thuốc men, chết chóc chị lại tấp vào cái mùi bụi bặm, oi nồng của những chai xăng lẻ ven đường. Không chừng chị sẽ quên đi chuyện viết lách, mà lam lũ với cơm, áo, gạo, tiền… nếu không có thằng bé "con lai" hàng xóm, nhân vật chính trong truyện ngắn "Phù sa trên tóc bạch kim" - tác phẩm đã dẫn đường cho chị mon men đến với văn đàn.

Quay lại thời điểm những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, tình hình xuất bản các văn hóa phẩm không trăm hoa đua nở như hiện nay. Trên kệ các nhà sách hầu hết là những tác phẩm văn học dịch từ các nước xã hội chủ nghĩa. Văn học trong nước lèo tèo dăm quyển tiểu thuyết chiến tranh, đôi ba bộ kiếm hiệp in lại của thời trước năm 1975. Nhu cầu cần phải có "một cái gì mềm mại, lãng mạn" là thật. Nó giúp người ta tạm quên đi bao khó khăn của đời sống. Một số người nhạy cảm trong chuyện kiếm tiền xuất hiện mà người ta gọi là "đầu nậu" sách. Và chị - Người đàn bà viết tiểu thuyết - nhà văn lề đường xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn lúc bấy giờ, là đích đến của những người "nhạy cảm" này.

Sau khi nhận giải truyện ngắn do Báo Hậu Giang trao, chị rời bộ cánh của bà bán xăng lẻ ven đường mà khoác vào mình chiếc áo "danh giá" của người cầm bút (lúc này chị đã được kết nạp Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang). Có thể lúc bấy giờ, trong suy nghĩ của mình, với chị cái danh vị nhà văn không quan trọng bằng việc có tiền nuôi con mà không phải vất vả nắng mưa như cả quãng đời đã qua.

Hai năm trời viết thuê theo yêu cầu của người làm sách tại Sài Gòn, rồi sau đó là 30 bộ tiểu thuyết ra đời trong khoảng thời gian chưa đầy 10 năm (2 bộ "Tiếng khóc chim Đỗ Quyên" và "Con Tử Quy lạc loài" do NXB Văn Nghệ TP. HCM ấn hành; số còn lại hầu hết đều của NXB Đà Nẵng), mỗi bộ 2 quyển, trên dưới 400 trang sách. Số tiền "nhuận bút" 3 triệu đồng mỗi bộ ấy mang lại cho chị một mái nhà khang trang; là năm đứa con, mỗi đứa một nghề tự kiếm sống; là dựng vợ, gả chồng; là cháu nội, cháu ngoại tíu tít quanh bà. Gần đây nhất, năm 2003, chị đã tái bản 4 trong số 30 bộ tiểu thuyết của mình. Riêng năm 2006, ở cái tuổi 68, "gần đất xa trời" chị lại tiếp tục sáng tác (cũng là những câu chuyện tình) và đã cho ra mắt truyện dài có tên "Mình thôi mãi xa".

Có người khắt khe nhận định văn của chị thuộc dạng "Áo bà ba xương sa xương sáo". Cũng phải thôi! "nhà văn lề đường" tất phải viết cho người bán bưng đọc! Nhưng, khoan hãy bàn đến chuyện học thuật! Khoan hãy định danh, định tánh là nhà văn hay chỉ là một kẻ viết lách kiếm tiền (có ai viết văn mà không muốn có tiền từ những trang viết của mình?!). Trong hoàn cảnh của chị lúc bấy giờ, tôi biết chị không thể nào ngồi đó trau chuốt từng câu chữ để có một tác phẩm hoàn toàn ưng ý, trước sự thúc bách của cái cảm giác đói no, không phải của chị (bởi chị đã quen chịu đựng) mà là của những đứa con tội nghiệp. Chị chấp nhận điều đó cho một mục đích khác thiêng liêng (ít ra là đối với một người mẹ - tôi nghĩ vậy), hơn là đôi lời khen chê sáo rỗng. Với chị, cái thiết thực nhất là cơm no áo ấm, là con cái phương trưởng, là niềm vui chia sẻ với bạn bè văn nghệ một bài thơ, đoạn văn vừa viết xong… đã là quá hạnh phúc rồi. Đâu cần phải là "nhà văn lớn" mới hởi lòng, hởi dạ!

Cách đây không lâu (khoảng cuối năm 2005), Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ đã giới thiệu chị trong mục: "Nhân vật buổi sáng" với những lời lẽ trân trọng, như một cách ghi nhận những đóng góp của chị cho cuộc đời. Gần đây nhất chị đã nhận được một trong mười giải đồng hạng do Báo Tuổi trẻ trao trong cuộc thi "Những câu chuyện làm thay đổi cuộc đời tôi" năm 2007.

Hình ảnh

Khi tôi chuẩn bị đặt dấu chấm hết cho bài bút ký này cũng là lúc chị cầm trên tay ấn phẩm mang tên Nguyễn Thị Thanh Huệ chưa ráo mực. Một tuyển tập văn - thơ do NXB Văn nghệ TP. HCM ấn hành, có cái tên thật lạ "Chim Đỗ Quyên khóc hát".

Phải chăng, chị cũng là một loài chim hoài niệm dĩ vãng đang cất tiếng hót hân hoan trong nước mắt?!
Nguyễn Trung Nguyên


(PhNga sao chép từ http://vnca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=53994)
(Những chỗ in đậm trong bài là do PhNga)
****************************************


Một truyện ngắn của cô:
CHIỀU MUỘN
Nguyễn Thị Thanh Huệ
Cái vùng quê hương không mấy sung túc, và dòng sông bên lở bên bồi - có đoạn còn trơ ra đất sét xanh cho tuổi thơ tôi móc nắn “tu na” nắn nồi nắn trách để chơi chòi ấy - không những chỉ là “câu thơ xanh” cho người ở quê hương đó mà còn là nơi đất lành chim đậu cho những người tứ xứ tha phương cầu thực như bác Lâm già và lão ăn mày nhẳn mặt ở đây. Không ai biết lai lịch lão. Chỉ thấy lâu lâu lão xuất hiện một lần, bà con ai có gì cho nấy. Vậy mà không hiểu sao một năm qua rồi lão biệt tăm ngàn cá. Sự biến mất của một lão ăn mày thì có gì ghê gớm đâu. Nhưng đối với số bà con trên cái cù lao xanh đi một ngày đường đã giáp - vốn coi trọng việc tối lửa tắt đèn có nhau ấy - thì lão cũng là một thành viên không thể thấy vắng mà không lo lắng. Nhất là những “mối ruột” như bác Lâm. Bác cứ hay dành để chắt chiu của ăn cái mặc cho lão dù chẳng giàu có gì. Một thân một mình sống nhờ vào tiếp tế của con đi làm xa gửi về nuôi cha già, bác chia sẻ với lão chút ít vậy thôi. Không hiểu sao bác lại quan tâm đến lão như vậy? Phải chăng hai người có cùng chung độ tuổi, hoàn cảnh cô đơn hay là đứng chung một số phận người nghèo nên người ta dễ thương nhau hơn?
Không thấy lão xuất hiện bác Lâm rất lo sợ cho lão. Vào đông thế này thật là bất lợi cho những cuộc đời cầu bơ cầu bất. Biết đâu lão đã thẳng cẳng ở một bụi rậm, bờ hoang đầu đường xó chợ nào rồi? Biết đâu được. Phù du cả mà! Bác ngậm ngùi cho tôi biết lần sau cùng hai người đã gặp nhau trong một buổi chiều muộn!…
Quá quen với cái bóng đời còm cõi, áo quần bạc thếch như một đám bụi tàn, chiếc nón lá xùm xụp và cái bị vải xám chừng như của vị sư vải hay phật tử nào, cho nên mỗi lần gặp lão bác không cần vồn vả mà chỉ cười cười nói trống không:
- Tới rồi à! Chờ tôi nhé.
Thế là bác quay vào mang ra đủ thứ cụ bị cho lão. Khi thì khoai chuối, cá khô. Khi thì chiếc sơ mi đôi dép lột ra từ chân bác mang vào cho đôi chân trần của lão. Mọi thứ đã trở thành quen thuộc như là một lẽ đương nhiên ở con người thi ân bất cầu báo như bác Lâm khiến lão cũng đón nhận như một người thân không cần khách sáo. Thật dễ chịu!
Lần sau cùng đó là một buổi chiều khi bác Lâm mới mua chục gạo từ hàng xóm mang về tới sân nhà thì lão ở đâu lù lù xuất hiện. Bác Lâm cười xởi lởi:
- Dữ hôn. Sao hổm nay mất biệt vậy ông? Cũng đúng lúc lắm. Thằng con mới gởi tiền về mua được chục gạo đây. Tôi vốc cho ông một ít khỏi phải vào nhà lấy lon làm gì cho mất công.
Lão ăn mày khom khom người xuống vạch lấy miệng túi vải, còn bác Lâm thì dùng hai bàn tay bụm gạo nhóng người lên đổ vào miệng túi. Nhưng gạo bụm được từ trong hai bàn tay, lại theo chỗ ngón tay bị cụt sát bàn mà tuông chảy ngược xuống thúng. Bác Lâm lại cố gắng hốt cho thật nhiều mà lần nào gạo cũng bị tuông trở lại theo chỗ tay tật nguyền trơn tru nên còn chẳng được bao nhiêu. Bác ngồi thừ thở ra rồi lắc đầu than:
- Khổ vậy đó ông ạ. Già rồi. Tay lại bị cụt nên làm gì cũng khó khăn lọng cọng. Thật chẳng ra sao cả. Ông cảm phiền vậy nhé.
Lão ăn mày bỗng nhìn kỹ hơn hai bàn tay, và nốt ruồi son ở mu bàn tay phải có hai ngón cái và trỏ bị cụt sát lấn vào bàn tay rất nhiều, rồi lén nhìn mặt ông chủ nhà… Dường như có một cảm giác gai gai gì đó thì phải. Và đột nhiên lão hỏi một câu:
- Ông có thể cho tôi biết vì sao mà ông lại cụt hai ngón tay như thế không?
Bác Lâm lơ đãng cười:
- Có gì đâu mà không được hở ông. Mình già rồi. Biết có còn gặp được nhau mấy lần. Thôi thì tôi cũng kể ông nghe.
Rồi như một người sắp xa cuộc đời bác tâm sự cho vơi nỗi niềm. Bác kể:
“Chẳng giấu gì ông, ngày xưa cha ông chúng tôi cũng khá giả lắm. Nho phong gia giáo mấy đời gìn giữ “nghèo cho sạch rách cho thơm” hoặc “giấy rách phải giữ lấy lề”. Nhưng đến đời tôi, tôi đã lội ngược dòng nguyên tắc sống ấy. Tôi không thể trong hoàn cảnh nào cũng sạch, phải thơm mới là con người được. Ngược lại tôi cho rằng nếu đêm hôm đó, tôi không làm gì mà chỉ cúi đầu tuân thủ thì tôi mới là tội nhân trước cái quyền được sống rất thiêng liêng của các con tôi.
Ông có biết không vợ tôi vì thiếu thuốc men mà chết để lại cho tôi hai con nhỏ. Đứa lớn mới 8 tuổi đời mà phải theo cha lặn lội làm mướn làm thuê mò cua bắt ốc để nuôi em nhỏ mới lên 5. Vậy mà cơm không no áo không lành, thường xuyên ăn cháo. Ông cũng biết cuộc sống khổ cực người ở vùng quê nghèo mà, chứ có phải biếng nhác gì đâu. Càng cực khổ đói lạnh chừng nào, tôi càng trăn trở về cái giàu nghèo sướng khổ trên đời. Tại sao có người giàu như ông Cả Phát xóm tôi ruộng đất cò bay thẳng cánh, gạo lúa đầy bồ, người làm tấp nập. Còn tôi và số bà con khác thì ăn khoai ăn sắn, ăn cháo độn đọt nhãn lồng chấm nước mắm. Có phải số trời định vậy không? Tôi không chấp nhận. Nếu con người sinh ra trong số phận nào phải chấp nhận số phận đó thì làm gì có ý thức đấu tranh, đối kháng giai cấp? Nếu là định mệnh thì tôi phải an lòng mà sống chứ? Nếu là định mệnh thì tôi phải an vui mà nhìn hai đúa con tôi khóc vì thiếu ăn chứ? Tôi phải thản nhiên nhìn chúng co ro gối đầu trên cánh tay mà ngủ mạnh đứa nào nấy ôm cái đói của riêng mình rả rời như cơm nguội. Tôi phải thản nhiên khi nửa đêm ngồi hút thuốc vấn trong ánh đèn dầu lù mù, chợt thấy con tóp tép cái miệng cười kêu lên “Ngon quá! Ngon quá!”. Tôi đập vai nó hỏi “Cái gì mà ngon vậy con?”. Nó ngồi lên dụi mắt lơ mơ nuốt ực cái khoảng đen đầy ẩm mốc chiếu chăn kia trả lời “Thịt! Con thấy mình ăn cơm với thịt ngon lắm cha ạ”. Nước miếng trong miệng tôi bỗng cũng ứa ra… Cái mùi tỏi khử thơm lừng trước khi để thịt vào rang ấy cũng làm tôi cồn cào chịu không nổi. Cha con tôi cùng quặn thèm miếng thịt trong mơ. Và tôi bỗng thấy hối hận khi đánh thức con dậy. Giá cứ để yên như thế còn đỡ khổ hơn.
Nỗi xót xa làm cho tôi ray rứt thêm về những cảnh đời trái ngược. Cái tương quan mắc xích trong đời người cứ làm tôi nghĩ ngợi lung tung. Chắc đâu người giàu không nợ người nghèo như một người mất của và một người được của. Người giàu thường nợ công sức của người nghèo. Hoặc không gì đi nữa thì người ta cũng nợ nhau cái đạo đức làm người mà.
Nghĩ vậy tôi bỗng có thêm lòng can đảm khi nghĩ tới buồng chuối chín bói vườn nhà ông Cả Phát thường bỏ cho chim chuột ăn. Những trái chuối ú na ú nần vàng cháy kia giờ bỗng trở nên hấp dẫn cuộn trào trong tiếng khóc của thằng con nhỏ nhất đói không ngủ được. Tôi bật nhanh dậy vào nhà bếp mò con dao rồi băng mình dưới ánh trăng non tới vườn nhà ông Cả Phát. Khu vườn rộng mênh mông có đủ thứ trái cây. Một tiếng chó sủa hoang cũng làm cho tôi điếng hồn dừng lại ngó dáo dác. Dù sao “bôi đen” một con người một lương tâm cũng khổ lắm. Nhưng cũng không có cái khổ nào bằng cái khổ “máu chảy ruột mềm” nên tôi lại mạnh dạn tiến lên đối diện với buồng chuối thấp nhất, một tay nắm chót buồng chuối kéo xuống, một tay đưa dao chém mạnh trên cùi, buồng chuối đứt ngọt. Nhưng khi buồng chuối vừa hạ đất thì một giọng quát to đồng thời một bóng người lao tới ôm chặt lấy tôi:
- Đ… má ăn trộm hả con? Mày chạy đàng trời cũng không khỏi tao đâu. Mày có biết vườn nhà ông Cả mất quá trời rồi không?
Tôi run bắn lên trong cánh tay lực lưỡng của gã người làm nhà ông Cả Phát, giọng lạc đi:
- Tôi lạy anh. Anh tha cho tôi. Con tôi đói quá.
Nhận ra tôi tên người làm hơi ngạc nhiên. Anh ta không ngờ một người có tiếng hiền lành như tôi lại đi ăn trộm. Chút tình cảm con người anh ta hơi nới vòng tay, nhưng liền đó tên người làm muốn lập công với chủ, anh ta trở giọng cười lạnh băng:
- Tha à? Vào nhà đi rồi ông Cả tha cho. Cũng vì lũ mày mà ông bắt tao ra rình bắt ăn bờ ngủ bụi như vầy nè.
Tôi lạnh gai ốc trước câu nói hàm ý sẽ có một hình phạt đích đáng nào đó dành cho tôi. Cái đói của con khiến tôi không còn biết sợ oai danh của một dòng họ mấy đời thân Tây thân Nhựt nổi tiếng keo kiệt hà khắc dân nghèo. Bây giờ bị bắt rồi tôi mới càng khiếp sợ. Người ta bị mất nhiều ai ăn đâu giờ mình nhào vô gánh đủ. Tôi phát run thật sự van nài anh người làm tha cho tôi lần nữa. Nhưng thật là tội nghiệp cho tôi - dù là hạng cùng khổ như nhau anh ta cũng không hề xúc động - vẫn cổ điệu tôi vào với cái miệng như loa đánh động “bắt được trộm rồi Cả ơi…”. Chỉ một loáng thôi là đèn “manchon” sáng rực sân nhà. Ông Cả Phát trong bộ bà ba lụa trắng oai vệ giữa đám đông đày tớ hiếu kỳ, hoặc phải hầu ông. Tôi bị đẩy tới trước mặt ông quì thụp xuống khóc lớn:
- Trăm lạy ngàn lạy ông tha cho con. Con mới lỡ một lần. Các con của con đói lắm ông ơi.
Ông ta không nói gì chỉ khẽ nhíu mày nhìn tôi rồi nhồi thuốc vào cái ống điếu bịt vàng, có đứa khúm núm bật diêm châm. Ông ta cứ thản nhiên hút như chẳng có việc gì. Ông lại ra lệnh cho tên người làm mở trói cho tôi. Tôi hơi ngỡ ngàng… mừng rỡ. Ông tha cho tôi rồi ư? Sự việc không quá nghiêm trọng như tên người làn hù dọa và tôi tưởng tượng. Tôi cảm ơn phật trời, cảm ơn ông. Thoát khỏi lần nầy tôi tởn tới chết. Tôi dợm đứng lên xá ông một xá. Nhưng ông như đoán được ý tôi vội lên tiếng:
- Ngồi yên đó không được đi đâu.
Tiếng nói của ông cũng không có chút gì giận dữ nên tôi càng yên tâm hơn. Rồi ông bỏ đi vào nhà. Tôi lại đâm hi vọng. Biết đâu ông thương tình vào trong bảo người nhà lấy khoai bắp hay cái gì đó cho lũ nhỏ. Nhưng hỡi ơi làm sao mà cái đầu chất phác của tôi hình dung ra nổi “tội ác mang khuôn mặt nhân từ!” Khi ông trở ra với con dao phay bén ngót trong tay và nhìn tôi đầy sắc máu và nói lớn:
- Đưa bàn tay ăn cắp ra đây!
Tôi kinh hoàng chợt hiểu vùng lên định bỏ chạy nhưng tên người làm đã lao tới ôm chặt lấy tôi vật ngồi trở lại, và chính ông Cả đã lôi bàn tay mặt của tôi ra dí xuống nền gạch tàu trước sân nhà.
Lão ăn mày bụm mặt kêu lên:
- Trời ơi! Thôi đi ông đừng kể nữa!
Nhưng bác Lâm vẫn lo đãng cười :
- Ông sợ à? Dù sao cũng hãy nghe hết cái thê thảm của đời tôi đi chứ.
Rồi như quá thấm thía với mùi vị cuộc đời, bác lại nói với giọng xa xôi mà không cần biết lão ăn mày có nghe không.
- Đúng ra thì người ta chỉ chặt có một ngón tay để trừng trị tên trộm thôi. Nhưng thế cũng đủ cho anh ta xấu hổ dắt con trốn khỏi làng. Sống đời cầu bơ cầu bất tha phương vết thương bị nhiễm trùng lây lan rồi hoại tử, nếu không nhờ một bác sĩ từ tâm của một nhà thương thí cắt bỏ ngón tay lây nhiễm ấy đi, có thể cụt cả một bàn tay đấy ông ạ. Đấy ông xem nó ra nông nổi nầy đây.
Bác Lâm đưa bàn tay cho lão ăn mày xem nhưng lão không dám nhìn. Dường như trên mặt lão cũng hằn lên nỗi đau. Bác Lâm không buồn để ý đến thái độ lão. Bác như bị cuốn lôi vào chuyện đời mình đã mấy mươi năm giấu kín, với nỗi thăng trầm của thế sự phù du, bác chép miệng lắc đầu thương xót tiếp:
- Tội nghiệp ông Cả. Nghe đâu sau nầy ổng cũng khổ lắm. Có một cậu quí tử cho du học bên Tây về chẳng làm nên tích sự gì, chỉ ăn chơi trác táng. Phần thời cuộc đổi thay suy sụp hết. Rồi chiến tranh dai dẳng liên miên quê hương tôi chịu nhiều bom đạn. Cuối cùng căn nhà ông Cả Phát cũng cháy rụi, ông trở thành khổ nghèo trôi giạt nơi đâu, sống chết cũng không ai biết. Bây giờ nghĩ lại đời như giấc mộng bóng mơ. Tôi cũng chẳng oán trách gì ai. Cũng không hối hận việc mình làm. Tôi không mắc cỡ vì buồng chuối. Tôi không ăn trộm. Tôi có định đem cả cuộc đời tôi đi ăn trộm đâu. Tôi cùng cực chẳng đã phải cứu nguy cho con. Tôi đi tìm sự sống trong cái thừa mứa của thiên hạ mà thôi. Tiếc gì ông Cả không quan tâm, không lắng nghe thống khổ của người khác. Giá mà ông có một chút xót thương…
Lão ăn mày run lên theo cái giọng trầm buồn thấm thía của bác Lâm. Lão khóc! Bác Lâm nghĩ đến chuyện xưa trăn trở đường đời cũng xúc cảm trào lệ. Trời chiều đang tắt nắng. Đến mùa thay lá. Những chiếc lá xoài khô rụng xuôi bỏ cành! Hai ông già ngồi bên nhau câu chuyện cũ làm nước mắt rơi trong chiều xuống muộn. Bác Lâm ngồi ôm tay trên đầu gối. Bàn tay cụt run rẫy nhẹ trước mặt ông lão ăn mày. Hình ảnh hai ngón tay cụt kia cứ xói buốt vào tim lão. Lão chưa biết làm sao với cái xoáy đặc của không gian thật tĩnh lặng, với dòng nước mắt âm thầm chảy đủ thấm mặn để hiểu ra lòng khoan dung và ích kỷ, thì bác Lâm chợt đứng lên vội vã:
- Tí nữa tôi quên mất. Cục thuốc rê mua cho ông lâu lắm rồi. Ông đợi đây tôi vào lấy nhé.
Bác nhanh nhẹn đi vào nhà. Lão ăn mày cũng vội vàng đứng lên kéo vạt áo rách lau nước mắt, rồi quày quả ra đi khỏi cái nơi mà lão biết rằng sẽ không bao giờ quay lại. Cứ để mặc cho bác Lâm khi trở ra ngạc nhiên về lão ăn mày biến mất. Túi vải gạo mà bác cố vốc cho thật nhiều cho lão đang là một bí ẩn đợi chờ thượng đế. Vì chỉ có thượng đế mới biết lão chính là ông Cả Phát khi xưa. Và cũng chỉ có thượng đế mới biết lão đi về đâu sau buổi chiều đó. Nơi lão đi là đâu? Buồn phiền? Sám hối hay bất mãn? Phẫn nộ hay tỉnh thức?
Chỉ có lão mới biết mấy mươi năm sau chính bàn tay lão đã chặt lại xúc gạo cho lão. Và họa phúc không do Trời mà ở chính ta. Nếu như bàn tay kia lành lặn thì gạo xúc cho lão sẽ được nhiều hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét