2 tháng 4, 2011

Nó... bây giờ... ngày ấy...

Sáng 14/3/2011, trên "dọc đường gió bụi" đi công tác đến một huyện xa, tôi đã gặp nó.
Nó đã có trái nhưng bông vẫn còn, đẹp rực rỡ, đẹp đến "thảng thốt". Tôi rất muốn dừng lại để chụp vài kiểu hình vì đã lâu lắm rồi, áng chừng đã mấy mươi năm, tôi không gặp nó. Và một điều gần như chắc chắn là nó sẽ bị tuyệt chủng vì sau này người ta không trồng nó nữa do giá trị kinh tế của nó rất thấp mà xu hướng chung thì đất ngày càng hẹp, người ngày càng đông; do người ta ngày càng không thích ăn trái của nó bởi... cũng hơi bị phiền phức.  :roll:  
Nhưng tôi đã không dừng lại chụp được vì sợ trễ giờ, hơn nữa cái máy ảnh tôi lỡ cất sâu trong cái va li. Suốt mấy ngày đi xa, tôi cứ phập phồng trong lòng là tuần tới (tức là tuần này) khi tôi trở lại con đường đó thì bông nó đã tàn hết mà năm tới tôi đâu còn dịp đi ngang qua đó. 

Tôi thầm hỏi không biết ở quê mình bây giờ có nơi nào còn có nó hay không (có ai còn giữ nó hay không?). Chắc là có, chỉ e là không nhiều đâu.

Ngày xưa, bọn trẻ chúng tôi hay đi lượm trái nó về chặt ra từng khúc, róc vỏ... rồi gở từng "mắc" ra ăn. Do không được "khéo và gọn" nên ăn xong miệng mồm, tay chân đứa nào đứa nấy "tèm lem tèm luốc" hết trơn! Vì vậy, nó cũng là một "mảng" kỉ niệm thời thơ ấu của tôi và những đứa sống ở nhà quê hồi nẳm.

Loài cây mà tôi muốn nói đến ở đây là cây ô môi. Hồi xưa bọn trẻ chúng tôi ăn ô môi rồi lấy những cái hột có hình trái tim của nó rửa sạch để dành chơi trò búng lỗ với nhau. Thấy cây ô môi tôi như thấy lại hình ảnh quê nhà với những người thân yêu; thấy lại những cây ô môi mọc sát bờ sông nở đầy bông màu hồng khi đến mùa; thấy lại những đứa bạn thuở ấu thơ của mình.
PhNga - 23/3/2011
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TÔI CHỤP ĐƯỢC VÀO SÁNG NGÀY 21/3/2011
(Bấm vào hình để xem hình lớn hơn)







Bài PhNga sưu tầm thêm:

Thuốc bổ từ cây ô môi

Ô môi là loại cây rất quen thuộc với người dân miền Nam, chúng mọc hoang hoặc được trồng lấy quả. Quả ô môi thường được dùng ngâm rượu làm thuốc bổ, hoặc nấu cao mềm để kích thích tiêu hóa, nhuận tràng.

Cây ô môi có tên khoa học là Cassia grandis L.F. Đây là một loài cây gỗ to, thuộc họ Vang, thân cao tới 10-12 m, vỏ thân nhẵn, những cành non có lông màu rỉ sắt, cành già màu nâu đen. Lá kép lông chim, gồm hàng chục đôi lá chét dài 7-12 cm, rộng 4-8 cm, có phủ lông mịn. Hoa màu hồng tươi mọc thành chùm ở những kẽ lá đã rụng. Chùm hoa thõng xuống, dài tới 20-40 cm. Quả hình trụ, cong như lưỡi liềm, dài 40-60 cm, đường kính 3-4 cm, có 50-60 ô, mỗi ô chứa một hạt dẹt, quanh hạt có cơm màu nâu đen, vị ngọt, mùi hắc. Chính thứ cơm đặc sền sệt chứa trong quả ô môi này được nhân dân ta ngâm rượu làm thuốc bổ để uống, hoặc nấu cao.
Nguồn:st
Cách chế biến rượu ô môi:
Về mùa thu, khi quả ô môi đã chín, người ta hái quả về, bỏ vỏ, bỏ hạt, chỉ lấy cơm ngâm rượu. Trung bình một quả ô môi có thể ngâm với 500 ml rượu 25-30 độ. Ngâm trong 15-20 ngày là dùng được, nhưng càng để lâu càng tốt.
Nguồn:st
Rượu ô môi được dân gian dùng làm thuốc bổ, giúp ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, chữa đau lưng, đau xương. Liều dùng: Ngày uống hai lần, mỗi lần một chén nhỏ trước bữa ăn.
BS Mai Phương, Sức Khỏe & Đời Sống 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét