19 tháng 10, 2011

Càm ràm... "nhạc bí hiểm"

(Bài sưu tầm)
Bỗng dưng "mấy cha" phân loại nhạc Việt ra làm nhiều thể loại, như là: nhạc tiền chiến, nhạc thính phòng, nhạc sến, nhạc “té ghế”,...
Tới đây xin “mấy cha” cho tôi thêm vô 1 loại nữa được không? Đó là “Nhạc bí hiểm” (nghe hoài mà không hiểu)! Có những bài hát mà tui nghe mấy mươi năm, cho tới bây giờ cũng còn nghe, nghe cả ngàn lần... mà tôi hiểu, tôi chết liền:
-   “Ru mãi ngàn năm, dòng tóc em buồn. Bàn tay em năm ngón (quá đúng) ru trên ngàn năm. Trên mùa lá xanh, ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm...” (TCS - Ru em từng ngón xuân nồng) 
Ngôn ngữ sử dụng quá hay, nhạc và lời quyện vào nhau như đôi uyên ương.... nhưng TCS muốn nói cái gì? Ai hiểu giúp dùm. Chữ nào tôi cũng hiểu, ráp lại nguyên câu... HỔNG HIỂU!
- Hay là: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô”. Cọng tôi hiểu, buồn tôi hiểu, cỏ tôi biết, khô tôi hiểu, nhưng  "Cọng buồn cỏ khô"? tôi hiểu tôi chết liền! hahahaha...  Tôi dám thách cả Hàn lâm viện ngôn ngữ học của thế giới mà dịch cho mọi người hiểu, tôi sẽ đi trên tuyết bằng 2 chân, không mang giày.
- Hoặc: “Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ tên em. Có khi nắng khuya chưa lên...” hahahaha… nắng khuya là gì??? Ai mà dịch nắng khuya ra tiếng Anh hay tiếng Ấn độ hay tiếng Tàu, người đọc sẽ nghỉ là tên dịch thuật nầy loạn óc. Nhưng TCS giải thích: ngồi chờ em ở đầu hẻm, có ánh đèn xe... rồi thành “nắng khuya”...
Thật tình thì tôi cũng tự hào đã có vài mươi năm sống cùng thời với TCS, nghe nhạc TCS... ai mà đem sợi tóc đi chẻ làm tư làm tám kìa (còn nhiều lắm....). Túm lại, đôi khi cũng có người théc méc thì TCS giải thích: "...bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thì rõ ràng thật là khổ...." 

** Bây giờ là đến nhạc sến. Thật tình tôi mê nhạc sến vừa gì đâu “mấy cha”. Nghe nè:
-        -“Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm, nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người, mà yêu thương trót trao nhau trọn lời...”  (Nửa đêm ngoài phố - Trúc Phương), nghe là hiểu liền, không dư không thiếu.
- Hay là: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...”
Đó… đó.... nhớ quê hương khi nghe loại nầy đó. Hè nầy là hè của tụi học cấp 3, có tình yêu rồi. Tụi nó nhớ Tân châu tại vì nó có mối tình đầu ở đó. Quê hương: ngày thơ để ở, tuổi niên thiếu để yêu và… bây giờ tụi nó nhớ khi nghe “Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời. Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời giữ cho lâu dài…”. Mà trong đó hỏng có tui à nghen, tôi hận TC có vừa gì đâu??? Lâu dài đâu hổng thấy, chỉ thấy nàng lên xe hoa.... nàng bỏ xa xôi và gần gũi, bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui..., từ đó tôi bỏ xứ luôn... và trôi dạt đến xứ lạnh nầy đây.

** Và đây đến nhạc thính phòng
- “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em, lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm. Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi, trách nhau một lời thôi.... Tâm hồn mình đâu lẻ loi.....”.
- Hay là: “Mưa soi dấu chân em qua cầu, theo những cánh rong trôi mang niềm đau. Đời em đã khép đi vội vàng, tình ta cũng lấp lối thiên đàng..." (Mắt lệ cho người tình - Từ Công Phụng), nghe có đã hông??? Từ Công Phụng viết 2 bản: thứ nhất "Bây giờ mấy tháng" khi biết kết quả ổng bỏ chạy, và không quên viết an ủi "Mắt lệ cho người tình ". :lol: 

Cùng các bạn,
Tôi càm ràm cho vui thôi, chớ nhạc nào cũng hay. Mình thích bản nào thường là tại vì nó nói đúng tâm trạng của mình.
Mỗi lần về quê TC, nhớ lại chuyện xưa, ghé lại thăm nàng, mình cũng “cải lương” chút chút:
- Ngày em lấy chồng anh đau khổ lắm, nhớ tới bây giờ còn ê ê…
* Thiệt hông anh, anh vẫn còn đau khổ hả?
-  Ừ... vẫn còn...
* Khổ... mà có thấy gì không? (gì nữa đây?)
- Khổ vô cùng…
* Khổ vô cùng chưa đủ đâu anh, khổ phải thấy cái gì mới được!   
Bực quá,... tôi đứng lên:
-     -   Khổ thấy Mẹ, được chưa???  :lol:
"Phở 88"
******************************
Hello chị Nga, 
Đây là bài càm ràm cho vui, không có ý chê bai hay đả phá bởi vì nó liên quan đến những cây cổ thụ của nền âm nhạc VN....

BÀI CÓ LIÊN QUAN 

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả đã có bài càm ràm vui.
    PhNga khi nghe nhạc TCS cũng có "nhóc" "théc méc" luôn! Khi đó thì PhNga cố "dịch" ra để hiểu (theo ý mình) đại khái. Với PhNga, cái "bí hiểm" để mỗi người hiểu thế nào là tùy có lẽ cũng là một yếu tố lôi cuốn của nhạc TCS (?).
    Trong "Một cõi đi về" thì câu "Con TINH yêu thương vô tình chợt gọi" (mà có ca sĩ hát thành "Con TIM...") cũng bí hiểm luôn... "Con tinh" nó chợt gọi nên mới hiện bóng "con người" trong ta, nhưng mà là "con tinh yêu thương" ấy nhé... (còn nữa)
    Tuy nhiên, nhiều chỗ "bí hiểm" PhNga tạm "dịch" được, còn chỗ "nắng khuya" thì bó tay! (nào giờ cứ tưởng là ánh trăng, ai dè là đèn xe). "Chời chời"... có ca sĩ hát thành "nắng mưa" kìa...

    Còn "cọng buồn cỏ khô" thì... PhNga nhớ mang máng có lần đọc một bài viết về ca từ trong nhạc TCS, trong đó tác giả nói rằng nghe "cọng buồn cỏ khô" nó "đã" hơn là "cọng cỏ khô buồn" mà không phải chỉ do dấu thanh ở chữ cuối (dấu huyền hay không dấu) và... thế mới là TCS!

    Rất mong nghe tác giả "càm ràm" tiếp cho vui nhà vui cửa.

    Trả lờiXóa