15 tháng 12, 2011

Cứ tưởng là... HÀO PHÓNG

Một lần vào một sáng chủ nhật, tôi ngồi nhâm nhi cà phê và tán dóc với người bạn ở một quán cà phê  phải nói là sạch sẽ, đẹp đẽ trong TP.
Quá say sưa tán dóc với nhau mà bọn tôi không để ý ánh nắng xuyên qua cửa sổ rọi ngay vào bàn. Khi một nhân viên nam đến buông rèm che xuống, bọn tôi mới giật mình:
- Ồ, hay quá! Nãy giờ bị nắng rọi mà tụi cô không hay, em chu đáo quá!
-...
- À, em ơi! Em đã làm một việc tốt rồi, giờ cô nhờ em làm thêm một việc nữa nhé...
-...???
- Em làm ơn vặn volum nhỏ lại giùm, nãy giờ tụi cô cứ gân cổ lên mà nói chuyện...
- Dạ...
Bọn tôi chờ đợi... chờ đợi... một hồi không thấy gì. Thôi thì kệ...
Một lát sau, bọn tôi nhận thấy chẳng những âm thanh không nhỏ đi mà còn lớn hơn hồi nãy.
Vốn dễ tính nhưng lại không hề dễ chịu, tôi gọi em trai đó lại, rất bình tĩnh, tôi nói:
- Em này... hôm nay có ông bà chủ ở đây không?
- Dạ không có, cô có cần gì không ạ?
- Cô muốn góp ý một tí vậy mà...
- Cô có thể nói với em, em sẽ nói lại với bà chủ.
- Ừ, cũng được. Em nè... em thử đưa mắt nhìn khắp cái quán này xem có người khách nào ngồi lắng nghe nhac của quán không?
-...
- Theo em thì người ta đến đây là để nói chuyện hay là để nghe nhạc?
-...
- Cô biết tiếng nhạc cũng có cái hay là giúp cho nội dung trao đổi ở mỗi bàn giữ được tính riêng tư. Nhưng nếu để âm thanh lớn quá thì thật là phiền. Hồi nãy cô đã đề nghị vặn nhỏ hơn một chút, nhưng cuối cùng lại thấy nó lớn hơn...
-...
- Chưa kể đến việc quán có cần tìm hiểu xem đa số khách thích loại nhạc nào, không ưa loại nhạc nào, vì nhạc là để phục vụ khách chứ không phải phục vụ cho chủ. Nhưng thôi, việc đó là của chủ quán, còn việc của tụi cô là từ nay sẽ không bao giờ đến đây uống nước nữa!

***
Một nơi nữa cũng luôn làm phiền người ta bằng cách tra tấn người ta bằng chương trình văn nghệ với âm thanh lớn hết cỡ dộng vào óc vào tim, đó là đám cưới ở nhà hàng. Hổng lẽ đi đám cưới có nghĩa là vô trả tiền rồi ngồi ăn và bị nhạc nhiếc nó tra tấn? (Việc này phải có 1 chủ đề riêng).

***
Có khi vô trường tôi có việc phải mang cái laptop theo. Có lần tôi nghỉ trưa tại trường với 1 cô trẻ và cô này nhờ tôi bắt cho nghe bài "Đừng ví em là biển" do Minh Phương hát. Tôi và cô ấy đang lim dim nghe và gần chìm vào giấc ngủ thì chợt tiếng nhạc tắt ngúm! Tôi mở mắt nhìn: thì ra 1 cô khác mới vào phòng (trễ) và nhấn nút âm thanh trên máy để tắt. Khỏi nói cũng biết là cổ không thích bài hát đó hoặc tâm trạng đang không thích nghe nhạc. Dù cảm thấy cổ tự tiện như vậy là thiếu lịch sự, vì ít ra cổ cũng phải xin phép chứ, nhưng tôi cũng tìm cách thầm biện bạch giùm cho cổ: có lẽ cô ta tưởng mình đã ngủ, với lại mình đâu có quyền bắt cổ phải nghe...

***
Chiều nay tôi lại bị tra tấn bởi mấy bài hát do ca sĩ dỏm hát phát ra từ nhà đối diện (ca sĩ thu âm chứ không phải là hát karaoke). Tôi nghe mà muốn bịnh luôn, cảm thấy quạu trong mình nên ngồi gõ mấy chục dòng trên.
Tôi yêu âm nhạc nhưng thường là không thích ai mở nhạc sẵn cho nghe vì còn tùy sở thích và tâm trạng của mình lúc đó.

Thế mới biết, HÀO PHÓNG (chiêu đãi người ta nhạc miến phí) không phải bao giờ cũng được hoan nghênh.
PhNga

(Tiếp theo)
Ngủ 1 đêm dậy tôi nhớ ra còn hai nơi nữa cũng HÀO PHÓNG chiêu đãi nhạc là trên xe đò và trên sóng điện thoại của một số người.
* Trên nhiều xe đò/taxi, tài xế hào phóng mở nhạc chiêu đãi hành khách, dĩ nhiên là theo "gu" của tài xế. Gặp tài xế hợp "gu" với mình thì còn đỡ, ngược lại thì là mệt cầm canh. Nhưng phải ráng thích nghi và tận dụng hoàn cảnh: hợp thì thưởng thức, không hợp thì lắng nghe từng lời xem "đối phương" (bài hát, ca sĩ "mì ăn liền") chúng dỏm đến cỡ nào. Nếu họ vặn âm thanh vừa vừa thì thôi, còn như âm thanh "tra tấn" thì lên tiếng yêu cầu vặn nhỏ lại với lời nói "Cám ơn sự hào phóng nhưng tôi không nhận sự hào phóng đó".
* Nhiều người cài nhạc chờ vào điện thoại. Gọi cho họ, thay vì nghe tiếng chuông "tu...u...út... tu...u...út..." bình thường thì mình được/bị nghe tiếng nhạc. Gặp bài mình thích hoặc nhạc không lời thì còn đỡ; gặp mấy bài/ca sĩ mình dị ứng thì... muốn chết trong lòng luôn chứ chẳng chơi. Nếu gọi mà chủ không bắt máy thì mình phải nghe nhạc của họ trọn 1 phút==> "trốn" bằng cách đưa ĐT xuống nhìn màn hình, khi nào hiện lên "01...02" (giây) thì mình mới đưa lên tai để nghe... hì hì... Đó cũng là một cách giảm bớt sự tác động của sóng lên não đó nhỉ?


(Giật mình: biết đâu mình cũng đang "tra tấn" mọi người bằng bài viết tào lao này?)

(tiếp theo nữa)

Hát với chả hò...
Hồi đó, khoảng những năm trước sau 2000, thỉnh thoảng tôi đi hát Karaoke cùng với đồng nghiệp, bạn bè, đôi khi là với học viên, SV. Khi thì người này rủ, khi thì người khác rủ, "có qua có lại mới toại lòng nhau" mà lị!

Những năm gần đây tự nhiên tôi không hứng thú hát hò gì nữa. Nguyên nhân làm mình mất hứng có thể có nhiều, trong đó có chuyện này:
Có một lần tôi tham gia huấn luyện đội NVSP của trường (tham dự hội thi NVSP toàn quốc). Khi dự thi đạt được khá nhiều giải, được nhiều tiền thưởng, các em trong đội mời các GV trong ban huấn luyện dự buổi liên hoan mừng công. Vẫn chưa tiêu hết tiền thưởng, mấy thầy trò chơi luôn tăng 2: đi hát Karaoke. Thường đi hát K. thì mới vô ai cũng ngại, cũng "mại hơi" :D đến chừng "quen nước quen cái" rồi thì là giành nhau mà hát; có người chuyên hát kèm theo người khác làm cho giọng hát người khác như là "có bóng", "có đuôi" vậy á; kể ra thì cũng là vui chứ không có gì. Lần đó tôi hát vài bài rồi nghỉ, ngồi nghe người khác hát. Một lát sau tôi chọn thêm một bài nhưng chờ hoài không thấy tới lượt. Ngạc nhiên, tôi để ý kỹ thì mới hiểu ra là vài em SV chọn bài sau nhưng ngang nhiên tự bấm ưu tiên cho mình (chọn sau mà được hát trước). Nếu bài hát có dở, các em hát có tệ mình chịu được hết, vui là chính mà. Nhưng chơi trội kiểu đó với nhau, đặc biệt là với người lớn thì... Hình ảnh  Dù biết đó chỉ là thiểu số nhưng từ đó tôi thề với lòng là không bao giờ đi hát với HSSV nữa! Đó chỉ là chuyện nhỏ, nhưng từ đó tôi liên tưởng đến một thói xấu của con người mà ai nghe, biết hoặc chứng kiến cũng phải thở dài ngao ngán: thói thích chen ngang, thích vượt qua mặt người khác không phải bằng công sức lao động mà bằng những thủ đoạn... xét cho cùng đó cũng là lòng THAM của con người. Bà con nghĩ kỹ xem có đúng hông nha, đâu phải ai cũng yêu sự công bằng: có những người thích sự bất công = thích cán cân lợi lộc nghiêng về phía mình, còn phần thiệt thòi thì để người khác chịu. Họ thực thi lối sống "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau" mà lị!

Ý quên! Giờ trở lại chuyện hát hò. Ít nghêu ngao, không đi hát K. mấy năm + bị lão hóa toàn diện, tôi hát "xuống" thấy rõ.
:(  Hồi đó nhỏ em Út Vân hát yếu hơn tôi, nhưng giờ Út hát khỏe và hay đến không ngờ vì sau này Út có điều kiện luyện giọng tại nhà. Còn tôi thì bây giờ hát không ra hơi, lên cao hổng nổi... Người ta opera còn tôi thì operé... he he he...

Đi hát K. một điều "đau khổ" nữa là có người dắt theo con cháu tuổi teen và chúng giành hát nhiều mà toàn là hát nhạc "mì ăn liền", nhạc "phế phẩm" tra tấn mấy "bà già" khó tính này đến muốn xỉu, phải trốn về trước luôn! :mozilla_tongueout: :( Mấy "bà già" này không phải chỉ nghe những bài hát kém chất lượng rồi thầm ngán ngẫm trong lòng... và dừng lại ở đó mà còn từ đó nghĩ đến những việc lớn hơn có liên quan như thực trạng nền giáo dục, việc dạy và học văn, môi trường văn hóa nghệ thuật,... Ai bảo mình cả nghĩ làm chi cho mệt óc vậy hổng biết! :mozilla_cool:
Ôi... hát với chả hò!...
PhNga - tối 16/12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét