10 tháng 12, 2011

Những khoảnh khắc

Từ nhỏ tới giờ, cũng như nhiều người khác, tôi đã sinh sống trong nhiều môi trường khác nhau.
Lúc đầu là sống trong gia đình với cha mẹ, anh chị em ruột. Kế đến là sống tập thể cùng các bạn trong ký túc xá trường đại học. Sau đó là sống chung với gia đình bên chồng. Và bây giờ là sống trong gia đình riêng. Đó là không kể những khoảng thời gian ngắn đi công tác, đi du lịch,…
Ở bất cứ môi trường nào, chúng tôi (tôi và những người thân) cũng đều có chung một sở thích là ghi lại hình ảnh những khoảnh khắc đáng nhớ trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong những dịp đặc biệt: CHỤP ẢNH. Tất nhiên, thích thì thích nhưng có thỏa mãn được sở thích của mình hay không là còn tùy ở điều kiện kinh tế và thời gian nữa.
Nay xin tản mạn…vài chục dòng về những chuyện có liên quan đến CHỤP ẢNH cho bà con nghe chơi.


Một - Theo các giai đoạn của cuộc đời

- Tôi nhớ lúc mình còn nhỏ, dù con cái nheo nhóc, chuyện làm ăn buôn bán lu bu nhưng ba má tôi vẫn thỉnh thoảng đưa cả nhà xuống chợ Tân Châu chụp ảnh kỉ niệm gia đình. Tấm ảnh gia đình mà trong đó tôi còn nhỏ nhất là chụp lúc tôi được bốn tuổi: má tôi ngồi ẳm đứa nhỏ nhất mới sanh được vài tháng (Út Vân), tôi và những thành viên còn lại đứng xung quanh. Điểm đặc biệt trong ảnh này là chị kế tôi mặc cái áo dài, tôi mặc bộ đồ sa-ten trắng và…đi chân không (do lu bu nên người lớn quên để ý chuỵện guốc dép của tôi).
Cũng giai đoạn này có một việc mắc cười mà cả nhà nhắc mãi: Có một lần chị hai chở tôi đi Tân Châu mua đồ và ghé vào tiệm chụp hình nhưng chị sợ ba má rầy (vì không xin phép trước) nên dặn tôi: “Về nhà cưng đừng nói với ba má chị em mình chụp hình nhe!” Tôi hứa. Nhưng khi về đến nhà, vừa nhảy xuống xe là tôi chạy vô nhà và hồn nhiên nói với má: “Má ơi! Bữa nay chị hai cho con chụp “phình” rồi dặn về đừng có nói với ba má đó”. Đúng là con nít, có sao nói y như vậy!
Tôi vẫn còn nhớ, có lần, chính quyền địa phương buộc các gia đình phải chụp hình để làm tờ khai gia đình đồng loạt. Lúc người ta đến để chụp thì chị kế tôi đang chơi tán u ở xóm trong, tôi chạy đi tìm chị và nói: “Chị ơi! Ba kêu về chụp 'phình' kìa, có ông nào đó ổng đến nhà 'vẽ mình' kìa" (Tôi cứ tưởng là người ta chụp “phình” có nghĩa là người ta "vẽ" mình giống hệt).

- Năm học lớp nhất, tôi cùng mấy đứa bạn rủ đi tiệm chụp hình. Ngoài chụp hình thẻ để làm chứng chỉ Tiểu học, bọn tôi (gồm Kim Nga + Ngọc Lệ-sau này học lớp C + Mỹ Dung - sau này học bán công) còn rủ nhau chụp chung 1 tấm làm kỉ niệm.
- Trên bàn thờ nhà tôi có tấm ảnh lớn của ông nội. Nhìn ảnh ông, có lúc tôi tự hào là mình rất giống ông nội (nên được ba cưng nhất…hihi…), nhưng có lúc tôi sợ quíu vì thấy mình đi đâu nội cũng nhìn theo. Mãi sau này tôi mới hiểu tại sao lại như vậy! Đến nhà Chú Tám, thấy trong tấm ảnh lớn mà chú treo trên vách, bao giờ miệng chú cũng cười tươi, tôi thắc mắc: “Chú Tám cười hoài vậy hổng mỏi miệng sao?”. Bọn tôi so sánh ảnh chú Tám với ảnh chú Út và bảo rằng: “Chú Tám xức “dầu sáp” nên tóc mới bóng, còn chú Út thì xức dầu dừa nên tóc đen thui và không bóng!” rồi cười chết cười sống với nhau. Đúng là con nít ngây ngô!

- Lên trung học, tôi ít có dịp đi chụp ảnh vì cái tính “hà tiện”- sợ tốn tiền của cha mẹ, và cũng vì thấy mình chụp không “ăn ảnh”. Tuy vậy, tôi cũng có được vài tấm chụp với bà chị kế. Ở Tân Châu lúc đó có tiệm chụp hình Lê Tân (và dường như cũng là tiệm sửa radio?) và sau đó có thêm tiệm Thời Đại và tiệm nào nữa, tôi không nhớ! (vì tôi ít chụp ảnh mà). Có mấy tấm chụp chung tập thể nhưng tôi cũng không rửa được tấm nào! Khác với tôi, chị tôi thường đi chơi với bạn bè và chụp rất nhiều ảnh, có lẽ do chị rất “ăn ảnh” và “chịu chơi” hơn.

- Lên đại học, tôi bắt đầu có ý thức hơn về việc giữ lại những hình ảnh với những người thân quen để làm kỉ niệm. Vào những dịp đặc biệt, chúng tôi đều có chụp hình với nhau nhưng do chỉ thuê thợ và do sinh viên rất nghèo tiền bạc nên chụp cũng rất hạn chế. Năm thứ tư, một lần giận hờn người yêu, tôi đã mời thợ vào trường cùng mấy đứa bạn chụp một loạt hình để khuây khỏa (nhìn những tấm hình đó vẫn còn thấy hai con mắt sưng vì khóc đêm trước!). Bởi vì tôi có cái bịnh-mãi cho đến nay vẫn còn-là khi buồn hoặc giận người mình yêu quí là tôi, một là lôi quần áo cũ ra mặc, hai là…xài sang (những thứ gì mà tôi muốn, tôi thích nhưng ngày thường tôi hà tiện nên ngại xài, ngại sắm thì lúc này tôi xài đại, sắm đại). Cũng năm thứ tư, khi tôi thi tốt nghiệp xong, ông anh “ngang hông” mượn máy ảnh của cơ quan vô trường chụp cho tôi và Út Vân cùng bạn bè trong tập thể rất nhiều hình kỉ niệm và ép nhựa cẩn thận (một việc rất “sang” vào thời đó), trong đó có 1 tấm Út Vân lí lắc trèo lên cây. Cho đến lúc này tất cả chỉ là hình trắng đen.

- Khi quen biết với gia đình ông xã, tôi được gia đình cho xem những tấm hình kỉ niệm của gia đình. Thì ra gia đình anh cũng rất quan trọng chuyện chụp ảnh kỉ niệm. Ba anh ghi vào phía sau mỗi tấm ảnh tên người, thời gian, địa điểm,…rất cẩn thận. Sau này mỗi lần sum họp đại gia đình hay cùng đi du lịch thì gia đình chụp rất nhiều hình. Đứa cháu nào cũng được chụp từ nhỏ đến lớn dần, thậm chí hình ảnh…bú mẹ cũng được ghi lại,…

- Khi ông xã tôi học khóa quay phim-nhiếp ảnh trong đài truyền hình (năm 1983) thì tôi là “người mẫu” để ông chụp thực tập. Trong mấy tấm hình thời đó (vẫn là hình trắng đen), tôi ốm nhom và đứng/ngồi cứng đơ (nên bị rầy hoài…hihihi…) trông còn xấu hơn những hình chụp sau này.

- Một kỉ niệm nữa: lúc đi nghĩa vụ quân sự năm 1981, ông xã (lúc đó chúng tôi chưa cưới nhau) mang theo tấm hình của tôi. Sau “3 tháng quân trường”, do có bằng sư phạm nên anh được đưa về trường Văn hóa QK9. Khi đồng đội của anh có người phải đi qua Kampuchea đánh Pôn Pốt, vì nghĩ chuyện sống chết không lường được nên các anh rất bịn rịn khi chia tay nhau. Các anh trao nhau những kỉ vật-những vật quí giá của mình…và ông xã đã…tặng tấm hình của tôi cho đồng đội của mình và nói với anh ấy rằng: “Với mình, đây là tài sản quí giá nhất”. Hồi đó, tôi không “thông” chuyện này nên đã giận dỗi anh biết bao nhiêu!

- Tôi có cái tật là, hễ chụp hình chung với ai là tôi muốn người đó cũng có tấm hình kỉ niệm đó nên phải rửa thêm để tặng từng người. Mình thì vậy, nhưng có khi đối với một số người, người ta không quan trọng chuyện đó nên bỏ bò lăn bò lóc hoặc không chuyển giùm đến tay người nhận.
Rồi có khi lo cầm máy chụp người này người kia, cuối cùng kiểm lại không thấy mình đâu hết. Hic...hic...

Hai - Công cụ và sản phẩm

Sau khi xuất ngũ (1983), ông xã được nhận vào làm ở Đài Truyền hình CT, được học một khóa nhiếp ảnh-quay phim, nhưng thời bao cấp kinh tế gia đình thật khó khăn, ăn còn thiếu trước hụt sau thì nói gì đến việc mua máy chụp ảnh. Khi cần chụp thì chỉ toàn là đi mượn máy của CQ. Mỗi lần về quê vợ, ông mượn máy đem về chụp cho gia đình, bà con. Sau đó ông mua được máy phóng ảnh cũ của người ta. Phải nói là cả hai ốm o gầy mòn vì cái chuyện phóng ảnh của ông, mà phải chi làm ra tiền cho cam, đằng này toàn là làm chơi vì tò mò. Mỗi lần ông phóng ảnh (trắng đen) là hai đứa thức gần như suốt đêm (vì cần bóng đêm). Làm thủ công nên dựa vào đôi mắt là chính, phải "can-me" cho kĩ, nếu không nó thấm thuốc quá lố là hình đen thui! Ối giời ôi! Cực với khổ! Nhưng nhờ vậy mà giai đoạn này gia đình tôi có hàng đống hình kỉ niệm!
.........................
Đến 1996 đi chơi Đà lạt cùng CQ, tôi mượn cái máy tự động (mua ở Hà Lan) của chú năm tụi nhóc đem theo nhưng ở mỗi điểm tham quan tôi đều có chụp thợ một vài kiểu để phòng hờ cho chắc.
Trước khi đi, tôi đã được ông xã tập huấn kĩ về bố cục, góc độ, ánh sáng,... nhưng "lực bất tòng tâm": mắt tôi không nheo được một con để ngắm cho chính xác, tay còn run==>khi bấm máy, hình bị lệch khung. Chụp hết cuồn phim thứ nhất, do nóng lòng xem hình nên bọn tôi (tôi+đứa bạn cùng phòng) đem ra tiệm tại Đà Lạt rửa ngay. Kết quả: Máy nhỏ bạn tôi (cũng mượn của ai đó): không có tấm hình nào! Máy tôi: có hình, chỉ có điều không tấm nào ra hồn; đặc biệt có một tấm hình lạ: một ông nài ngựa đang ngồi trên lưng ngựa! "Sao kỳ vậy cà?" Còn hình thằng nhóc nhỏ của tôi 5t+con trai đứa bạn tôi 3t ngồi trên lưng ngựa sao không thấy! Nhìn kĩ lại mới hiểu: thì ra tôi chụp hai đứa nhỏ cưỡi ngựa nhưng cuối cùng chỉ thấy được... cái đuôi con ngựa chúng cưỡi và... con ngựa phía sau+ông nài ngựa! Mọi người được một trận cười no nê! Cuồn phim thứ hai về CT mới rửa: có hình, nhưng cũng không khá hơn cuồn kia bao nhiều, trong đó có một tấm tôi chụp đứa bạn ngồi trong rừng thông từ tuốt đằng xa nên thấy nó nhỏ xíu... như con khỉ! Khi gặp tấm này, ông xã tôi rầy: "Chụp như vầy là mích lòng người ta rồi!"

Về sau, chú năm nó mua máy cơ "hoành tráng" và nhờ vậy mấy mẹ con tôi được hưởng "xái" cái máy tự động đó. Đi chơi đâu tôi cũng mua phim và pin lắp vào để chụp cho mọi người. Dĩ nhiên hình tôi bao giờ cũng ít và xấu hơn của mọi người (!). Tính ra chụp máy nhà vẫn đắt hơn chụp thợ vì hao hớt và do chụp "tào lao" tùy hứng hơi nhiều, nhưng có cái tiện là có thể chụp ở những nơi không có thợ.

Từ lúc có máy kỹ thuật số (KTS) thì cái máy tự động đó bị xếp xó, để dành làm kỉ niệm (chung số phận với cái bàn ủi than). Chụp máy KTS thì tha hồ mà bấm, có điều coi chừng hết pin (phải có pin dự trữ). Lần đi dự tập huấn tháng 8 năm 2007, tôi đem máy theo định bụng sẽ chụp Cô Khoa+Thầy Nhiều lần nữa. Nhưng hôm đó bạn bè rủ nhau chụp kỷ niệm, tôi hứng lên chụp đến hết pin luôn! Thế là bèn vô hiệu sách mua đỡ cặp pin dỏm mấy chục ngàn gì đó. Cũng may là đủ để chụp Thầy Cô buổi tối đến thăm.
Giờ đi đâu tôi cũng thường xách kè kè theo cái máy ảnh, hễ có dịp là "chộp". Tôi và một cô đồng nghiệp nữa thường kéo nhau đi tìm cảnh đẹp để chụp. Nhưng tôi chụp cô ta thường tấm nào cũng đẹp, vì một phần mặt mày, tướng tá của cô ta đã đẹp sẵn rồi. Còn cô ta chụp tôi lần nào cũng bị "rầy", kể cả khi chụp bằng máy của cổ, do một phần do tôi đã không đẹp sẵn rồi. Nhưng dễ thương ở chỗ là lần nào bị tôi "rầy" cô ta cũng cười ngất và nói: "Ừ, chửi tao nữa đi, con quỉ!" Tôi cười: "Hì hì... chỉ có mầy là tao chửi được thôi, ráng chịu nghen!"

Giờ nhà tôi có hàng đống hình với đủ loại "chủ đề". Để "hệ thống hóa" lại chắc phải mất cả tuần lễ! Rồi phải chọn để scan lại một số hình quý nữa! Nhớ đến mà ngán ngẩm! :(  
PhNga - 22/4/2008 (Bài cũ). 
---------------------------------
Nhìn lại tấm hình chụp hồi nẳm, tôi nhớ lại hồi học tiểu học bọn tôi ít đứa nào có cái cặp da mà cũng không có bọc ni lông để đựng tập vở. Thành ra bọn tôi cứ lấy sợi thun vòng mà nịt mấy cuốn tập lại cho gọn. Viết chì, viết mực thì bó lại 1 bó, cũng bằng sợi thun vòng.
Hình ảnh học trò nhà quê: 1 tay ôm chồng tập (chỉ vài ba cuốn nhẹ tênh); 1 tay kia cầm bó viết; 1 cây viết/cây thước trong bó viết xỏ vô quay nắp bình mực. Có khi tất cả những thứ đó dồn vô 1 tay, chừa lại tay kia để nắm tay nhau dung dăng dung dẻ trên đường quê (Đó là con gái, còn con trai thì tôi không nhớ).

Sách vở, dụng cụ học tập đơn giản như vậy đó mà sao những kiến thức căn bản trong các bài học, những lời dạy của Thầy Cô tụi mình lại thấm thía và nhớ lâu cho đến tận bây giờ nhỉ!?

Còn trong tấm hình trên thì mỗi đứa cầm chỉ 1 cuốn tập để làm kiểu (theo lời ông thợ)?

Nhìn hình trên tôi cũng nhớ nhỏ Kim Nga. Nhà nhỏ trong kinh đào. Lúc học lớp ba trở xuống thì nhỏ đi học gần lắm vì nhà gần trường. Đến chừng lên lớp nhì thì chúng tôi học ở trường Tiểu học "C" Tân An, phải đi qua cái đò. Mỗi ngày đi học nhỏ ghé rủ tôi đi. Ba tôi gặp cảnh đó thường cười hề hề chọc hai đứa: "Nga này ghé rủ Nga kia đi học... Nga nào cũng ốm... :D
Mỗi lần về quê, tôi thường gặp Mỹ Dung (ở nhà tên Bé Tư) vì sau này "nhỏ" lấy chồng gần - nhỏ là em dâu họ của tôi. Còn Kim Nga thì tôi ít gặp vì thường thời gian về quê không được rộng rãi cho lắm.
Những hôm đi học sớm thì chúng tôi ra nhà nhỏ Ngọc Lệ rủ nhỏ cùng đi. Nhà Ngọc Lệ ở tuốt ngoài kinh mới, tức chúng tôi phải đi qua huốt bến đò rồi sau đó tất cả quay trở lại để qua đò. Ôi, học trò nhỏ hồi đó sao mà thư thả, ung dung thế!

PhNga - 29/5/2010 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét