9 tháng 12, 2011

Dấu câu trong bài trắc nghiệm khách quan - Phan Phước Đường

Thắc mắc về dấu câu và về việc viết hoa hay không chữ đầu của mỗi phương án trả lời trong bài trắc nghiệm khách quan, tôi đi hỏi vài người thì thấy ý kiến của họ không dứt khoát, không giống nhau.
Sau đó, đọc bài viết của thầy PHAN PHƯỚC ĐƯỜNG, giảng viên khoa Khoa học xã hội – Nhân văn đăng trong Tập san TTKH số 2 của trường CĐCT, tôi mừng như người "buồn ngủ gặp chiếu manh".
Theo tôi, có năng lực và tâm huyết về chuyên môn, có trăn trở về việc "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", tác giả mới bỏ công tìm hiểu và viết được một bài như thế. Bài viết cũng đã được trình bày như một tham luận tại một hội thảo về chuyên môn do Sở GD-ĐT Tp.CT tổ chức.
Bản thân tôi thấy ý kiến nêu trong bài có cơ sở khoa học và đầy sức thuyết phục. Vì vậy, tôi đã báo cho nhiều người cùng đọc và áp dụng . Tuy nhiên, có lẽ không để ý (hay không cùng quan điểm với tác giả?) nên một số bài trắc nghiệm dấu câu và việc viết hoa vẫn... rất đa dạng....
Vì vậy, tôi xin tác giả flie bài viết này để  mọi người tham khảo.
Bài viết này của thầy P.P.Đường gồm có hai phần:
- Phần 1 - Cách diễn đạt ở các câu trắc nghiệm trong những bộ đề kiểm tra tại Trường Cao đẳng Cần Thơ
- Phần 2 - Nên sử dụng dấu câu như thế nào?
Ở đây, tôi chỉ xin trích gởi lên phần hai. 
VÀI TRAO ĐỔI VỀ CÁCH DIỄN ĐẠT TRONG CÁC ĐỀ KIỂM TRA TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN 
PHAN PHƯỚC ĐƯỜNG
Phần 2 - Nên sử dụng dấu câu như thế nào?
Hãy cùng trao đổi cách sử dụng dấu câu trong các câu TNKQ sau đây.
(10) Nguyễn Du đã nói tâm trạng của ai trong mấy câu thơ sau: 
"Trước sau nào thấy  bóng người, 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông"
A. Kim Trọng    B. Thúc Sinh   C. Thúy Kiều  D. Từ Hải
(11) Trong thời đại hiện nay, việc phát triển kinh tế xã hội phụ thuộc chặt chẽ vào:
         A. Trình độ người lao động                       
         B. Sự hiện đại của phương tiện giao thông vận tải
         C. Tiếp thu khoa học kỹ thuật mới
         D. Nguồn thông tin mới và kịp thời
(12) Khi máy tính được bật lên, thành phần nào sau đây sẽ được nạp vào CPU đầu tiên
         A. Chương trình quản lý Boot   
         B. Sector đầu tiên trên ổ cứng
         C. BIOS                                                          
         D. Nhân của hệ điều hành
(13) Network protocol là gì:
         A. Qui định chuẩn cho phép người dùng có thể đăng nhập từ xa vào hệ thống
         B. Các qui ước chung để các phần mềm/ phần cứng có thể liên lạc được với nhau qua mạng
         C. Cách thức nén dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả truyền qua mạng
         D. Cách thức chia sẻ tài nguyên phần mềm, phần cứng và khả năng xử lý của các sever mạng
(14) Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trich "Hạnh phúc của một tang gia" là?
         A. Xây dựng chân dung biếm họa             
         B. Sử dụng yếu tố cường điệu phóng đại
         C. Khai thác chi tiết đối lập giữa hiện thực và bản chất
         D. Điểm nhìn trần thuật biến hóa
         Nhận xét:
         + Phần dẫn của các câu TNKQ (10), (12), (13) rõ ràng là những câu hỏi với mục đích để hỏi; vậy mà khi thì dùng dấu hai chấm, lúc lại không sử dụng dấu câu ở cuối câu.
         + Phần dẫn của câu TNKQ (11) là một phần câu trần thuật và nếu được ghép với một trong bốn cụm từ trong phần phương án lựa chọn sẽ tạo nên một câu hoàn chỉnh; dấu hai chấm sử dụng trong trường hợp này cũng không phù hợp (vì nó không báo hiệu một chuỗi liệt kê, một vế giải thích, giới thiệu hay thuyết minh, một lời đối thoại trực tiếp,….)
         + Cuối các câu (phần câu) trong phần các phương án lựa chọn không dùng dấu kết thúc câu (thường là dấu chấm).
         Có ý kiến cho rằng cuối phần dẫn nên dùng dấu hai chấm (bất kể đó là câu nghi vấn hay một phần câu trần thuật, câu cầu khiến) vì sau đó có liệt kê những phương án lựa chọn. Ý kiến trên khó chấp nhận, vì xét về mặt nội dung, không phải nội dung của các phương án lựa chọn đều đúng và được liệt kê đầy đủ so với nội dung phần dẫn. Thật ra, nội dung phần dẫn chứa một ý chưa rõ cần hỏi hoặc một nội dung chưa đầy đủ, yêu cầu người làm bài lấy một nội dung (được xem là đúng nhất) trong phần phương án lựa chọn để trả lời phần dẫn hoặc hoặc nối với phần dẫn để tạo nên một nội dung hoàn chỉnh.
         Trong các tài liệu tập huấn xây dựng ngân hàng câu TNKQ, ra đề TNKQ, khi nói đến yêu cầu về cách viết phần dẫn trong dạng trắc nghiệm có nhiều phương án lựa chọn, các tác giả đều nói đến một trong những yêu cầu, đó là “có thể xây dựng dưới dạng câu hỏi, dưới dạng câu chưa hoàn chỉnh mà sẽ được hoàn chỉnh bằng câu lựa chọn, hoặc dưới dạng một nội dung hoàn chỉnh của vấn đề cần được giải quyết[1]. Và ngữ pháp nói chung, ngữ pháp tiếng Việt nói riêng cũng lưu ý dùng dấu câu phải phù hợp với mục đích nói, với kiểu câu. Về cơ bản, ai cũng biết:
         + Dấu chấm dùng để kết thúc câu trần thuật.
         + Dấu chấm hỏi thường dùng để kết thúc câu nghi vấn.
         + Dấu chấm cảm dùng để kết thúc một câu cảm xúc, hoặc một câu cầu khiến.
         + Dấu hai chấm dùng để báo hiệu một chuỗi liệt kê, một vế giải thích, giới thiệu hay thuyết minh, một lời đối thoại trực tiếp, …
         Như vậy, việc sử dụng dấu câu khi viết câu TNKQ dạng trắc nghiệm có nhiều phương án lựa chọn (cũng như các dạng trắc nghiệm khác) có thể dựa vào những lưu ý chính sau:
DẠNG
PHẦN DẪN
PHẦN PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN
KIỂU CÂU
DẤU CÂU
KIỂU CÂU
DẤU CÂU
CHÚ Ý
1
Câu nghi vấn
Dấu chấm hỏi
Câu trần thuật
Dấu chấm
Vì là một câu nên chữ cái đầu câu phải viết hoa.
2
Một phần câu trần thuật
Tùy trường hợp (không dùng dấu kết câu, hoặc dùng dấu phẩy, dấu hai chấm)
Một phần câu trần thuật
Dấu chấm
Không viết hoa chữ cái đầu mỗi phần câu (mỗi phương án lựa chọn).
3
Câu cầu khiến
Dấu chấm
Câu trần thuật
Dấu chấm
Vì là một câu nên chữ cái đầu câu (mỗi phương án lựa chọn) phải viết hoa.
         Các câu TNKQ từ (1) đến (7) minh hoạ cho cách diễn đạt vừa trình bày trên.
         Hiện nay, tất cả các đề thi TNKQ trong các kì thi Tốt nghiệp THPT, Tuyển sinh Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng diễn đạt theo cách trên. Chúng tôi xin đưa ra một vài minh hoạ.
Câu 17: Phát biểu nào sau đây là không đúng khi nói về tháp sinh thái?
         A. Tháp số lượng được xây dựng dựa trên số lượng cá thể của mỗi bậc dinh dưỡng.
         B. Tháp số lượng bao giờ cũng có dạng đáy lớn đỉnh nhỏ.
         C. Tháp năng lượng bao giờ cũng có dạng đáy lớn đỉnh nhỏ.
         D. Tháp sinh khối không phải lúc nào cũng có đáy lớn đỉnh nhỏ.
Câu 18: Ở biển, sự phân bố của các nhóm tảo (tảo nâu, tảo đỏ, tảo lục) từ mặt nước xuống lớp nước sâu theo trình tự
         A. tảo lục, tảo đỏ, tảo nâu.                         
         B. tảo đỏ, tảo nâu, tảo lục.
         C. tảo lục, tảo nâu, tảo đỏ.                         
        D. tảo nâu, tảo lục, tảo đỏ.
Câu 19: Bằng chứng nào sau đây ủng hộ giả thuyết cho rằng vật chất di truyền xuất hiện đầu tiên trên Trái Đất có thể là ARN?
         A. ARN có kích thước nhỏ hơn ADN.
         B. ARN có thể nhân đôi mà không cần đến enzim (prôtêin).
         C. ARN có thành phần nuclêôtit loại uraxin.                           
         D. ARN là hợp chất hữu cơ đa phân tử.
Câu 20: Ở ngô, bộ nhiễm sắc thể 2n = 20. Có thể dự đoán số lượng nhiễm sắc thể đơn trong một tế bào của thể bốn đang ở kì sau của quá trình nguyên phân là
         A. 80.         B. 20.     C. 22.      D. 4.
                       (Trích Đề thi tuyển sinh Đại học năm học 2009, Môn Sinh học, Khối B, Mã đề 462)

Câu 23: Trong thí nghiệm Y-âng về giao thoa với nguồn sáng đơn sắc, hệ vân trên màn có khoảng vân i. Nếu khoảng cách giữa hai khe còn một nửa và khoảng cách từ hai khe đến màn gấp đôi so với ban đầu thì khoảng vân giao thoa trên màn
         A. không đổi.      B. tăng lên bốn lần.
         C. giảm đi bốn lần.  D. tăng lên hai lần.
Câu 24: Trong thí nghiệm Y-âng về giao thoa ánh sáng, khoảng cách giữa hai khe là 0,5 mm, khoảng cách từ mặt phẳng chứa hai khe đến màn là 2 m. Ánh sáng đơn sắc dùng trong thí nghiệm có bước sóng 0,5 µm. Vùng giao thoa trên màn rộng 26 mm (vân trung tâm ở chính giữa). Số vân sáng là
         A. 11.      B. 13.    C. 17.     D. 15.
Câu 26: Khi nói về năng lượng của một vật dao động điều hòa, phát biểu nào sau đây là đúng?
         A. Thế năng của vật đạt cực đại khi vật ở vị trí cân bằng.
         B. Động năng của vật đạt cực đại khi vật ở vị trí biên.
         C. Cứ mỗi chu kì dao động của vật, có bốn thời điểm thế năng bằng động năng.
         D. Thế năng và động năng của vật biến thiên cùng tần số với tần số của li độ.
                          (Trích Đề thi tuyển sinh Cao đẳng năm học 2009, Môn Vật lí, Khối A, Mã đề 139)

Câu 37: Cho 0,25 mol một anđehit mạch hở X phản ứng với lượng dư dung dịch AgNO3 trong NH3, thu được 54 gam Ag. Mặt khác, khi cho X phản ứng với H2 dư (xúc tác Ni, to) thì 0,125 mol X phản ứng hết với 0,25 mol H2. Chất X có công thức ứng với công thức chung là
         A. CnH2n(CHO)2 (n ≥ 0).     B. CnH2n+1CHO (n ≥0).
         C. CnH2n-1CHO (n ≥ 2).      D. CnH2n-3CHO (n ≥ 2).
Câu 38: Trường hợp nào sau đây không xảy ra phản ứng hoá học?
         A. Sục khí Cl2vào dung dịch FeCl2.          
          B. Sục khí H2S vào dung dịch CuCl2.
         C. Sục khí H2S vào dung dịch FeCl2      
         D. Cho Fe vào dung dịch H2SO4 loãng, nguội.
Câu 39: Xà phòng hóa hoàn toàn 66,6 gam hỗn hợp hai este HCOOC2H5 và CH3COOCH3bằng dung dịch NaOH, thu được hỗn hợp X gồm hai ancol. Đun nóng hỗn hợp X với H2SO4           đặc ở 140oC, sau khi phản ứng xảy ra hoàn toàn thu được m gam nước. Giá trị của m là
         A. 4,05.  B. 8,10.  C. 18,00.  D. 16,20.
Câu 40: Xà phòng hoá một hợp chất có công thức phân tử C10H14O6 trong dung dịch NaOH (dư), thu được glixerol và hỗn hợp gồm ba muối (không có đồng phân hình học). Công thức của ba muối đó là:[2]
         A. CH2=CH-COONa, CH3-CH2-COONa và HCOONa.
         B. HCOONa, CH≡C-COONa và CH3-CH2-COONa.
         C. CH2=CH-COONa, HCOONa và CH≡C-COONa.
         D. CH3-COONa, HCOONa và CH3-CH=CH-COONa.
                      (Trích Đề thi tuyển sinh Đại học năm học 2009, Môn Hoá học, Khối A, Mã đề 175)

Câu 30: Một vật nhỏ dao động điều hòa theo một trục cố định. Phát biểu nào sau đây đúng?
         A. Quỹ đạo chuyển động của vật là một đoạn thẳng.
         B. Quỹ đạo chuyển động của vật là một đường hình sin.
         C. Lực kéo về tác dụng vào vật không đổi.
         D. Li độ của vật tỉ lệ với thời gian dao động.
Câu 31: Quang điện trở được chế tạo từ
         A. kim loại và có đặc điểm là điện trở suất của nó giảm khi có ánh sáng thích hợp chiếu vào.
         B. kim loại và có đặc điểm là điện trở suất của nó tăng khi có ánh sáng thích hợp chiếu vào.
       C. chất bán dẫn và có đặc điểm là dẫn điện kém khi không bị chiếu sáng và trở nên dẫn điện tốt khi được chiếu sáng thích hợp.
       D. chất bán dẫn và có đặc điểm là dẫn điện tốt khi không bị chiếu sáng và trở nên dẫn điện kém khi được chiếu sáng thích hợp.
Câu 32: Phát biểu nào sau đây sai?
         A. Các chất rắn, lỏng và khí ở áp suất lớn khi bị nung nóng phát ra quang phổ vạch.
         B. Tia hồng ngoại và tia tử ngoại đều là sóng điện từ.
         C. Tia Rơn-ghen và tia gamma đều không thuộc vùng ánh sáng nhìn thấy.
         D. Sóng ánh sáng là sóng ngang.
                   (Trích Đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2009, Môn Vật lí, Giáo dục THPT, Mã đề 205)
         Vấn đề được đặt ra trong bài viết này không phải quá mới mẻ, nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào đưa ra những quy định cụ thể về vấn đề này. Do vậy, hiện nay cách diễn đạt trong câu TNKQ vẫn tuỳ theo thói quen của từng người soạn bài tập.
         Trước thực tế trên, chúng tôi đã tìm hiểu nhiều ngân hàng câu TNKQ, bộ đề TNKQ thuộc nhiều bậc học, ngành nghề khác nhau và cả những đề thi TNKQ chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo để phân tích chúng dựa vào những yêu cầu chung của việc soạn câu TNKQ và các quy tắc ngữ pháp tiếng Việt. Kết quả khảo sát cho thấy cách diễn đạt của đề thi TNKQ chính thức trong các kì thi Tốt nghiệp THPT, Tuyển sinh Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lí nhất. Đó cũng chính là những ý kiến mà chúng tôi muốn nói đến trong bài viết này.
          Với mục đích hoàn thiện tính khoa học của các bộ đề TNKQ trong Trường Cao đẳng Cần Thơ, chúng tôi mong muốn ý kiến trong bài viết này được Nhà trường và đồng nghiệp quan tâm.

[1] Lê Đức Ngọc, biên tập (2005), Tài liệu tập huấn “Xây dựng cấu trúc đề thi và biểu điểm”– Hà Nội (trang130).
[2] Chú thích của người viết bài: Ở câu này, sau từ “là” có dấu hai chấm vì nội dung nối tiếp (mỗi phương án lựa chọn) được trình bày dưới dạng liệt kê.

*************************************
Rất cảm ơn anh P.P.Đường đã cho Nga xin file bài này. Chúc anh luôn vui khỏe và thành công.
Phan Thị Nga 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét