14 tháng 11, 2010

Gặp lại người học cũ

Có lần, vào mùng 3 tết, tôi dự một bữa tiệc thân mật ở nhà một cô bạn ngoài cơ quan. Cô ta mời nhiều "hệ" bạn khác nhau nên các khách mời quen nhau trước cũng có mà chưa quen nhau cũng có.
Sau một hồi giới thiệu, hỏi thăm nhà cửa, nơi công tác,... của nhau, một người khách nam nhận ra tôi là cô giáo cũ hồi học đại học. Do tôi có quá nhiều thay đổi (về mái tóc, nơi công tác, tuổi tác,...) so với hồi đó nên trò chuyện với nhau một hồi em mới nhận ra tôi. Trước đây, tôi cũng nghe cô bạn nhắc đến tên em vài ba lần nhưng nào có ngờ đó là sinh viên cũ của mình. Nhận ra tôi, em mừng rỡ lắm, rồi sôi nổi kể về bạn này bạn kia trong lớp, giờ đã làm gì, sống ở đâu, gia đình ra sao. Nghe thì nghe chứ nói thật tôi không nhớ nổi hết các em, mấy chục năm rồi chứ ít gì. Đặc biệt em nhắc đi nhắc lại tên một em (em N.) trong lớp giờ đã là hiệu trưởng một trường cao đẳng tầm cỡ. Em hăng hái móc điện thoại DĐ ra:
- Để em gọi cho thằng N. để nó nói chuyện với cô, đảm bảo nó mừng lắm cô à. Nó là đứa thành đạt nhất trong lớp lại sống rất tình nghĩa. Giờ nó là tiến sĩ và rất khá giả cô ạ...
Tôi cương quyết ngăn lại:
- Đừng em à... từ lâu cô đã biết N. hồi xưa là SV lớp... Hồi đó cô chỉ dạy các em có mấy chục tiết, tay nghề lúc đó còn non nớt nên cũng không để lại một ấn tượng gì cho lớp các em. Có đáng gì đâu mà các em phải nhớ và giờ bắt các em phải nhận cô giáo cũ. Để làm chi vậy? Nhất là ngày nay các em đã thành đạt, đã vượt cô rất nhiều về nhiều mặt. Học trò cũ của cô có vài ba em rất giỏi, có địa vị cao và con cô đang ở dưới quyền của nó, vậy mà cô chưa hề ra mặt lần nào kia mà. Cô dạy các em được nhà nước trả lương thì cô phải làm tròn trách nhiệm, như cô thợ may ăn tiền công của khách thì phải may quần áo của họ cho đẹp vậy mà. Cô không bao giờ kể công, kể ơn với ai, cũng không chờ đợi ai phải nhớ hay thăm viếng, đền đáp. Có gặp nhau ngoài đường thì chào nhau như những người quen biết là vui lắm rồi. Lỡ khách có quên mặt mình mà không chào thì thôi chứ không có vấn đề gì to tát...

Có lần đi công tác xa (thanh tra kỳ thi TNPT), tôi tình cờ biết được một cán bộ sở tại là sinh viên cũ của tôi (vì tôi nghe đồng nghiệp nói đến lớp và khóa học hồi xưa của "anh ta"), nhưng tôi làm thinh như không quen biết gì vì "anh ta" không nhận ra tôi.

Sắp đến ngày 20/11 (và cả ngày 8/3), tôi dặn các HSSV của mình: "Ngày đó các em không được tặng quà, khỏi cài hoa cho cô, khỏi gởi tin nhắn chúc mừng,... Hằng ngày các em vô lớp lau cái bảng và bàn ghế GV cho sạch sẽ, phấn, khăn lau bảng chuẩn bị sẵn sàng, tham gia học hành cho đàng hoàng là cô vui rồi..."

Mấy năm trước, vào "mùa" 20/11 hay những lúc rảnh rỗi, các HS cũ, mới hay ghé nhà thăm tôi rồi tổ chức nấu cháo, nấu chè liên hoan với nhau rất vui. Nhưng mấy năm nay, tôi dặn các em đừng ghé nhà thăm tôi. Điều tôi sợ nhất là các em đi lên nhà tôi rồi lỡ xui xẻo gặp tai nạn dọc đường thì khổ, chắc là tôi sẽ ân hận suốt đời, vì con đường đi đến nhà tôi nổi tiếng là nguy hiểm, tai nạn GT xảy ra thường xuyên.

Tôi chỉ mong những học sinh/học viên từng học với tôi đối xử với nhau và với các thầy cô cho tốt đẹp bình thường như những mối quan hệ người-người khác.
Đối với các thầy cô dạy mình, tôi luôn nhớ ơn và nhớ mãi những kỷ niệm vui, đẹp. Dù có đi thăm vài thầy cô cũ để tạo niềm vui cho thầy cô và cũng để thỏa mãn cái "tâm hồn quá khứ" của mình, nhưng tôi chưa bao giờ lớn tiếng tự xưng mình là người có lòng "tôn sư trọng đạo". Vì tôi dư biết về mặt đạo đức, về đối nhân xử thế, đặc biệt là về sự khéo léo trong lời ăn tiếng nói thì tôi phải cúi đầu chào thua và bái phục nhiều bậc cao nhân khác.
Vào "mùa" 20/11, nghe người ta ca ngợi nghề dạy học, tôn vinh nhà giáo tôi cũng thấy vui vui trong lòng, nhưng có lẽ sẽ vui hơn nếu các nhà giáo được tạo điều kiện làm việc tốt hơn để đạt hiệu quả công tác cao hơn.
PhNga - 15/11/2009
=========================
Một số giáo sinh đã ra trường, khi trở lại trường hay trong một dịp tình cờ nào đó gặp lại tôi, vẻ mừng vui không che giấu được vẻ bẽn lẽn trên nét mặt của các em. Các em nêu nguyên nhân này nọ làm các em không liên lạc với tôi (cũng như với các thầy cô khác). Nào là sổ ghi số điện thoại/máy ĐTDĐ bị mất/bị hư; nào là gọi điện cho tôi không được (do tôi không còn xài máy cố định, ĐTDĐ đã 1 lần đổi số);... Khi còn học ở trường thì các em đã có mối quan hệ rất mật thiết với tôi (với các GV nói chung), nhất là các em là cán bộ lớp/Đoàn, vậy mà ra trường rồi thì em không còn liên hệ gì nữa. Có lẽ em nghĩ như vậy thì e rằng các thầy cô sẽ cho là mình đối xử kiểu "hết xôi rồi việc" nên em bẽn lẽn chăng?
Bản thân tôi thì không nghĩ như vậy nên đã nói với các em: 
- Có gì đâu em, cho dù em còn giữ số ĐT của cô mà em không liên lạc thì cũng là điều bình thường. Mấy em ra trường rồi có biết bao công việc phải làm, có biết bao mối quan hệ phải lo. Những em có gia đình riêng, có con cái thì quỹ thời gian rảnh rỗi càng eo hẹp hơn nữa. Thầy cô từ phổ thông đến cao đẳng, đến đại học thì biết bao nhiêu người, làm sao mấy em liên lạc hết cho xuể. Lâu lâu gặp nhau được như vầy, các em chào thầy cô và xưng tên, xưng lớp của mình* để thầy cô không phải căng óc ra để nhớ là quí lắm rồi... Biết các em mạnh khỏe, có công ăn việc làm ổn định và sống hạnh phúc là thầy cô vui lắm rồi…
(* Nói thiệt, tôi rất kị chuyện "người nhỏ" như học trò, cháu chít,... mà đánh đố "người lớn": "Cô/thầy/ông/bà/cô/bác/... có nhớ em/con tên gì/học lớp nào/ở đâu/... không?)
PhNga - tối 14/11/2010

Ngày 30/4/2011 thêm:  Họp mặt với lớp SP Lý K9 ĐHCT

3 nhận xét:

  1. CHÚT TẢN MẠN
    * Tính đến nay thì PhNga đã hành nghề DH được gần 30 năm. Như đa số các GV khác, PhNga luôn giữ "cái tâm" trong sáng, luôn lấy "lương tâm nhà giáo" mà đối xử với "học trò" và có lẽ vì vậy mà PhNga bao giờ cũng nhận được tình cảm từ "trung tính" đến quí mến của họ.
    PhNga gọi là "học trò" cho nó gọn, chứ thật ra, "học trò" của PhNga có nhiều "cỡ" lắm.
    - Ở phổ thông thì đúng là "học trò" (PhNga dạy ở phổ thông được 5 năm)
    - Ở ĐH, CĐ hệ chính quy thì là SV
    - Ở hệ Vừa làm vừa học (VLVH) thì là "học viên"
    Nếu gọi chung thì đó là "người học".
    "Người học" của PhNga bây giờ có người rất thành công trong sự nghiệp. Có người là "doanh nhân" giàu có, có người là CBQL ở các cấp, các trường (PT, CĐ, ĐH),... Về học vị thì không ít người đã là tiến sĩ (học thiệt). Chuyện "người học" hơn người dạy (về mặt này, mặt nọ, về mọi mặt) thì đâu là chuyện hiếm, thời nào cũng vậy.
    Về mối quan hệ với "người học", PhNga đã bày tỏ rất rõ quan điểm của mình trong bài viết gốc ở trên.

    * Dù không muốn, không chờ đợi, thậm chí còn dặn "đừng", nhưng năm nào vào ngày 20/11 PhNga cũng nhận được rất nhiều cuộc ĐT và tin nhắn, email chúc mừng của "người học". Và thường là khi gặp lại PhNga, những "người học" cũ rất mừng. Có người chủ động nhắc và tự xưng là từng là SV cũ của PhNga dù người đó đang có địa vị khá cao trong XH. Đặc biệt, có một SV cũ của PhNga (học K11 ĐHCT và ở lại trường, hiện là tiến sĩ, rất giỏi về chuyên môn, là trưởng bộ môn của con dâu PhNga) đã chủ động nhắc với con dâu là đã từng học với PhNga hồi nẳm, từng đến nhà thăm PhNga khi PhNga bệnh và khi PhNga sinh em bé (giờ là thằng con lớn của PhNga). Nói thiệt PhNga chỉ nhớ mang máng chuyện này.
    PhNga nghĩ, người cao sang mà chịu cúi xuống nhìn một người nghèo khổ và nhận ra rồi tự xưng mình từng là bạn/người quen của người đó thì chỉ có làm tăng giá trị của mình (người cao sang) thôi; Người học trò giờ đã thành đạt, có địa vị cao mà vẫn nhận mình từng là học trò của các thầy cô nào đó mà các thầy cô này vẫn như xưa (không giàu lên, không thăng tiến) hay đã là người "xuống ngựa", điều đó không làm xấu hổ người học trò mà còn ngược lại.
    Thế mà thực tế, có người không dám nhận ông A/bà B từng là thầy/cô của mình. PhNga nghe người khác kể:
    - Có người học trò có 3 mối quan hệ với ông thầy cũ (học trò của thầy, bạn của em thầy, cháu rể của thầy). Khi đã "thành đạt" hơn thầy và gặp thầy (2 lần) ở nơi đông người, nghe thầy giới thiệu với mọi người 2 mối quan hệ (trừ mqh thầy-trò, do ông thầy khiêm tốn không muốn nhắc) thì người học trò này làm thinh luôn! (cả 2 lần đều lờ luôn, tức rõ ràng "ông" học trò này không muốn ai biết mình từng là học trò của ông thầy)
    - Có người gặp thầy cũ của mình (lớn hơn ít tuổi) liền gọi thầy là "anh" tỉnh bơ!
    Hồi PhNga mới vào học năm I, PhNga hay đi tập và thi đấu bóng chuyền cùng với mấy chị khóa trên và dĩ nhiên là gọi họ là "chị". Một "chị" (Phan Thị Mai Khuê) năm thứ tư khi tốt nghiệp ở lại trường làm CBGD và sau đó 3 năm dạy môn Chăn nuôi và làm công tác chủ nhiệm ở lớp PhNga==>cả lớp PhNga gọi "chị" là "cô". Khi PhNga ở lại trường ĐH, "cô" không cho PhNga gọi là "cô" nữa. Nhưng không cho gọi "cô" là việc của cô, vẫn gọi cô là "cô" là việc của mình, một tiếng gọi "thầy"/"cô" có mất mát gì đâu nhỉ? Mình nhận thấy gọi là "cô" thì sướng hơn: có người để mình gọi là THẦY/CÔ thì hạnh phúc biết bao!

    Trả lờiXóa
  2. MỘT NGƯỜI HỌC ĐẶC BIỆT
    (Đã tính trong bụng là sẽ kể cho mọi người nghe về HAI NGƯỜI "HỌC TRÒ" ĐẶC BIỆT TRONG ĐỜI, nhưng bi giờ tôi quyết định chỉ kể về một người thôi, người còn lại để dành đó... vì... nói nhiều quá e sẽ không hay!
    Sở dĩ ở trên tôi nói dài dòng như vậy (vậy mà ghi là "chút tản mạn") là do những điều đó có liên quan đến câu chuyện dưới đây)

    Có một cô giáo của con tôi (xin phép không nói cụ thể của đứa nào, ở lớp nào) đã thể hiện như là một người coi trọng vật chất hơn những thứ khác. Đã nghe tiếng từ lâu nhưng chúng tôi không tránh khỏi (vì chuyện tế nhị). Tuy nhiên, tôi luôn giữ lễ với cô như với những GV khác và không để con mình biết chuyện. Nhưng giữ lễ thì không có nghĩa là tặng quà cáp mỗi dịp lễ, cũng không có nghĩa là cho con đi học thêm. Các con tôi chỉ đi học luyện thi vào năm lớp 12, học Anh văn ở TTNN, còn lại tuyệt nhiên không đi học thêm môn nào, với ai hết. Tôi cũng không tặng quà cho các GV, vì nhiều lẽ, trong đó phần lớn là do thu nhập của mình quá khiêm tốn. À, cũng có ít lần chúng tôi tặng quà cho GV này nọ để tỏ lòng biết ơn và yêu quí, nhưng tặng vào dịp tổng kết năm học, khi việc đánh giá xếp loại đã xong. Sau này thì tụi nhỏ thăm viếng, tặng quà cho các GV cũ ở phổ thông.
    Một trong những "cái lì" của tôi trong đời là ai đánh giá hạnh kiểm, học lực con tôi sao cũng được (giỏi/tốt hay khá cũng không sao; giấy khen, phần thưởng nếu có thì cũng vui mà không có cũng chả sao), xin miễn là nó học hiểu bài, không để mất kiến thức căn bản để không khó khăn khi học lớp trên là được. Tôi không vì sợ con bị "đì" mà phải cho chúng đi học thêm.

    Trở lại chuyện trên, đúng như dự đoán, cuối năm học đó con tôi chỉ đạt học lực khá. Trong năm học, một số HS trong lớp được chọn vô đội tuyển HS giỏi Toán/Văn, con tôi không được chọn, tất nhiên! Nhưng không hiểu sao tôi cứ tin rằng lên lớp trên học lực thực sự của con tôi sẽ vượt xa mấy HS đó và tôi đã tin đúng.

    THỜI GIAN TRÔI QUA... ĐẾN MẤY NĂM SAU...
    Khi dạy một lớp chuẩn hóa GV, tôi thấy có 1 học viên (HV) cứ cố ý nấp sau lưng HV ngồi bàn trên để tôi không thấy mặt. Khi ra chơi, HV đó cũng ngoảnh mặt sang hướng khác để đi ra khỏi lớp. Nhưng tránh sao được, cuối cùng cũng phải chạm mặt nhau. Thì ra cô HV đó là cô giáo tôi nói ở trên. Cô bẽn lẽn nói với tôi:
    - Cô ơi, không ngờ có lúc cô lại dạy em! Em đâu có biết cô dạy ở trường này... Thiệt là... em xấu hổ quá!
    Tôi mỉm cười thân thiện:
    - Ồ, có sao đâu cô! Mình luôn nhớ cô là cô giáo của..., còn mình là phụ huynh. Nhưng dù có quan hệ gì gì đi nữa thì khi bước ra khỏi lớp chúng ta là đồng nghiệp của nhau mà. Mình chưa bao giờ dám nghĩ mình là mình dạy các bạn, mà chỉ nghĩ mình là người nghiên cứu trước phần lý luận để hướng dẫn lại cho các bạn là người đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Chúng ta học hỏi, bổ sung cho nhau mà...
    Rồi cô ta hỏi thăm này nọ có vẻ tử tế, nhiệt tình lắm...
    Nhưng sau đó những "màn" tránh mặt lại tiếp diễn. Khi đi chợ hay bất cứ ở đâu, thấy tôi từ xa cô ta đã tìm lối đi khác để không chạm mặt nhau... cho đến bây giờ...

    Trả lờiXóa
  3. THẮC MẮC, NGẪM NGHĨ
    Đâu phải chỉ mình cô ta là cô giáo của con tôi sau đó trở thành HV của tôi, nhưng đâu có ai nói là "xấu hổ" và tránh mặt tôi như cô mà ngược lại, nhờ "mối quan hệ kép" này mà sau này chúng tôi trở nên thân thiết với nhau hơn.
    Tại sao lại "xấu hổ" và tránh mặt?
    Phải chăng ai đó nếu khi ở trên cao đã không vênh váo, ức hiếp kẻ dưới thì khi là kẻ ở dưới thấp họ cũng sẽ không thấy xấu hổ?
    Mà dạy người ta thì đâu có nghĩa là ở trên cao; học người ta cũng đâu có nghĩa là ở dưới thấp?
    Nghĩ rằng mình dạy người ta là mình "nắm quyền sinh sát" trong tay ư? Nghĩ vậy là lầm rồi. Việc đánh giá đối với người học có qui định hẳn hoi. Khi người học biết được, sử dụng đúng những quyền hạn chính đáng của mình và hiểu đúng tinh thần "tôn sư trọng đạo" thì người dạy không thể tùy tiện được đâu. Dĩ nhiên, trên tất cả những qui định này nọ là lương tâm, uy tín của Nhà giáo và sự đánh giá, lòng yêu kính của người học đối với người dạy.
    Phải chăng, (một trong những) điều đáng quí của mỗi người là làm đúng chức trách của mình chứ không phải ở chỗ họ đứng ở vị trí nào?

    Trong "bối cảnh" người học đối với tôi từ "trung tính" tới quí mến và chúng tôi vui mừng khi có dịp gặp lại nhau thì (đối với tôi) cô HV này quả thật là... ĐẶC BIỆT, là NGỒ NGỘ???

    Trả lờiXóa