19 tháng 11, 2010

Ôi nhớ làm sao! - Út Vân

Đọc bài HÌNH ẢNH THẦY CÔ QUA TỪNG TRANG NHẬT KÝ của bạn Quê Hương, tôi, và có lẽ nhiều bạn khác nữa – những học trò dù không có dịp về thăm nhưng trong lòng luôn nhớ về Thầy Cô - thật xúc động và bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thuở ấy.
Trong con mắt của tôi, Thầy Cô nào cũng tuyệt vời, cũng thương yêu học trò và muốn học trò tiến bộ, dù có những lúc Thầy Cô rất nghiêm khắc.

Tôi nhớ năm lớp Sáu, như bạn Quê Hương nói, chúng tôi rất sợ cô Bạch Yến. Trong giờ học, tôi rất chăm chú nghe cô giảng bài nhưng... nói thật, có lúc tôi thấy một vầng trắng xung quanh đồng dạng với thân hình cô (do tôi quá sợ cô). Nhớ cuối học kỳ I năm đó, tôi được xếp hạng nhất nên cô nhờ tôi viết danh sách lớp. Do hậu đậu, tôi làm hư tờ giấy (viết lộn tên). Cô đưa cho tờ khác, tôi lại làm hư nữa, mồ hôi tôi tuôn ra đầm đìa vì sợ. Đến tờ thứ ba tôi mới viết được. Vậy mà cô không hề rầy la mà còn động viên tôi, thật là ngoài sự tưởng tượng của tôi! Lại có lần, các bạn rủ tôi lại nhà cô chơi, tôi từ chối: “Thôi, tao sợ cô lắm!”. Các bạn nói: “Không sao đâu, học trò tới nhà, cô đễ dãi và nói chuyện vui vẻ lắm!”. Tôi “đánh liều” đi và thấy đúng y như vậy. Một lần khác, nhân lúc cô có việc đi ra ngoài, bọn tôi chen nhau lên bàn giáo viên lén xem điểm. Nhưng thật không may, cô về bắt gặp và đánh phạt mỗi đứa 2 roi vì tội làm gãy bìa cuốn sổ của cô. Là đứa nhát đòn nên đến lượt xòe tay cho cô đánh, tôi mếu máo: “Thưa Cô, em không sờ tay vào sổ, em chỉ liếc nhìn thôi.” Cô bật cười và tha cho tôi và các bạn còn lại (Hồi tưởng lại, chắc bộ dạng tôi lúc đó rất buồn cười?). Ra đời, tôi cũng làm cô giáo, càng ngày tôi càng hiểu tấm lòng của Thầy Cô. Bây giờ có ước ao cỡ nào đi nữa cũng không còn được ngồi ở bàn học trò để được hưởng sự nghiêm khắc như vậy của Thầy Cô! Phải không các bạn?

Cô Mỹ Kiên dạy Vạn vật và Vật lý. Cô có vóc dáng đẹp, tính tình rất hiền dịu. Cô là thần tượng của tôi thuở ấy. Hôm nào xong bài sớm, cô kể chuyện cho chúng tôi nghe (mỗi tiết một đoạn), như truyện “Con cóc che dù”,…Tôi nhớ bạn Lê Thanh Nga nghe kể xong còn vẽ hình con cóc che dù bằng lá tía tô, rất giống.

Cô Đăng Khoa dạy môn Pháp văn thì xinh đẹp như một cô tiên. Tôi nhớ giờ đầu học cô, cô cầm quyển sách (hoặc cây viết chì,…) lên và hỏi: “Qu’est-ce que c’est?” Nhiều bạn giơ tay trả lời, chỉ có tôi và số ít bạn khác (cũng ở quê mới lên như tôi) lúng túng, ú ớ không biết gì hết. Sau đó, cô cho bài và dạy đọc kỹ lưỡng. Tôi về nhà miệt mài vừa đọc, vừa viết từ để thuộc. Tiết sau, cô gọi tôi trả bài, thấy tôi thuộc và đọc được, cô ngạc nhiên và vui lắm. Tôi được cô cho 17 điểm với lời phê "Très bien" trong tập. Cuối giờ, cô đến bàn tôi hỏi thăm nơi ở và rủ tôi đến ở chung với cô. Nhưng tôi từ chối vì tôi rất sợ Thầy Cô, dù trong lòng rất quí mến. Đa số bọn tôi hồi đó là vậy, quí mến, kính nể Thầy Cô nhưng luôn tự giữ một khoảng cách cần thiết. Thỉnh thoảng Cô Khoa lên thăm bà con ở gần nhà tôi, mỗi lần thấy Cô lên tới là tôi trốn vô nhà và nhìn Cô qua khe hở của cánh cửa. Giờ nghĩ lại thật mắc cười, đúng là con nít!

Thầy Nghĩa dạy chúng tôi môn Toán năm lớp Bảy. Thầy có giọng giảng bài rất trầm ấm. Thầy đã góp phần giúp chúng tôi yêu toán học qua những tiết dạy lý thú, đặc biệt là qua chuyện kể: “Có một nhà toán học đi lạc vào rừng và bị một bộ tộc ăn thịt người bắt. Trước khi giết, bọn chúng cho ông một ân huệ là được nói một câu, về bất cứ vấn đề gì. Nếu nói đúng thì được chết treo; nếu nói sai thì bị chết chìm. Và nhà toán học ấy đã nói: “Tôi sẽ bị chết chìm”. Thế là loay hoay mãi chúng cũng không thể giết được ông và buộc phải thả ông về".

Năm lớp Chín, lớp chúng tôi học môn Vật lý với thầy Trí Huệ. Thầy dạy rất dễ hiểu. Tôi còn nhớ rõ như in cách Thầy dạy về qui tắc bàn tay trái…Thầy vừa làm GV vừa làm giám thị. Tuy rất nghiêm khắc với học sinh nhưng Thầy rất dễ dãi và “cưng” những học trò chăm ngoan (trong đó có tôi, hihi…Riêng tôi thì ngoan là bởi…tại…vì…rất nhát). Thầy cũng dạy tôi năm lớp Năm. Nhớ hồi mới lên lớp Năm, khi biết Thầy dạy, chúng tôi rất buồn vì từ nhỏ chỉ học với cô giáo. Nhưng rồi chúng tôi dần dần thấy thương mến Thầy như đã thương mến các cô giáo của mình. Có lần Thầy đi thăm bà con ở xóm tôi, Thầy gọi cho tôi quá giang về nhà nhưng tôi từ chối, cũng vì tính nhút nhát và “sợ” Thầy Cô. Nhớ vào cuối năm đó, Thầy dạy chúng tôi tiết mục múa (hồi đó gọi là “vũ”) MỘT ĐÀN CHIM NHỎ để trình diễn vào lễ Phát thưởng (giờ gọi là lễ tổng kết). Đội múa gồm ba bạn nam ở lớp Thầy Lộc, ba bạn nữ ở lớp tôi (gồm Bé Tấn, Ngọc Ánh và tôi). Có chuyện mắc cười: Tía của Bé Tấn rất khó, khi nghe có người xì xầm nó đi học vũ, ông gọi nó lại và nói: “Mày tập vũ ở trường ra sao, vũ cho tao xem!”. Bé Tấn không chịu vì mắc cỡ. Ông lại nói: “Nếu không chịu vũ thì ăn đòn!”. Thế là Bé Tấn nhà ta thà ăn đòn (thật) chứ không chịu vũ cho Tía xem! Ôi, nhắc Thầy Cô lại “dây cà ra dây muống”: nhớ bạn bè!
Còn bao nhiêu chuyện vui buồn nữa? Còn nhiều lắm các bạn ôi! Khi rảnh mình sẽ viết tiếp. Mình cũng muốn nghe các bạn nói, nếu có người kể cho nghe dài dài cũng không chán đó các bạn ạ.
Phan Thị Vân - 12/12/2007 
================================
* PhNga chú thích thêm: 
- Bài hồi ký trên của Út Vân đã đăng ở DĐ THTC.
- Hồi đó Út Vân khá xinh xắn, ngoan hiền, học giỏi nên được các thầy cô cưng lắm nhỉ? Bây giờ Út cũng dễ thương, nhân hậu với mọi người. Út rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc. PhNga mát lòng mát dạ vì Út được ông xã cưng, có hai thằng con đẹp trai, năng động, giỏi giang, tình nghĩa.
- Với Út: Út nhắc chị Nga mới nhớ cô Đăng Khoa là chị em cô cậu với chị Lê Thị Long (chị Ngộ) ở xóm mình.

Út Vân năm lớp Chín (1974-1975)

Út Vân và Bé Tấn năm 2010

1 nhận xét:

  1. Thời học đại học, Út học sau chị Nga 3 khóa, lớp Út cũng cách lớp của chị mấy căn. Thỉnh thoảng Út ghé lớp để gặp chị Nga. Thấy Út hiền lành, xinh xắn, dễ thương, hay bẽn lẽn, mấy anh trong lớp chị Nga rất quí Út, trong đó rõ nhất là 2 anh... Rồi mấy năm sau đó 1 anh (Trần Công Nghiệp, Chợ Lách-Bến Tre) đã rinh được Út về nhà để ngày nay có thêm 2 đực rựa "Trần Công" nữa là Trần Công Minh và Trần Công Danh. Hihi... mới đây mà đã mấy chục năm rồi Út nhỉ??? Nghĩ cũng thật thú vị: bạn học của chị Nga biến thành em rể chị Nga.

    Trả lờiXóa