Thế nhưng từ hơn 50 năm trước, tác giả của khúc nhạc Valse tươi sáng, trẻ trung, yêu đời ấy đã vĩnh viễn đi xa ở độ tuổi 25... Và nào mấy ai biết được những tình yêu, khát vọng cháy bỏng đã đi qua cuộc đời ngắn ngủi và tài hoa của ông?
Kể chuyện về vài kỷ niệm với nhạc sĩ La Hối, và sự ra đời của ca khúc Xuân và tuổi trẻ, ông Thái Chi Hải - người bạn tri kỷ của nhạc sĩ cho biết:
Hồi ấy tôi học chữ Pháp, La Hối học chữ Tàu, nhưng chúng tôi lại gặp và quen nhau trong tổ chức thanh niên chống Nhật, hợp nhau, thích nhau, có lúc chơi nhạc, la cà tâm sự cùng nhau đến hai, ba giờ sáng.
Khi mới thành lập Société Philhamonique, La Hối quen biết với một cô giáo Huế tên Cầm. Thỉnh thoảng chúng tôi thường mời cô Cầm đi nghe đàn hát xuôi dọc sông Hội An. Đây có thể được xem là mối tình đầu tiên của La Hối. Anh rất say đắm và thường tâm sự với tôi nỗi lòng của anh về mối tình này.
Về sau khi hay tin La Hối và Tạ Phước Khương (một người bạn thân cùng chống phát xít) bị Nhật theo dõi, tôi gấp rút bào cho hai anh biết kịp thời. Còn nhớ trước khi đi sang Lào, tâm trạng La Hối rất muốn sớm trở về nên dặn tôi, nếu tình hình xấu đi thì đánh dây thép: “Hàng xấu quá!”, nếu tình hình tốt thì đánh: “Hàng tốt!” để anh trở về ngay. Đó là điều tôi nhớ mãi không quên.
La Hối sang Lào, sang Trung Quốc, khoảng một năm sau lại trở về. Lúc này, là thời điểm anh yêu cô Bộc Xê - một cô giáo dạy nhạc người Hoa. Mối tình này với anh cũng hết sức tha thiết, nhưng chúng tôi thường tìm cách phá vỡ để anh bỏ đi, thoát sự theo dõi của Nhật.
Năm ấy, vào ngày 30 Tết, tôi nhớ trời rất đẹp, cha tôi đang sửa soạn mấy chậu bông, trong khi cả nhà vừa cúng ông Ba, La Hối đột ngột chạy đến báo tôi kết quả ca khúc anh ấp ủ suốt lâu nay: “Tôi làm xong rồi! Chắc không sửa chi nữa. Bây giờ, tôi đàn anh xướng, tôi xướng anh đàn”. Chúng tôi say sưa với khúc nhạc mới. La Hối hỏi tôi nên đặt tựa ca khúc ra sao? Tôi nói, nên đặt là Printemp et jeunesse (Xuân và tuổi trẻ). Không ngờ cụm từ đó gắn liền với ca khúc này...
Phải chăng từ hai cuộc tình mong manh ngắn ngủi mà vô cùng nóng bỏng đã góp phần đem lại niềm cảm xúc sáng tạo thành công cho ông. Vào năm 1946, nhà thơ - đạo diễn Thế Lữ cùng nhóm nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Bùi Công Kỳ, Đào Trọng Từ thuộc đoàn ca múa nhạc Anh Vũ đến biểu diễn nghệ thuật tại Hội An đã hết sức yêu mến giai điệu Xuân và tuổi trẻ(lúc này vẫn gọi theo tiếng Pháp Printemp et jeunessevì chưa có lời ca)... Tìm hiểu cuộc đời tài hoa của người nhạc sĩ đã ra đi quá sớm, Thế Lữ xin phép gia đình viết lời cho nhạc phẩm nói trên. Sau đó, Nguyễn Xuân Khoát phối nhạc, Văn Chung soạn múa, và lần đầu tiên được biểu diễn với ban nhạc gồm: Dương Minh Ninh (piano), Dương Minh Hoà (bano), Trương Đình Quang, Hoàng Tú Mỹ (bano), Trương Văn Đáng (saxo ténor), Lê Văn Miêng (bộ trống), nhóm hát Nguyễn Hữu Thiết, Tố Nga, Duy Liễu, đội múa có các thiếu nữ Hoa - Việt của phố cổ Hội An.
Những năm kháng chiến, Xuân và tuổi trẻ theo chân những người yêu nhạc vào các vùng chiến khu đến tận Nam bộ, ra tận Việt Bắc. Nhớ thương La Hối, nhạc sĩ La Xuân viết thành bài ca Mộng Doãn Chánh (tên thật La Hối là La Doãn Chánh), sau đổi thành Giấc mơ du tử và với người Hội An còn có tên Hội An ngày về.
Xuyên suốt nửa thế kỷ, Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối vẫn là một ca khúc trẻ trung, yêu đời đầy mới mẻ. Với chúng tôi, thế hệ từng ôm sách ngồi dưới mái trường trung học Trần Quý Cáp (Hội An) lại càng gắn bó biết bao. Bởi, nơi này, chúng tôi còn gặp những người thầy tài hoa - cháu của La Hối như La Gia Đinh (dạy nhạc), Hà Sĩ (dạy đàn violon). Ngay khi vừa mới làm quen với nhịp 3/4, thầy La Gia Đinh đã dạy cho chúng tôi biết những sáng tác của nhạc sĩ La Hối và kể những giai thoại về cuộc đời nghệ thuật của ông. Ông có chừng trên 20 tác phẩm, chủ yếu về đề tài tuổi trẻ được soạn vào giai đoạn ông bị biến binh Nhật theo dõi, tình cảnh sống khó khăn nhất, lại là tác phẩm khêu gợi niềm hưng phấn, tin yêu cuộc đời hơn cả.
Theo: Báo Văn Hoá
Theo: Báo Văn Hoá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét