25 tháng 2, 2011

Về "người bạn" trung thành của tôi

CÁI DUYÊN VỚI ÂM NHẠC NÓI CHUNG
Là người Việt Nam, thuở còn bé thơ ai cũng đã từng có cái hạnh phúc được thiếp vào giấc ngủ trong tiếng ru ầu ơ của mẹ/bà/chị. Đó là những bản nhạc được nghe đầu tiên trong cuộc đời của mỗi người. Tôi cũng có cái hạnh phúc đó. Khi lớn hơn, nghe má/chị hai hay các bà, các mẹ, các chị trong xóm ru con/cháu/tôi cũng lắng nghe một cách thích thú rồi thuộc lòng hồi nào hổng hay. 
Thời học tiểu học, mấy thầy cô hầu như rất ít dạy HS hát. Nhưng tôi nhớ rõ có lần thầy dạy lớp Nhất (lớp Năm bây giờ) dạy chúng tôi bài hát sinh hoạt của thiếu nhi "Câu cá bắt cua" thật vui. (Chiều nay em đi câu cá và đem rá theo bắt cua. Làm sao cho được kha khá về cho má nấu canh cua. Ô kìa con cua, ô kìa con cua…(Suỵt!) Mình đừng la lớn nó chui xuống hang. Mình đừng la lớn nó chui xuống hang). Cũng vào thời này, tôi đã biết mê nghe cải lương và mấy bản vọng cổ qua radio và "máy cúp". Cải lương thời đó thật hay, mấy bản vọng cổ, tân-cổ giao duyên cũng cực hay. (Có những tuồng, những bài tôi còn thuộc đến bây giờ nhưng không đầy đủ.) Từ chỗ thích và thuộc lòng, chúng tôi bày ra một trò chơi mới: Vào những đêm trăng sáng, chúng tôi diễn lại những tuồng cải lương. Bằng những "đạo cụ" tự lo (lấy khăn tắm buộc lên cổ làm áo hoàng tử/hiệp sĩ; lấy dây chuối thắt ngang lưng làm dây đai, vót tre và tra vào 1 đoạn dép Lào cũ làm kiếm; tán nhuyễn phấn học trò thoa trét lên mặt; lấy lọ nồi vẽ chân mày; lấy bông mười giờ vò nát để tô đỏ môi,...), chúng tôi đóng các vai cũng đầy đủ những hỉ, nộ, ái ,ố,... 

Lên bậc trung học, được học môn âm nhạc, bọn tôi rất thích và nhờ đó mà biết và thuộc thêm nhiều bài hát sinh hoạt thật hay. Gần đây, người ta đã phát hành lại những bài đó với đĩa CD có tên "Tuổi trẻ ca hát". Hồi đó, mỗi khi gần Tết hoặc sắp nghỉ hè, các thầy cô thường cho HS vui chơi văn nghệ, hết hát hò lại đến chơi trò chơi, thật vui. Tôi cũng tham gia đóng góp và bài đầu tiên tôi hát trong lớp năm lớp Đệ Thất là bài "Đêm buồn tỉnh lẻ" (hì hì…con nít mà hát bài người lớn! Mấy "ca sĩ" khác cũng vậy thôi), vừa hát vừa run như cầy sấy vì khớp. Từ năm đó, cũng như một số bạn khác, tôi có cuốn sổ để ghi chép nhạc, thường là chỉ chép lời, thỉnh thoảng cũng chịu khó kẻ khung để chép cả nhạc. Hết cuốn này thì thêm cuốn khác. Có ai tin rằng tôi còn giữ một trong số những cuốn đó cho đến năm ngoái (sau đó thì bị mối ăn tiêu rồi). Bây giờ bọn trẻ rất thuận lợi trong việc sưu tầm và lưu trữ những bản nhạc yêu thích. Mỗi thời mỗi khác mà, nhỉ? Cũng giai đoạn này, trong xóm có một ông anh học trong trường Bán công biết chơi rất hay đàn Mandolin và cả đàn Guitar thường đến nhà tôi chơi và đàn cho bọn nhóc tụi tôi tập hát. Khi tôi và đứa em gái hát, ông nói: "Hai đứa này hát được đó nghen!" 
Lên cấp 3, khi vào đồng để làm cỏ, nhổ mạ, cấy lúa (khoảng từ năm 1972, nhà tôi làm thêm mấy công lúa Thần Nông), mấy chị em tôi bao giờ cũng mang kè kè theo cái radio cổ lỗ sĩ để nghe nhạc. Bọn tôi thích các bài: Hạ trắng, Rừng xưa đã khép, Lời buồn thánh, Diễm xưa, Thiên Thai, Bến xuân, Tình ca, Trả lại em yêu, Ngày xưa Hoàng Thị, Ngậm ngùi, Tình hoài hương,…(còn nữa). 
Túm lại, tôi thấy mình thật may mắn khi được nghe nhạc từ nhỏ, đặc biệt là được học môn âm nhạc ở trường. Dù là không nhiều, không sâu nhưng đó chính là nền tảng giúp mình sau này có một thị hiếu thẩm mỹ về âm nhạc, một khả năng ca hát không đến nỗi nào. Tôi thấy rằng việc hiểu biết sơ sơ về âm nhạc, biết hát hò chút đỉnh cũng là một cái hay trong cuộc sống. Ngoài việc có thể xả stress, ta còn dễ kết bạn, dễ gây cảm tình nơi người khác nữa. Các bạn biết không, khi tôi đi tham gia công tác giúp dân diệt rầy nâu năm 1978 ở một vùng sâu nghèo khó, tôi đã bàng hoàng khi phát hiện ra rằng bọn con nít ở đó không hề biết hát một câu nào (cũng như chưa hề thấy con trâu, con bò nói chi là đến máy cày; tưới nước cho cây thì múc bằng gàu!). Thế là tối tối, bọn tôi ra sức dạy cho chúng hát những bài thiếu nhi đơn giản. Từ đó, các cháu rất quí mến chúng tôi. Đến khi chúng tôi chia tay, các cháu đã khóc mù trời. Ôi cảm động biết bao!


CÁI DUYÊN VỚI NHẠC TRỊNH NÓI RIÊNG

Ngày 21/5/2000 là ngày thông xe cầu Mỹ Thuận. Sở dĩ tôi nhớ chính xác được ngày này vì có một sự kiện đặc biệt xảy ra với tôi. Lúc đó tôi đang đi dạy thỉnh giảng ở tỉnh bạn cùng với cô bạn (Diệu Loan). Đang ngủ nửa đêm ở nhà khách của trường thì bọn tôi nghe tiếng gõ cửa phòng. Khi tôi mở cửa thì mới biết một chị là CBGD của trường ĐHSPKT TP HCM cũng được mời dạy ở đây, vì bị kẹt xe ở Mỹ Thuận nên đến nửa đêm chị mới tới. Trưa hôm sau, chị lên văn phòng trường mượn về cái máy casette SONY to tướng và 2 băng nhạc. Chị bảo: “Hôm qua bị kẹt xe suốt ngày, nếu không có mấy băng nhạc này thì làm sao mình chịu nổi!”. Thì ra đó là 2 băng nhạc Trịnh của tài xế (của ông HT trường): BÊN ĐỜI HIU QUẠNH và LẶNG LẼ NƠI NÀY. Trời ơi, nhạc Trịnh với giọng hát Khánh Ly điêu luyện hơn thời trẻ cộng với kỹ thuật hòa âm phối khí và âm thanh tuyệt hảo làm bọn tôi chết mê chết mệt. Bài MỘT CÕI ĐI VỀ-đỉnh cao của chủ đề về thân phận con người-mới tuyệt vời làm sao! Theo tôi, không thể có ai hát bài này hay được như vậy! Tối đêm đó, bọn tôi vừa ngồi soạn đề vừa nghe nhạc, đến 00h rồi 01h sáng mà đầu óc vẫn tỉnh như sáo. Lại bài IM LẶNG THỞ DÀI, càng hợp thời hợp cảnh! Ôi còn gì hay hơn nữa! Trước và sau 1975, bọn tôi cũng biết một số bài hát của TCS nhưng có khi nào được rảnh rỗi và có cơ hội được thưởng thức trọn vẹn như vậy đâu. Do đầu tắt mặt tối và do một phần nhà tôi chưa có điện! Trước đó tôi chỉ có băng “SƠN CA 7” với giọng Khánh Ly thời trẻ (nghe bằng cái máy casette TQ xài pin, đã bán ve chai rồi) mà ông anh rể tôi cũng như vợ chồng đứa bạn khi đã sang (băng) được thì lúc nào cũng “ôm” nghe. Trong 2 băng nhạc mới biết này có những bài quen thuộc và những bài thật lạ đối với bọn tôi. Quá thích! Thế là hôm sau đem băng ra dịch vụ nhờ họ sang lại giùm. 
Về nhà, tôi đi mua ngay một máy casette loại bỏ túi hiệu SONY để tiếp tục nghe nữa. Rồi tôi cũng khoe để chia sẻ với nhiều người, họ cũng khoái và nhờ tôi sang lại giùm. Ra tiệm sang băng, tôi nghe chú chủ tiệm bảo: “Ở đây em có đĩa đó, em sẽ sang cho chị từ đĩa cho nó hay” rồi chú đưa cho tôi nguyên một cuốn danh mục các đĩa. Tôi phát hiện là tiệm chú có rất nhiều đĩa nhạc Trịnh khác, và cả mấy cái đĩa nhạc tiền chiến với những bản nhạc mà tôi để ý tìm mấy chục năm nay, hỏi thăm rất nhiều người nhưng không ai có, như HÒN VỌNG PHU, THIÊN THAI, BẾN XUÂN, CON THUYỀN KHÔNG BẾN, ĐÊM ĐÔNG,… Chú chủ tiệm cũng rất hợp gu với tôi. Khi hai chị em trò chuyện, hỏi thăm nhau, tôi mới biết thêm rằng chú là “đồng môn” của tôi ở trường ĐH, học sau tôi 12 khóa, đã “mất dạy” và chuyển sang làm nghề bán+sang băng-đĩa. Chị em tâm đắc nhau đến nỗi về sau khi tôi nhờ sang băng, chú đã không lấy tiền công nữa kèm theo câu nói “Chị em mình mà chị!”. Từ khi tôi mua được máy casette sang được từ đĩa CD và từ băng sang băng, tôi đã nhiều đêm làm mồi cho muỗi đói để sang băng tặng không cho người này, người nọ hoặc chỉ lấy lại tiền băng trắng. Đó là niềm vui vì đem lại niềm vui cho người khác. 


Sau khi TCS mất-ngày 01/04/2001, hàng loạt những đĩa nhạc TCS được phát hành (chính thức và lậu) và bán đầy ở các tiệm băng-đĩa, tôi tha hồ sưu tầm và lưu trữ. Từ những đĩa CD, đến VCD, đến MP3. Từ chỗ yêu nhạc Trịnh, tôi đã có thêm những người bạn tâm giao. Năm 2003 tôi đã đoạt giải nhất Karaoke khi hát một nhạc phẩm của TCS-bài BIỂN NHỚ (Hi hi… hay ho gì đó mà khoe! Thấy mà ghét!?). 

Khi chưa biết "lên mạng" là gì, tôi đã tốn khá nhiều tiền sưu tầm chẳng những những băng-đĩa nhạc mà còn những sách-báo nói về TCS. Khi chú em "đồng môn" đi dạy lại và bỏ nghề bán băng-đĩa, mấy mẹ con tôi thường ghé một tiệm khác ở CT để lùng các đĩa nhạc yêu thích, ghé thường đến nỗi quen luôn với cô chủ tiệm. Khi biết tôi là người cùng quê (thú vị thật!) thì cô càng yêu quý mẹ con tôi hơn.

Sau này thì lên mạng tha hồ mà tìm thêm, tải về rồi nghe thẳng trên máy VT, những bài trên đĩa cũng được bọn nhỏ chép vô máy để "làm của". Vì vậy, sau này rất ít khi bọn tôi nghe nhạc qua cái đầu đĩa như trước. Lâu lâu tôi mới ghé tiệm cô một lần và khi đó cô rất mừng rỡ. Tình đồng hương mà!

Nhạc Trịnh! Bọn nhỏ nghe cũng tấm tắc "Sao lời ca hay quá!". Chúng đặc biệt thích ĐÊM THẤY TA LÀ THÁC ĐỔ (Một đêm bước chân về gác nhỏ. Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi…), BÊN ĐỜI HIU QUẠNH (Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì…), DẤU CHÂN ĐỊA ĐÀNG (Trời im gió và mây về ngang bên lưng đèo…), RU TA NGẬM NGÙI (Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên…), RU ĐỜI ĐI NHÉ, RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG, LỜI MẸ RU,… Mặc dù thích nhưng chúng ít nghe vì "Hay thật, nhưng sao nghe thấy buồn quá Mẹ ơi!". Do đó, tôi chỉ nghe "thả cửa" khi nào tụi nó đi vắng hết.

Túm lại, dù trước đó tôi đã biết một số bài nhạc Trịnh nhưng sự kiện kẹt xe ở cầu Mỹ Thuận ngày 21/05/2000* đã vô tình đưa tôi đến với "thế giới nhạc Trịnh" một cách sâu sắc và cuồng nhiệt hơn. Dĩ nhiên đó là cơ hội, còn cái thuộc về "cảm nhận", thuộc về xúc cảm-tình cảm là do bản thân mình: tôi không hề theo đuôi ai về thị hiếu, tôi hoàn toàn độc lập đó các bạn. Hơn nữa, tình cảm mà, nó luôn luôn mang tính chất tự nguyện.

Đã nghe nhạc Trịnh cùng các nhạc phẩm tiền chiến, một số bài về tình yêu trong sáng, về quê hương đất nước vào khoảng năm một chín tám mươi mấy thì làm sao "cảm" nổi một số bản nhạc thô thiển, trần trụi, rẻ tiền ngày nay, những bản nhạc mà một số nhạc sĩ lão thành đã đánh giá:
chỉ là những phế phẩm!
Chuyện nghe/mê ca nhạc của tôi là như vậy. Còn của mọi người thì sao nhỉ?

3 nhận xét:

  1. Chị nhắc làm em nhớ Bạc Liêu quá, nhớ cái cảm giác lần đầu tiên nghe 2 cuộn băng; Bên đời hiu quạnh và Lặng lẽ nơi này quá. Đó là những cảm xúc khó phai. Và nhớ anh Vinh nữa, cũng là người mê TCS, "TCS chết anh buồn quá em ơi! Không thiết gì nữa hết".
    Đúng như Khánh Ly nói: NS rồi sẽ ko còn, nhưng ca khúc là mãi mãi. Khổ một nỗi nhạc ông Trịnh thì phải là giọng hát cô Khánh Ly, vì vậy em ko thể chấp nhận nghe nhạc TCS ở bất cứ live show nào cả ngoài KL. Hai người này có duyên với nhau và để cho người đời được thưởng thức cả một kho báu âm nhạc. Em kính yêu họ.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Dinh chứ DL, Phan Anh Dinh! PhNga nhớ kỹ tên anh vì anh cùng họ với PhNga. Nhớ khi tụi mình mới xuống CĐBL dạy, có những buổi cơm của tụi mình, anh đứng bên ngoài hỏi thăm tụi mình ăn cơm có ngon miệng không.

    Làm sao quên được một ông anh, một người hiệu trưởng tận tụy, bình dân, nhân hậu, được tất cả GV và SV yêu quí. Khi anh còn là hiệu trưởng, mỗi lần gặp PhNga ít dám nói gì; nhưng khi anh hết làm HT, có lần PhNga đã gặp anh và nói: "Anh Dinh ơi, em có bà con xa với anh đó nha, em cũng họ Phan nè. Em nghe nói anh làm thơ hay lắm và in thành tập nữa, đúng hông?" Anh cười rồi lấy tập thơ ký tặng cho hai đứa mình. Tập tặng PhNga, anh đề "Thương tặng em gái"

    Khi TCS mất, PhNga ở CT. Tuần kế đó PhNga xuống BL với 1 xấp những bài viết về TCS cắt ra từ các báo, PhNga đưa cho anh mượn đọc. Hôm sau anh trả lại với câu nói "Em sưu tầm hay quá vậy? Anh đã đọc trong nước mắt!"

    Lần anh đưa con gái lên CT dự thi TSĐH, hai đứa mình đã đến thăm anh. Nào ngờ đó là lần gặp cuối cùng, DL nhỉ??? hic hic...
    Có khi mình bảo ông trời bất công vì đã có quá nhiều người hiền gặp nạn.

    Nhạc TCS đã giúp lòng mình lắng dịu rất nhiều, bình thản rất nhiều trước những được-mất của cuộc đời đó DL.
    Anh Dinh ơi, tụi em luôn nhớ anh, mong anh ngủ yên giấc ngủ nghìn thu.

    Trả lờiXóa
  3. Chị ơi! Là Phan Anh DZINH. Cái tên gây nhiều ấn tượng. Vậy mà ko hiểu sao em lại có thể viết nhầm được, cứ tiếc hoài vì cái sự quên kỳ cục đó. Anh Dzinh dễ thương quá mà. Một hiệu trưởng CĐSP thộc dạng hàng hiếm, hàng độc. (Cáo lỗi anh vì em dùng từ "tuổi teen" để bình phẩm anh). Anh đi rồi, xa anh rồi, tụi em mới hồn nhiên nói gần gũi anh, mạnh dạn nói nhớ anh. Mong anh ở đâu đó phù hộ cho tụi em có thêm nghị lực để sống "hồn nhiên" với cuộc đời này và để rồi sẽ "bình minh"...

    Trả lờiXóa