2 tháng 11, 2011

Về một bài báo của ca sĩ Ánh Tuyết

Ca sĩ Ánh Tuyết trên giường bệnh viết về 'phong bì bác sĩ'

"Đừng nên đổ lỗi cho ai! Chúng ta đang đối mặt với một căn bệnh thời đại: bệnh của những người có tiền và những người không tiền. Người có tiền cho rằng tôi cần là phải được. Người không có tiền thì làm thằng cùi và quậy".
Tệ phong bì bệnh việnBệnh viện quá tảiBệnh nhân tử vong

Giọng ca "Ô mê ly" đang nằm điều trị tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM sau ca mổ cột sống. Là một bệnh nhân nan y thường xuyên ra vào viện, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ với VnExpress.net ý kiến về tệ phong bì bệnh viện, tình trạng bệnh nhân chết do sự tắc trách của y bác sĩ, rồi bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung... Dưới đây là bài viết của nữ ca sĩ 50 tuổi thành danh với những ca khúc do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Không thể ngồi để viết, Ánh Tuyết nhờ một người bạn chấp bút.

Trước những phản ánh liên tục về người nhà bệnh nhân rượt đuổi chém thầy thuốc trong bệnh viện hay tới tận nhà bác sĩ đập phá, cướp bóc… tôi muốn nói lên tiếng nói của mình.
Là một ca sĩ mang đủ các chứng bệnh, dù trong người tôi luôn bị những cơn đau hành hạ nhưng khi đứng trên sân khấu tôi vẫn hát bằng tất cả lòng đam mê đầy nhiệt huyết, cố gắng trau chuốt giọng hát của mình để không phụ lòng khán giả. Một bác sĩ cũng vậy. Có thể vì nhiều lý do (do căng thẳng, áp lực, do bị người nhà bệnh nhân rầy la…) khiến họ từ chối ca bệnh nhưng khi họ đã bắt tay vào làm là sẽ làm hết trách nhiệm của mình, để mang lại điều tốt nhất cho bệnh nhân và cả cho uy tín của một người bác sĩ.
Ca sĩ Ánh Tuyết đang được các bác sĩ chăm sóc sau ca phẫu thuật mới đây. Ảnh: Ngân Hoa
Ca sĩ Ánh Tuyết đang được các bác sĩ chăm sóc sau ca phẫu thuật mới đây. Ảnh: Ngân Hoa

Hiện tại tôi vẫn phải nằm theo dõi sau phẫu thuật tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM. Trường hợp của tôi là một ca mổ đặc biệt khó và nguy hiểm. Tôi đã từng mổ hai lần cột sống cổ và đốt sống lưng, cấu trúc bình thường đã bị phá vỡ, nếu phẫu thuật không khéo rất dễ dẫn đến bị liệt. Do vậy các bác sĩ bảo rằng tôi cần phải đánh giá trước mọi chuyện sẽ gặp. Chỉ cần “chệch một ly là đi một dặm”, và cái chệch đó phải trả giá đắt bằng biến chứng thần kinh của bệnh nhân kéo theo những hệ lụy rất lớn.
Bên cạnh đó, ngoài chuyện phẫu thuật giải ép các mô thần kinh cho đốt sống lưng thì còn phải cố định lại và sửa lại dáng cong bình thường cho cột sống. Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Minh Lý, Trưởng khoa cột sống A Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM là một trong hai phẫu thuật viên thực hiện ca mổ khó kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ của tôi. Trong suốt quá trình mổ không phải truyền máu.
Tỉnh dậy nhìn ánh mắt hạnh phúc của hai bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật, tôi hiểu ca mổ rất thành công dù mới trải qua một ngày đầu tiên sau cuộc đại phẫu.
Bị mắc rất nhiều bệnh và từng trải qua 7 cuộc đại phẫu, hơn ai hết tôi hiểu rằng mình cần phải lạc quan và tin tưởng vào bác sĩ, tạo cho họ cảm giác thoải mái.
Lần mổ này, sau khi tiền gây mê, tôi bắt đầu phiêu diêu, bác sĩ chuẩn bị chụp ống thở oxi. Tôi sực nhớ tới một việc nên bảo: “Khoan! Tôi muốn kể cho ê kíp mổ nghe một câu chuyện vui. Câu chuyện về bác sĩ quan liêu”. Các bác sĩ rất hưởng ứng. Và tôi kể một chuyện hơi "tiếu lâm" một chút không tiện nêu ở đây, song cả tôi và các bác sĩ đều cười sảng khoái, rồi tôi chìm vào giấc mê.
10 năm về trước tôi bị hẹp đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm, cũng tại bệnh viện này người thầy của bác sĩ Lý là Giáo sư, bác sĩ Võ Văn Thành và bác sĩ chuyên khoa mổ Phạm Ngọc Công đã mổ đốt sống cổ cho tôi. Phẫu thuật đốt sống cổ, cách an toàn nhất là mổ phía trước. Vì muốn bảo toàn tính thẩm mỹ và nguy cơ chạm dây thanh âm sẽ ảnh hưởng đến giọng hát của ca sĩ nên các bác sĩ phải quyết định chọn mổ phía sau cổ, dù biết rằng sẽ khó khăn hơn gấp bội bởi đây là trung tâm hệ thống thần kinh. Ca mổ ngày ấy thành công, đốt sống cổ của tôi được đặt thêm 3 miếng gốm. Và ca mổ hôm nay lưng của tôi lại có thêm hai chiếc nẹp và 6 con ốc bằng titan.
Kể ra câu chuyện của tôi, không phải tôi đang cố thanh minh cho các bác sĩ, cho bệnh viện hay cho bệnh nhân. Con người có cái may cái rủi, bác sĩ có giỏi trời đi nữa thì cũng có lúc bị hên xui may rủi. Ai cũng muốn làm việc tốt nhất cho bệnh nhân nhưng những yếu tố hên xui may rủi, cái thời vận, thời khắc của mỗi người bệnh thì khác nhau. Và những cái xui rủi xảy đến cũng có thể do chính bản thân mình không gặp may.
Tôi thừa nhận cũng có trường hợp bệnh nhân đưa tiền ra thì được quan tâm ngay nhưng vẫn còn rất nhiều những y bác sĩ có tấm lòng bao dung, nhân hậu. Không riêng gì bệnh viện mà bất cứ ở đâu trong xã hội chúng ta cũng vậy. Ngay khi bạn bước vào một nhà hàng ăn, cũng tô phở với giá tiền như nhau nhưng người ăn mặc lịch sự thì được quan tâm, còn người mặc áo rách thì cứ ngồi đợi đấy hoặc có khi mang tô phở ra đặt xuống một cái rầm. Chính điều này cũng khiến tôi cảm thấy buồn, âu đó cũng là căn bệnh của xã hội.
Sai lầm của bệnh nhân khi khai bệnh thường nói quá so với tình trạng thực của mình để được bác sĩ quan tâm, chữa trị nhưng làm vậy lợi bất cập hại. Vô tình chúng ta đẩy bác sĩ vào tình trạng rối trí, chẩn đoán sai dẫn đến cách xử lý và liều lượng thuốc quá đà.
Tâm lý người bệnh đau một, người thân đau mười nên đụng cái gì cũng réo bác sĩ ra để chửi. Họ cũng có liêm sỉ vậy. Đau thì cũng đau rồi, chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh.
Hiện nay chúng ta phải đối mặt với một căn bệnh thời đại: bệnh của những người có tiền và những người không tiền. Người có tiền thì cho rằng tôi có tiền tôi cần là phải được. Người không có tiền thì làm thằng cùi và quậy. Và hậu quả là người bệnh cũng chẳng vì thế mà khỏe hơn và những người có liên quan thì đối mặt với những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Đã đến lúc mỗi chúng ta nên nhìn nhận đúng vai trò trách nhiệm của mình trước khi đổ lỗi cho người khác.
Ánh Tuyết
*********************************
Bài báo trên được copy về rất nhiều trang mạng và ở đó người ta sôi nổi bàn tán, trong đó phần lớn là chửi cô ca sĩ là ngu ngốc, vô văn hóa, là "xướng ca vô loài", là giàu sang rồi quên nguồn gốc nghèo khổ, quay lưng lại với người nghèo,...
Còn sau đây là ý kiến của PhNga (đã đăng trên 1 weblog với 1 bút hiệu khác):

Thưa quí vị,
Tôi không bà con thân thích gì với ca sĩ AT mà chỉ biết cô qua một số bài báo và bài hát. Tôi thích giọng bán kim của cô, đặc biệt là trong bài "Suối mơ" của NS Văn Cao; thích phong cách nghiêm túc và dễ thương của cô khi xuất hiện trước công chúng.
Nay biết được sự việc trên, xem kỹ lại bài cô ấy viết trên VNExpress, tôi xin chủ nhân weblog này cho đăng ý kiến sau của tôi.

* Cô AT là người nổi tiếng. Các BS cũng là con người chứ không phải là thánh nên do ngưỡng mộ AT hay do AT nằm phòng dịch vụ,... họ đã đặc biệt quan tâm, điều này không có gì là lạ. Nếu ai đó có người thân là BS ở BV thì các BS khác cũng sẽ rất nhiệt tình như vậy (đó là chuyện tình cảm). Tuy nhiên, điều chúng ta mong muốn là với người quen thân thì các BS cứ dành THỜI GIAN NGOÀI GIỜ mà chăm sóc cho họ, chứ đừng vị thân vị kỷ mà bê bối với người ngoài, mà xếp thứ tự ưu tiên cho người thân. Tôi có quen vài BS làm ở vài BV ở SG nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ là sẽ nhờ họ để mình được ưu tiên khám trước, điều trị trước vì tôi ghét tính tham lam, ích kỷ, chơi trội hơn thiên hạ; tôi thích sự công bằng.

* Lúc nào tôi cũng coi trọng các thầy thuốc, nhất là khi có bịnh mình mới thấm thía chức năng cứu người thật thiêng liêng của họ. Có thời gian tôi có bịnh phải điều trị lâu dài nên chỉ khám BHYT và tôi thấy các NV-BS ở đó rất tốt, rất lịch sự, có điều là thuốc họ cho toàn loại rẻ tiền. Lại có những y,BS khám tư nhưng không câu bịnh, không chặt đẹp, có khi khám xong họ không lấy tiền và nói bịnh này chỉ cần về giữ ấm, khọt nước muối loãng, không cần uống thuốc.
Tuy nhiên, từ một vài trường hợp tốt thì không thể khái quát là tất cả tốt được. Muốn có một kết luận khách quan về một vấn đề/hiện tượng cần phải làm một cuộc thăm dò đại trà trên nhiều "mẫu đại diện".
Tôi thấy bài viết của AT không mang tính khái quát, không tuyệt đối "bốc thơm" BS và cả ngành y mà AT chỉ nói lên ý kiến riêng của mình về cái mình thấy, mình biết và điều đó nói lên sự biết ơn của cô đối với các BS điều trị. Có thể với sự ngây thơ của người nghệ sĩ, với một khả năng diễn đạt còn khiêm tốn AT đã làm cho mọi người ngộ nhận và từ đó tức giận.
Tôi thấy AT không hề nói TẤT CẢ ai không tiền cũng QUẬY, ai có tiền cũng muốn dùng tiền SAI KHIẾN NGƯỜI KHÁC (như trong bài) mà chỉ nói đó là căn bịnh của thời đại.
"AT BÂY GIỜ GIÀU SANG NÊN QUÊN QUÁ KHỨ NGHÈO KHỔ" là sự suy diễn và áp đặt của người khác.

*Về “chuyện hên xui” mà AT nêu trong bài thì tôi hiểu ý cô nói là trong lĩnh vực nào cũng có chuyện hên xui, bất trắc, bị “tổ trát”. Vì vậy, bệnh nhân tử vong có khi là do xui xẻo. Thực tế, có những tỉ lệ rủi ro (tai biến) khi thực hiện các ca mổ. Họ mổ cứu sống bao nhiêu người thì báo chí đâu có thống kê; bệnh nhân được đối xử tốt và khỏi bệnh thì đâu ai đưa lên báo, nhưng có lỡ có chuỵện không may là báo chí đăng rầm rầm. Tôi hiểu ý cô nói bệnh nhân cần bình tĩnh và thấu hiểu cho sự vất vả và những áp lực phải chịu của người thầy thuốc, đừng quá nóng giận, kích động mà vi phạm pháp luật. Đó là một lời khuyên tốt của cô.

*Theo tôi, đoạn cô viết sau đây là thừa: “Sai lầm của bệnh nhân khi khai bệnh thường nói quá so với tình trạng thực của mình để được bác sĩ quan tâm, chữa trị nhưng làm vậy lợi bất cập hại. Vô tình chúng ta đẩy bác sĩ vào tình trạng rối trí, chẩn đoán sai dẫn đến cách xử lý và liều lượng thuốc quá đà”. Nhưng cô nói rất thật lòng những gì cô biết – tôi thấy vậy.

Mời quí vị đọc lại những bài phản hồi ở trên đi. Phải chăng có một số ý kiến thiếu tính nhân văn?

*Rất có thể bài báo của AT có sự giật dây/gợi ý của người khác (các BS hay nhà báo?). Nếu vậy thì những người đó do cẩu thả, do khả năng biên tập yếu kém mà không làm rõ ý của AT để cô phải chịu búa rìu của dư luận. Cô AT thiếu kinh nghiệm viết lách và quá ngây thơ mà chuốc họa vào thân. Việc dàn cảnh để chụp bức ảnh không có trong thực tế là điều tệ hại nhất.
Nhưng tôi tin không vì sự việc này mà sự nghiệp ca hát của cô tàn lụi như lời trù rủa của một số người độc mồm độc miệng.

*Rất mong một ngày nào đó, dịch vụ y tế là miễn phí đối với tất cả mọi người dân như ở các nước tiên tiến, để không có chuyện phân biêt đối xử và những chuyện đau lòng đang xảy ra ở các bệnh viện.

* Cô AT ơi, sau này có phát biểu hay viết gì thì cô phải có chuẩn bị, đọc đi đọc lại xem ý mình viết đã rõ hay chưa, cô đừng quá tin mà giao phó bài mình cho mấy tay nhà báo vì không phải nhà báo nào viết cũng tốt hết đâu (kinh nghiệm đọc báo cho tôi thấy điều đó). 
Chúc cô mau lành bệnh mà tiếp tục sự nghiệp ca hát.
Chúc mọi người luôn bình tĩnh trong mọi tình huống để nhận định đúng bản chất vấn đề, để không nói gì quá đáng mà xúc phạm đến người khác.
PhNga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét