7 tháng 1, 2011

Nỗi ân hận của một người mẹ

MỘT
Đây không biết là lần thứ mấy họ cãi vã với nhau. Cuộc họp nào họ cũng cãi!

Khách quan mà nói thì họ đều là những người có năng lực, nhiệt tình, tận tụy trong công viêc, nhưng có lẽ do "khắc khẩu" và có thành kiến với nhau, mỗi người lại có tính thẳng thắn nên thường trong các cuộc họp, sau khi sơ kết những việc đã làm được và đề ra kế hoạch hoạt động sắp tới thì họ bắt đầu quay ra phê phán nhau.
Lần này giữa họ có nhiều chuyện phải giải quyết. Một thành viên bình thường như tôi chỉ biết ngồi nghe; cô “khách hàng xe ôm" của tôi thì ngồi ghi biên bản. 

Cuộc họp bắt đầu từ 15g. Cuộc đấu khẩu bắt đầu từ 15g30’. Đến 16g rồi 16g20’… tôi bắt đầu nôn nóng vì thằng nhóc nhỏ học lớp Hai đang chờ tôi đón về. "Đến giờ phải về rồi! Nhưng thôi ráng tí xíu nữa, chắc sắp xong rồi - Tôi thầm nhủ. Ráng đợi để còn làm nhiệm vụ xe ôm cho tròn nữa chớ..." Nhưng… sao họ cãi hăng quá… đến 17g30 mới xong! 

Tôi phóng chiếc xe cúp 78 cà tàng về hướng trường của thằng con mà nghe nghe lòng mình rưng rức. Thằng nhóc đang trông tôi đứt con mắt, nó lại có tính sợ ma, không biết trong trường có còn ai ở lại  với nó hay không! Đường từ cơ quan tôi tới trường con tôi hôm nay sao mà xa diệu vợi! Dù nôn nóng nhưng tôi cũng còn đủ trí khôn để nhớ rằng thà đến trễ một chút còn hơn là không bao giờ đến. 

Đường dù xa mấy đi hoài rồi cũng tới.

Chạng vạng. Trời mưa lâm râm. Từ xa tôi đã thấy cái dáng nho nhỏ màu hoa cà (của bộ đồ đi mưa) tay xách chiếc cặp màu đen đứng trên lề đường, ngay trước cổng trường đã đóng tự bao giờ, mặt hướng về phía tôi. Đang chạy xe mà khóc thì rất bất tiện, mọi vật trước mắt nhòe nhoẹt hết thì làm sao thấy đường mà lái. Biết vậy nhưng tôi vẫn không cầm được những giọt nước mắt tuôn rơi lã chã…

Xe vừa dừng lại là tôi đã vội bước xuống lề, ngồi phụp xuống đất ôm thằng con vào lòng, nói trong nghẹn ngào: 

- Mẹ xin lỗi con, tại vì cuộc họp rất quan trọng nên mẹ về trễ. Mẹ biết con mong mẹ lắm… Con có giận mẹ hông con?

Thằng nhỏ cũng mếu máo:

- Dạ không. Con không có giận mẹ. Con chỉ lo cho mẹ thôi. Con sợ mẹ bị xe đụng đó mẹ ơi… hu hu hu…


Đứa bạn thân (học chung ĐH) biết chuyện, nghiến răng mắng cho tôi một trận: “Bà ngu quá! Bà có lí do chính đáng tại sao lại không xin về trước? Họp lố giờ hành chánh, lo cãi lộn thì để họ ở lại cãi với nhau đi! Xời! Lo cho người quá giang xe hả? Để con đứng đợi ngoài mưa gió, tối tăm mà đành lòng hả? Bà là con mẹ ngu ngốc, là con ác mẫu!”


Chạng vạng. Trời mưa lâm râm. Đứa con nít học lớp hai sợ ma. Đứng một mình. Trên lề đường, ngay phía trước cánh cổng trường đã đóng tự bao giờ. Trong bộ đồ mưa màu tím hoa cà, tay xách cái cặp nặng chịch. Mắt mỏi mòn trông mẹ, lo mẹ bị tai nạn… Những hình ảnh đó không bao giờ tôi quên được trong suốt cuộc đời này!
HAI
Ai cũng có một người Mẹ để tôn thờ, để tự hào, để nhớ về. Có lẽ các con tôi cũng vậy. 
Chúng đã, đang và sẽ thương, nhớ, tự hào về mẹ của mình, tức là về tôi. Vì trong mắt của chúng (và có lẽ của nhiều người khác nữa), tôi là người mẹ đảm đang, chịu thương, chịu khó, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì các con. Lúc còn quá nghèo khổ, có khi mẹ chúng đã âm thầm chỉ ăn xương, da cá/thịt để nhường phần nạc/phần ngon cho các con. Lúc nào mẹ chúng cũng bảo "Mẹ không thích ăn trái này đâu" để ngầm nhường phần trái cây ít ỏi cho con mình để chúng có đủ chất dinh dưỡng mà khỏe mạnh, mau lớn. Có lần thằng nhóc nhỏ (lúc đó chừng 5-6 tuổi) đã nói: 
- Mẹ mình làm bộ đó anh ơi! Mẹ làm bộ nói hổng thích ăn để nhường cho tụi mình và ba đó! Phải không mẹ?
- Sao con lại nói vậy?
- Lần nào mẹ cũng nói mẹ không thích hết! Hổng lẽ mẹ không thích thứ gì hết sao!
Ôi sao mà chúng tinh tế vậy! 

Với chồng con đã vậy, với cuộc đời, mẹ của chúng đã sống không tệ, từ đạo đức đến khả năng làm việc. Về đạo đức, rõ ràng mẹ của chúng đã sống với đời bằng cái tâm trong sáng, không nịnh hót, bợ đỡ ai, biết vì người khác (vị tha) và cũng giáo dục chúng phải biết quan tâm, chia sẻ, sống chan hòa, tình nghĩa với mọi người. Về khả năng, mẹ chúng đã đạt được những thành tích, làm nổi những việc - dù không lớn lao gì – nhưng có người có đầy đủ điều kiện hơn đã không đạt được, không làm nổi kia mà! 

Chúng tự hào về tôi, rất mực yêu quý tôi. Chúng vô tư, hồn nhiên nghĩ tốt về tôi và luôn muốn làm tôi vui lòng. Chúng luôn có những câu động viên khi tôi cảm thấy chưa hài lòng về bản thân. Chẳng hạn khi tôi nói "Tụi con vô phước nên gặp bà mẹ nấu ăn rất xoàng. Trong các chị em, ở cả bên nội lẫn bên ngoại, mẹ là người tệ nhất" thì chúng đã an ủi: "Như vầy là tốt lắm rồi mẹ ơi! Mẹ nấu món gì tụi con ăn cũng thấy ngon hết! Mẹ vừa là nội tướng vừa là ngoại tướng mà, làm sao xuất sắc được như người ta. Sau này rảnh, mẹ muốn học làm khéo là làm được mấy hồi!". Chúng rất ủng hộ khi mẹ đi học thêm để mở mang đầu óc, khi mẹ tụ tập bạn bè để vui chơi thư giãn, khi mẹ lên mạng giao lưu với thầy cô, bạn bè cũ,... vì chúng biết đó là những niềm vui nho nhỏ của mẹ chúng. 

Các con tôi sáng suốt, thậm chí tinh tế thấy được những sự hy sinh của tôi, dù có khi là thầm lặng. Nhưng chúng không đủ tinh tế để thấy những tội lỗi của tôi. Còn tôi, tôi thấy rất rõ! Tôi luôn ray rứt, ân hận mỗi khi nhớ lại.

Tội gì???

Tôi nhớ đã có nhiều lần, vì lo những "chuyện bao đồng" mà tôi bỏ bê các con của mình. Ngoài sự việc đã kể ở trên, tôi xin kể thêm một số việc điển hình khác:
- Vợ chồng người ta cãi nhau, xô xát nhau, cô vợ trốn sang nhà khác ngủ qua đêm, mới có 5 giờ sáng đã cầu cứu với tôi. Thế là tôi không lo bữa sáng cho chồng con mà vội tót ra đường…
- Học trò gặp chuyện khổ cũng cầu cứu: "Hu hu… cô ơi, em khổ lắm! Em đang ngồi một mình ở quán…cô đến với em nhe cô…" Thế là phải đi để dỗ dành, an ủi đứa học trò đang gặp chuỵện "khổng lồ" (khổ lòng). Vừa mất thời gian, vừa tốn tiền…
- Bỏ ra nhiều ngày để theo dõi, gặp gỡ, làm quen, tác động… một em "học sinh cá biệt" (là con của... người ta và là học trò của… người ta) vì lo sợ một tâm hồn sẽ bị chà đạp, vùi vập một cách oan ức do sự thiếu hiếu biết và thiếu "cái tâm" của người lớn…
- Đã mấy lần đi chơi qua đêm để thăm bạn bè cũ ở xa khi "tâm hồn quá khứ" nổi dậy.
- Chưa lo cho các con có đủ những tiện nghi tối thiểu để học hành, vui chơi,… mà đã từng bỏ tiền ra lo cho người khác (+học trò), dù là không bao nhiêu. Khi tôi tỏ ra áy náy thì chúng nói:"Con thấy như vậy là quá tốt đó mẹ. Con người cần phải biết giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau…Tụi con không sao đâu…"
- Tôi đều vắng mặt khi con tôi vào cao điểm của công việc: thi học kỳ, ôn thi tuyển sinh ĐH, bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đi dự phỏng vấn xin việc,… thậm chí nó đi dự thi tuyển sinh ĐH mà tôi cũng đi coi thi, để thằng nhỏ tự lo đi/về,…

PhNga - 05/9/2008 (Bài cũ, đã đăng với một bút hiệu khác)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét