2 tháng 1, 2011

Xấu chàng hổ ai?

Có những người vợ hàng ngày ăn ở rất biết điều, nhưng... cứ có khách đến nhà lại làm ra vẻ coi chồng chẳng là “cái đinh” gì.

 
Có nhiều người vợ chẳng hiểu vì sao chồng mình thường ngày, lúc chỉ có hai vợ chồng, hiền thế, nhưng hễ có khách đến nhà thì y như rằng lại "tinh tướng" hẳn. Thực ra, đó chỉ là tâm lý thích “ra oai” với vợ trước người khác của không ít ông chồng.
Có lẽ do tư tưởng đàn ông “thống trị” trong gia đình vẫn còn đeo bám, nên hầu hết đàn ông đều rất ngại bị bạn bè gán cho hai tiếng “sợ vợ” hoặc “có hiếu” với vợ. Họ quan niệm, “cái đồ sợ vợ” là không ra gì. Cho nên trước mặt mọi người, bao giờ họ cũng thích được vợ tôn trọng, phục tùng.
Hơn chồng
Song, không hiểu tại sao, cũng có những người vợ hàng ngày ăn ở rất biết điều, nhưng... cứ có khách đến nhà lại làm ra vẻ coi chồng chẳng là “cái đinh” gì. Trước bàn dân thiên hạ, cái gì người vợ cũng tỏ ra tài giỏi hơn, tự quyết định hết thảy, khiến anh chồng không biết tìm lỗ nẻ nào mà chui, chỉ ngồi... cười nhạt.
Một hôm tôi đến thăm người bạn mới xây nhà. Vừa khen nhà cửa khang trang, nội thất rất có thẩm mỹ, chị vợ buông ngay một câu: "Em phải thuê họa sĩ thiết kế đấy. Trông vào anh ấy có mà...". Anh chồng ngồi đờ người ra, chẳng biết nói sao.
Khách lại khen anh chị khéo chọn khu đất này đẹp, vợ “đế” luôn: “Không ai dại như ông xã nhà em. Nếu nghe em mua miếng đất khu kia còn đẹp hơn nhiều”. Suốt buổi nói chuyện, vẻ mặt anh chồng cứ buồn thiu. Trên đường về, tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao có những phụ nữ cứ thích chứng minh cái gì mình cũng hơn chồng. Sao họ không nghĩ, chồng có là “vua” thì mình mới là “hoàng hậu”, chứ chồng là anh chàng “đần” thì mình hay ho gì.
Chị Kiều Trinh, một cán bộ ngành vật tư, kiếm được nhiều tiền hơn ông chồng làm cán bộ đoàn thể, nên nắm quyền thu chi trong gia đình. Mỗi sáng, trước khi ra khỏi nhà, chị lại phát tiền cho chồng, con như... phát chẩn. Mỗi đứa con năm chục nghìn, riêng chồng được gấp đôi; muốn ăn phở, uống cà-phê hay bia hơi thì tùy. Chị tự hào với họ hàng rằng, chồng mình sướng hơn tiên, “cơm no bò cưỡi”, chẳng phải lo toan gì. Chị đâu biết, ông chồng luôn cảm thấy trong mắt vợ, ông ta giống một đứa con lớn, vợ phải nuôi “báo cô” và từ khi về hưu non ở tuổi 50, “khí phách đàn ông” của chồng chị cũng... nghỉ hưu theo. Nhiều lúc ông ngồi ngơ ngẩn như người mất hồn.
Tưởng chồng đang vấn vương ai đó, chị hết ghen bóng gió đến chửi bới anh ăn ở bạc bẽo, “no cơm rửng mỡ”. Chiến tranh gia đình bùng phát. Và rồi, ông chồng có nhân tình thật. Chị vợ tức lồng lộn, càng tức hơn khi chị biết người cướp chồng chị chỉ là "bà nhà quê" thua xa chị đủ mọi mặt, chỉ hơn chị mỗi chuyện: vô cùng ngưỡng mộ tài đức của ông ấy.
Vợ khéo
Nếu có khách đến nhà thương lượng việc gì mà người vợ nói được câu: “Việc này xin chờ để nhà em quyết ạ!” thì anh chồng nào cũng nở mày nở mặt, dù có khi anh ta chẳng quyết được điều gì trái với vợ. Có hề gì chuyện ai thật sự “quyết”, chỉ cần được những lời như thế, là anh đàn ông đã đủ hả hê, ngẩng cao đầu trước bàn dân thiên hạ, thấy rõ vợ làm đẹp mặt mình. Suy cho cùng, người vợ có mất gì đâu, có khi còn được khách khen, chồng cảm phục.
Nói chung, khi phụ nữ đóng vai gia trưởng, cái họ được là quyền uy khiến chồng con phải nghe răm rắp, nhưng cái họ mất là gì? Đó là sự dịu dàng chu đáo của người mẹ, người vợ, người nhen nhóm và gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình. Đó là hình ảnh người phụ nữ mềm yếu, đáng yêu mà người chồng nào cũng muốn dang rộng cánh tay che chở. Nhưng, khi người chồng nhận ra vợ là nữ tướng, trong khi mình chỉ là quân tốt đen, thì họ cảm thấy mình như người thừa trong gia đình.
Nhiều người tưởng rằng, muốn được chồng yêu, phải lo cho chồng từng li từng tí. Thực ra, cái mà đàn ông cần nhất vẫn là được vợ tôn trọng.
Một anh có mấy người bạn đến chơi nhà, bàn nhau về chuyện họp đồng môn. Anh rất muốn tổ chức ở nhà mình nhưng phân vân không biết vợ có ủng hộ không. Người vợ thông minh chỉ nhìn “nước da” chồng là biết ngay. Chị giả vờ xuống bếp rồi gọi chồng xuống xem hộ cái ổ điện bị hỏng. Chồng vào bếp, vợ nói ngay: “Sao anh không mời họ chủ nhật sau đến nhà mình họp mặt?”.
Chồng “được lời như cởi tấm lòng”, trở lại tiếp khách, mặt tươi roi rói, tuyên bố dõng dạc: “Chủ nhật sau mời tất cả các bạn đến nhà mình họp mặt”. Đám bạn nhìn anh “kính nể”. Một người tế nhị quay ra hỏi: “Lệnh ông như thế còn cồng bà thì sao?”. Người vợ cười: “Dạ, nhà em đã quyết, em chỉ có ủng hộ thôi!”.
Tiễn khách ra về, chồng hỏi vợ: “Sao em không mời họ luôn lại để anh mời?”. Vợ nguýt chồng: “Thế mà cũng hỏi. Em phải để anh quyết mới ra dáng ông chủ nhà chứ!”.
Lại có một anh khác máu mê cờ tướng, đã ngồi vào bàn cờ thì không còn nhớ gì đến chuyện khác. Có lần chúi mũi vào bàn cờ, anh quên cả giờ phải đưa vợ con sang ông bà ngoại ăn giỗ, anh vợ phải đi tìm. Mấy ông bạn thấy vợ anh vào, nói kháy: “Chết! công an đến bắt về rồi. Đứng dậy đi kẻo lại lôi thôi”. Chạm tự ái, anh nói cứng: “Đàn ông sợ vợ thì... vứt!”.
Vừa nói xong, chị vợ vào đến. Chị nhã nhặn chào mọi người rồi nói nhỏ với chồng: “Anh ạ, không hiểu sao thằng cu Tin nhà mình cứ ôm bụng kêu đau từ nãy đến giờ. Em sợ quá, không biết làm thế nào”. Mấy người bạn nghe vậy vội giục anh về.
Đến nhà, thấy thằng cu Tin đang chạy lăng xăng đá quả bóng nhựa, chồng ngơ ngác: “Nó có làm sao đâu?”. Vợ cười thật tươi: “Anh như có phép tiên ấy nhỉ! Vừa về đến nhà nó khỏi liền!”. Chồng bế con lên hỏi: “Con thấy trong người thế nào?”. Vợ bưng mồm cười: “Anh quên là chiều nay sang ông bà ăn giỗ à? Em không làm thế, sao lôi được anh về mà không bị bạn bè bảo là... đồ sợ vợ”. Lúc này, anh chồng mới ngẩn người ra, toét miệng cười.
Thực tế, không ít người vợ hết lòng yêu chồng, thương con nhưng vẫn không được chồng yêu, thậm chí có chị còn bị chồng phản bội. Có thể chỉ họ không hiểu tâm lý đàn ông đấy thôi! 
PhNga sưu tầm   Xem bài gốc

1 nhận xét:

  1. HÃY XEM VÀ SUY NGẪM!!!

    Có một anh nông dân đem bò ra chợ tỉnh bán. Suốt ngày không bán được phải dẫn bò về. Ðường xa mệt nhọc, con bò trở chứng không chịu đi. Có người gạ đổi con bò lấy con ngựa hồng tung tăng. Anh tưởng được ngựa sẽ thong thả dong cương ra về, nhưng con ngựa lạ chủ không chịu cho anh cưỡi và cũng trì kéo dằng dai. Một người khác dẫn con heo nái ngoan ngoãn đi qua, gạ đổi heo lấy ngựa, anh đổi liền. Ðường xa mệt nhọc, con heo cũng nằm ì không chịu đi, bí quá, anh đổi heo lấy một con dê nái. Con dê càng cứng đầu khủng khiếp, anh vật lộn với dê phờ phạc. Ðêm đã tối mịt mù, một hành khách đề nghị đổi dê lấy một con gà trống lớn. Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, anh ôm con gà vào quán đổi lấy bữa cơm. Thế là một bữa ăn trả giá bằng một con bò.

    Ăn xong, anh nông phu thong thả ra về, vừa đi vừa ca hát khỏe khoắn. Khi về đầu làng, có bạn quen hỏi đi đâu mà về khuya thế. Anh kể chuyện đi bán bò, và đổi con gà lấy bữa cơm. Người bạn hết hồn, khuyên anh khoan về nhà mà bà vợ nổi cơn tam bành lên, không khéo vợ chồng xô xát gây ra án mạng. Anh nông dân bảo rằng chắc vợ anh cũng thấy việc làm của anh là có lý. Người bạn ức quá, đánh cá một con bò, nếu chị vợ mà không gây gổ, thì anh nông dân sẽ được một con bò, còn ngược lại, phải mất lại một con bò khác. Người bạn đi theo núp bên ngoài nghe cuộc đối thoại của vợ chồng anh nông dân.

    Chị vợ hỏi anh đã ăn gì chưa, đi đường có mệt lắm không, bò bán có được giá không? Anh đáp rằng đã ăn rồi, con bò không bán được mà trên đường về nó không chịu đi nên đã đổi con bò lấy con ngựa rồi. Chị vợ nói rằng có con ngựa cũng tốt, nó sẽ kéo xe, giúp mình di chuyển mau chóng hơn. Anh chồng cho biết con ngựa không chịu cho anh cưỡi nên đã đổi lấy con heo nái. Chị vợ cũng tán thành ngay và còn dự trù con heo mùa sau sẽ sinh ra một bầy heo khác, rất có lợi. Anh chồng cho biết thêm, con heo cũng trở chứng không chịu đi nên đổi lấy một con dê cái. Chị vợ tiếp liền, là con dê cũng rất có lợi, từ nay mỗi sáng gia đình sẽ có sữa dê mà uống. Anh chồng lắc đầu và cho biết đã đổi con dê ương ngạnh lấy con gà trống lớn. Chị vợ anh nông phu tiếp rằng có con gà cũng tốt, mỗi sáng nghe nó gáy cũng vui tai. Anh chồng bảo là buổi sáng ra đi không đem tiền theo, đói quá, đã vào quán đổi con gà lấy bữa cơm.

    Nghe xong, chị vợ anh nông phu quàng hai tay lên vai chồng và nói: “Anh làm như thế là phải. Lấy của giữ thân, chứ đừng lấy thân giữ của. Ði cả ngày mệt nhọc đói khát, không ăn chịu sao nổi. Em đã để sẵn khăn, múc sẵn nước, anh đi tắm cho khỏe.”

    “Muốn được chồng thương cũng rất dễ, đừng bao giờ tranh hơn thua với chồng, việc gì đã lỡ thì cho qua luôn, vui vẻ chấp nhận, và dịu dàng, nhường nhịn chồng là yếu tố căn bản để được chồng thương.”
    (Sưu tầm)

    Trả lờiXóa