13 tháng 12, 2010

Thả nổi đào tạo tại chức - Kỳ cuối: Lối ra nào cho chất lượng?

TT - Giảm quy mô để tập trung đầu tư nâng chất lượng giảng dạy, siết chặt lại quy trình và kỷ cương thi cử, đánh giá, có những chuẩn cụ thể đối với sinh viên tốt nghiệp,...
Đó là những giải pháp “khẩn cấp” được nhiều ý kiến đề xuất để cải thiện chất lượng của hệ ĐH tại chức.

Buổi học sáng 12-12 của lớp dqk2085 
ngành quản trị kinh doanh
năm 2 hệ tại chức Trường ĐH Sài Gòn 
 Ảnh: Như Hùng
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hà - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT)- cho rằng để nâng được chất lượng đào tạo tại chức cần vai trò của cả cơ quan quản lý là Bộ GD-ĐT, cơ sở tổ chức đào tạo và người học. Trong đó, Bộ GD-ĐT và các trường ĐH có trách nhiệm lớn hơn. “Để người học thay đổi được quan niệm và thói quen học tập cần một thời gian nhất định. Nhưng cơ quan nhà nước và các trường có thể chủ động hướng người học đến sự thay đổi đó bằng những quy định và phương thức quản lý đào tạo tại chức chặt chẽ, đòi hỏi người học, người dạy phải nghiêm túc và thực chất hơn mới có được tấm bằng” - bà Hà nhìn nhận.
Xét năng lực, tăng chế tài
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng trước mắt Bộ GD-ĐT cần xem xét lại năng lực và chất lượng đào tạo tại chức của các trường ĐH để xác định chỉ tiêu tuyển sinh tại chức những năm tới ở mức hợp lý hơn. Tổng chỉ tiêu đào tạo tại chức và chỉ tiêu cụ thể của nhiều trường không được tiếp tục tăng mà ngược lại cần cắt giảm, tương xứng với điều kiện cơ sở vật chất và giảng viên của các trường.
Cụ thể hơn, một chuyên gia giáo dục đề xuất nên giảm bớt chỉ tiêu đào tạo tại chức trong hai năm học tới 30-50% so với hiện nay. Vị chuyên gia này phân tích: “Việc cắt giảm chỉ tiêu tại chức sẽ khiến nhiều trường phản đối vì ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của trường và thu nhập của giảng viên, nhưng đó là việc Bộ GD-ĐT cần phải làm ngay vì để hệ thống đào tạo tại chức như hiện nay đang làm méo mó chất lượng giáo dục ĐH”.
Đồng thời, theo ý kiến của cán bộ quản lý nhiều trường ĐH, Bộ GD-ĐT cũng cần tăng cường biện pháp chế tài đối với những trường bị phát hiện sai phạm, trong đó có biện pháp cắt giảm chỉ tiêu năm sau. “Các trường bị phát hiện có sai phạm trong tuyển sinh, liên kết đào tạo, cấp bằng tại chức nhưng vẫn không hề hấn gì, thậm chí chỉ tiêu năm sau vẫn được tăng. Như vậy là không nghiêm minh, công bằng với những trường thực hiện nghiêm túc và cũng không khuyến khích được các trường làm chặt chẽ hơn”- một trưởng khoa tại chức nhận xét.
Ngoài ra, một giải pháp quản lý trong tay Bộ GD-ĐT nhưng lâu nay bộ chưa có hoặc có mà chưa thực hiện được, đó là các quy định về thi tuyển, kiểm tra, đánh giá sàng lọc trong quá trình đào tạo và chuẩn tốt nghiệp thống nhất đối với sinh viên hệ tại chức. Chính từ những quy định nửa vời, thực hiện nửa vời đối với hệ đào tạo tại chức mà không ít ý kiến cho rằng chính bộ cũng đang thả nổi hệ đào tạo này.
Trường tự quyết
Bên cạnh đó, “cơ sở đào tạo đóng vai trò chủ động trong việc đào tạo tại chức có chất lượng. Nói cách khác, chính nhà trường là bên có quyền xây dựng “luật chơi” để đòi hỏi người học tuân thủ. Chỉ cần nhà trường và người dạy không “chiều” theo người học, việc dạy và học đã khác đi nhiều. Khi nhà trường chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, tự thân giảng viên và sinh viên sẽ không có áp lực để thay đổi cách dạy và học”- bà Trần Thị Hà nhìn nhận.
Bằng kinh nghiệm đã áp dụng trong thực tế của trường mình, phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của một trường ĐH ở Hà Nội cho chúng tôi biết biện pháp hiệu quả nhất, sẽ trực tiếp làm thay đổi chất lượng đào tạo tại chức mà trường ông đã thực hiện là quản lý chặt chẽ khâu kiểm tra, đánh giá. Để đảm bảo khách quan và đánh giá đúng chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng như học tập của sinh viên, trường đã áp dụng việc xếp lịch dạy luân chuyển, không cố định giảng viên cho bất cứ điểm đào tạo tại chức nào. Giảng viên chỉ đảm nhiệm việc lên lớp, ôn tập. Toàn bộ đề thi, tổ chức thi và chấm bài do phòng đào tạo chịu trách nhiệm. Trong đó, đề thi được lựa chọn ngẫu nhiên trong ngân hàng đề hoặc do giảng viên khác ra đề và chấm chéo.
Hiện một số trường ĐH uy tín cũng bắt đầu đặt ra những yêu cầu riêng đối với bằng ĐH tại chức khi tuyển sinh cao học. Mới đây nhất, việc UBND thành phố Đà Nẵng không tuyển dụng người tốt nghiệp tại chức cũng cho thấy xã hội, các nhà tuyển dụng không chỉ dừng ở việc đánh giá mà bắt đầu bày tỏ thái độ với đào tạo kém chất lượng.
THANH HÀ
Cần phương thức đào tạo phù hợp
Thực chất của hệ không chính quy là đào tạo theo phương thức giáo dục mở và từ xa (GDM&TX), không phải theo phương thức “mặt giáp mặt” thông thường. Muốn đảm bảo chất lượng của GDM&TX phải có công nghệ tương ứng. Công nghệ GDM&TX bao gồm hệ thống tài liệu học tập có chất lượng cao và hệ thống công cụ đánh giá thích hợp cho mọi chương trình đào tạo ĐH. Ngoài ra, còn có cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin và truyền thông. Một trường ĐH riêng lẻ không thể đủ nguồn lực để xây dựng được hệ thống công nghệ này có chất lượng mà Nhà nước phải có đầu tư ban đầu thích đáng.
Ở các nước như Thái Lan, Trung Quốc, nhà nước đầu tư tập trung các nguồn lực lớn cho một vài trường ĐH mở để xây dựng các hệ thống công nghệ nói trên và sử dụng công nghệ của các trường ĐH mở đó để làm nòng cốt đảm bảo một chất lượng chấp nhận được cho GDM&TX. Nhờ vậy, họ quản lý được chất lượng của các ĐH tư. Trung Quốc có khoảng 1.400 trường ĐH tư nhưng chỉ khoảng 200 trường được cấp bằng sau một quy trình kiểm định chất lượng chặt chẽ.
Sinh viên những trường còn lại đi học nhưng không được cấp bằng, muốn có bằng thì tham gia các kỳ thi từng môn học của ĐH mở nói trên. Bằng cách tham gia thi theo hệ thống đánh giá chặt chẽ từng môn học của ĐH mở, những người tự học cũng có thể nhận được văn bằng. Như vậy các ĐH mở chẳng những giúp đảm bảo chất lượng của hệ thống đào tạo không chính quy mà còn trở thành cầu nối giữa hệ thống giáo dục ĐH với xã hội học tập và quá trình học suốt đời.
Ở nước ta, hai ĐH mở đã được thành lập từ năm 1993 để phát triển GDM&TX. Thế nhưng, đến nay hoàn toàn chưa có được đầu tư ban đầu đáng kể nào của Nhà nước. Thậm chí hiện hai trường này đang được xếp vào loại “tự chủ tài chính”, tức là không được hưởng ngân sách nhà nước. Với cách đối xử như vậy, hai ĐH mở đã trở thành “ĐH khép”.
Trong lúc đó, một số trường ĐH khác, kể cả một số trường được xem là “trọng điểm” để nêu gương về chất lượng thì cố tăng số lượng sinh viên không chính quy, mặc nhiên biến thành ĐH mở. Có trường vừa từ cao đẳng nâng lên ĐH cách đây năm năm mà có nhiều địa bàn rải khắp đất nước, đào tạo hàng trăm nghìn sinh viên không chính quy. Không biết các cơ quan có trách nhiệm có để mắt giám sát xem họ dùng công nghệ đào tạo gì để đảm bảo chất lượng.
Điều đáng tiếc là một đề án phát triển GDM&TX 2005-2010 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Tình trạng nói trên phản ánh một khiếm khuyết lớn của chiến lược phát triển giáo dục ĐH nước ta. Chỉ cần Nhà nước dành một vài phần trăm kinh phí cho các trường ĐH “đẳng cấp thế giới” để cấp cho hai ĐH mở ở nước ta cũng có thể giúp các ĐH này xây dựng hệ thống công nghệ GDM&TX tốt, từ đó có thể sử dụng chúng làm nòng cốt và giúp các trường ĐH khác nâng cao chất lượng đào tạo cho một nửa tổng số sinh viên ĐH nước ta theo học hệ không chính quy.
GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP
* Tin bài liên quan:
PhNga sưu tầm.  Bài gốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét