1 tháng 12, 2010

Một gương sáng về NGHỊ LỰC

(Bài này đã được đăng trên tập san TTKH số 5 
của trường CĐCT, tháng 11/2010)
Tôi đi qua đi lại cuối đoạn đường Trần Hoàng Na, Tp. Cần Thơ đến mấy lần và cuối cùng phải dừng lại hỏi thăm mới tìm ra được nhà của cô.
Bởi vẫn ở vị trí cũ nhưng ngôi nhà đó ngày nay có thay đổi so với mấy năm về trước. Vừa niềm nở chào đón và giúp tôi dắt xe vào sân, cô vừa khiếm tốn kể rằng nhờ có sự giúp đỡ của bà con và bè bạn mà cô đã sửa sang được nhà cửa để cả nhà không phải lội nước bì bõm mỗi khi có mưa lớn hay lúc triều cường, để mẹ cô không còn phải đi khom lưng mỗi khi vào bếp. Chúng tôi là đồng nghiệp của nhau, hơn nữa, còn là những người dễ đồng cảm và chia sẻ với nhau vì ở một khía cạnh nào đó chúng tôi có những điểm tương đồng; do đó, khi thấy ngôi nhà đã được sửa trông khang trang, bên trong bày biện sạch sẽ, ngăn nắp, tôi thật lòng mừng cho gia đình cô. Phải nói là mừng một thì tôi nể có đến mười. Hơn nữa, nếu nể phục những đức tính cần, kiệm của cô để “nên nhà nên cửa” một thì, cũng như nhiều người, tôi nể phục tinh thần vượt khó trong học tập để vươn lên trong nghề nghiệp của cô phải đến mười. Cô giáo tôi đang nhắc đến chính là cô Nguyễn Thị Kim Phượng, giảng viên khoa Ngoại ngữ, trường Cao đẳng Cần Thơ.

Quyết tâm đi học để trở lại nghề dạy học
Cô tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh ngành Nga văn năm 1987 và về giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ. Hai năm học sau đó, trường không mở lớp sư phạm Nga văn nữa và do vậy cô được phân công phụ trách công tác trợ lí tại khoa Văn Sử. Để có thể chuyển qua chuyên ngành Anh văn, cô vừa làm nhiệm vụ của một trợ lí khoa, vừa theo học lớp Cao đẳng Sư phạm Anh văn cùng với sinh viên của trường. Tốt nghiệp lớp này xong, chưa bằng lòng với trình độ hiện tại, vẫn làm trợ lí khoa, cô tự túc chi phí học bằng 2 đại học ngành Anh văn vào năm 1999 tại Cần Thơ do trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Việc học của cô chưa dừng lại ở đó. Để có đủ điều kiện dạy Anh văn ở trường Cao đẳng, để theo đuổi nghề nghiệp mình yêu thích là dạy học, cô lại ôn thi cao học và đã theo học lớp này từ năm 2000 đến năm 2003 tại trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân Hà Nội.
Mới nghe qua quá trình phấn đấu học tập của cô, có thể có người cho rằng đó là điều tất yếu vì là một giảng viên thì phải phấn đấu học tập để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vâng, đúng là như vậy. Tuy nhiên, nếu những ai biết được cô Kim Phượng đi học, hết lớp này đến lớp khác, từ Nga văn chuyển qua Anh văn, trong lúc gia đình đang gặp những khó khăn nhất định, thì không khỏi nể phục.

Học trong điều kiện cực kỳ khó khăn
Trong quá trình theo lớp Cao đẳng Sư phạm Anh văn cùng với sinh viên, cô mang thai song sinh, cùng thời gian này thì chồng cô bị chấn thương sọ não do một tai nạn giao thông. Vừa chu toàn nhiệm vụ của một trợ lí khoa, cô vừa phải chăm sóc người chồng trong thời gian dài… Năm 1993, khi hai bé chào đời, song hành với niềm vui của cô và gia đình là những nỗi nhọc nhằn, cơ cực cùng lắm lo toan. Cô vừa học, vừa công tác, vừa chu toàn bổn phận của người con, người vợ, người mẹ trong điều kiện đồng lương rất khiêm tốn.
Khi quyết định thi và học cao học ở Hà Nội (lúc đó các trường Đại học phía Nam chưa chiêu sinh lớp cao học chuyên ngành Anh văn), cô được sự chia sẻ, đồng tình của mẹ và chồng. Tạm chia tay gia đình, cô đành để lại ba con còn nhỏ cho người mẹ đứng tuổi ốm yếu cùng người chồng vừa mới phục hồi phần nào sức khỏe chăm sóc; còn mình, tại nơi ở mới, cô vừa học vừa đi dạy thêm để trang trải mọi chi phí và gởi về phụ tiếp cho gia đình,… Tôi cảm nhận được nơi cô một quyết tâm phấn đấu rất cao, một nghị lực phi thường và một lòng yêu nghề tha thiết.
Khi được hỏi, cô bảo rằng chuyện đã qua rồi, cô thấy mình cũng như bao thầy cô khác, vì ai trong hoàn cảnh này cũng phải như vậy. Cô không muốn gợi lại, càng không muốn được khen ngợi.
Tuy nhiên, ngồi nói chuyện một hồi, tôi được nghe cô tâm sự:
- Nhiều chuyện não lòng lắm chị ơi! Lúc ở Hà Nội, có lần qua điện thoại, em nghe chuyện này mà khóc ròng. Chồng em dắt ba đứa con ra công viên Lưu Hữu Phước để cho chúng đi đu quay. Khi đu quay ngừng lại, ba đứa lên được đu quay nhưng anh không kịp bước lên ngồi cùng con do đôi chân vẫn còn yếu, bước chậm, nên anh đành đứng nhìn các con mình lên tít trên cao mà chết điếng trong lòng…
Tôi nghĩ, có lẽ ai đã và đang làm mẹ cũng hiểu thấu được nỗi thương cảm này!?
Cô rưng rưng, nghẹn ngào kể tiếp:
- Một lần khác, em về nhà nghỉ Tết Nguyên đán, bước vào nhà em thấy mẹ em nằm trùm mền run cầm cập và ho sù sụ. Hỏi ra mới biết là bệnh viện yêu cầu nhập viện nhưng nhà đã hết tiền, lại không ai vào viện chăm sóc, mẹ đành nằm nhà mấy ngày chờ em về. Cũng may, cô Kim Oanh và cô Phương Thảo (ở khoa Văn Sử thời ấy) khi hay tin đã cho em mượn tiền để chữa chạy cho mẹ. Em mang ơn hai cô ấy biết là bao nhiêu!
Như vậy đó, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng cô vẫn vững vàng từng bước, từng bước, bằng mọi cách khắc phục để hoàn thành khóa học, trở về với mái ấm gia đình, trở về với bục giảng trường Cao đẳng Cần Thơ từ năm 2004 đến nay.

Làm tốt mọi nhiệm vụ
Bây giờ những khó khăn đã vơi đi rất nhiều, các con cô đã lớn, hai cháu nhỏ song sinh đang học lớp 12, là học sinh khá giỏi của trường THPT Châu Văn Liêm; cháu lớn vừa lên năm thứ hai trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh và cũng đạt học lực giỏi trong năm học vừa qua.
Cô Nguyễn Thị Kim Yến, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, người gắn bó với tổ Ngoại ngữ 25 năm nay, đã có nhận xét: “Chỉ riêng việc chấp nhận học lớp Cao đẳng Sư phạm Anh văn cùng với sinh viên, Cô Kim Phượng đã thể hiện tinh thần cầu tiến rất cao và lớp học này đã tạo nền tảng vững chắc để cô học tiếp lên các lớp đại học và cao học. Ý chí và nghị lực của cô Kim Phượng thật đáng trân trọng và đáng cho mọi người học tập. Từ ngày là một giảng viên Anh văn, cô đã không ngừng trau dồi tay nghề, đã làm tốt mọi nhiệm vụ về chuyên môn và được các sinh viên yêu quý.”
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ và cô Phạm Thị Kim Hồng, giảng viên tổ Anh Văn có chung nhận định: "Cô Kim Phượng sống rất hòa đồng với đồng nghiệp, rất có tinh thần trách nhiệm. Trong năm học 2009-2010, với cương vị Chủ tịch công đoàn bộ phận Ngoại ngữ, cô đã làm rất tốt vai trò kiêm nhiệm của mình, bản thân trực tiếp tham gia vào các hoạt động văn thể để động viên mọi người, dù tuổi đời của cô không còn trẻ và vẫn còn bề bộn chuyện nhà, chuyện mưu sinh".
Những năm học trước, Công đoàn trường đã mời cô Kim Phượng báo cáo điển hình về “Gương vượt khó, công tác tốt” nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Và cô đã đại diện công đoàn viên Trường Cao đẳng Cần Thơ báo cáo điển hình ở Công đoàn ngành Giáo dục Tp. Cần Thơ. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến xuất sắc”, đặc biệt là năm học 2009-2010 cô đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.
Sẽ thật là thiếu sót nếu không nói đôi điều về mẹ của cô. Bà là một giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu trong diện không được hưởng lương hưu. Chồng qua đời khi cô con gái duy nhất mới lên ba và từ đó bà ở vậy, hết lòng lo cho con gái. Khi cô Kim Phượng đi học xa, dù đã đứng tuổi và sức khỏe kém, bà vẫn gượng sức thay cô chăm sóc các cháu ngoại ở nhà.
Thay cho lời kết, xin gởi đến cô lòng trân trọng và biết ơn vì cô đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó trong học tập, trong công tác cho các đồng nghiệp trong trường, nhất là lớp giảng viên trẻ. Chúc cô ngày càng vững chắc tay nghề để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người. Cũng xin gởi lời chúc tốt đẹp, chân tình đến Mẹ của cô, hậu phương vững chắc của gia đình cô; chính nhờ đó mà cô đã vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống.

Phan Thị Nga - 11/2010

Hình ảnh
Cô Kim Phượng cùng 3 cậu con trai của mình
Cô Kim Phượng trên bục gảng

Cô Kim Phượng trong tiết mục múa 
của CĐ khoa Ngoại ngữ
(bên trái nhân vật áo đen)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét