10 tháng 12, 2010

Tây Nguyên du kí

(Bài này được đăng trên tập san TTKH số 4 
của trường CĐCT trong mục Văn Nghệ)

Hằng năm, trường tôi tổ chức hai đợt tham quan hè cho cán bộ-giáo viên, địa điểm tùy theo nguyện vọng của số đông. 
Từ hè năm 2009, nhà trường để cho các đơn vị, các nhóm nhỏ tự tổ chức theo nhu cầu và sở thích của mình. Nhóm nhỏ chúng tôi gồm 8 cán bộ-giáo viên của các đơn vị đã tổ chức đi tham quan các tỉnh Tây Nguyên.
Mặc một số lời bàn ra như “Tây nguyên xa lắm, ở đó có gì đặc biệt đâu mà phải ngồi xe đến mục xương sống!”, “Cứ đi một lần đi cho biết rồi sợ tới già”,…, chúng tôi vẫn chặt dạ và quyết tâm. Bởi vì đối với chúng tôi, đi tham quan-du lịch không phải chỉ để nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn là để mở rộng tầm nhìn, để khám phá những điều mới lạ. Điều đó rất cần đối với bất cứ ai, nhất là đối với các giáo viên có ít nhiều liên quan đến các lớp Việt Nam học (Văn hóa-Du lịch) của trường.

Ngày thứ nhất…

Chúng tôi lên đường từ 3 giờ sáng trong tâm trạng vô cùng háo hức, cái háo hức không hề có ở những lần khởi hành đi Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu,… do đa số chúng tôi lần đầu được đi tham quan các tỉnh Tây Nguyên. 

Qua khỏi địa phận TP HCM, xe rẽ sang đường 14. Lần đầu tiên được đi trên con đường lịch sử, chúng tôi thật bồi hồi xúc động. Chúng tôi hầu như không ai ngủ được, ngắm nhìn cảnh vật hai bên và chia sẻ với nhau những cảm xúc của mình. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé lại tham quan đó là chùm thác Gia Long-Dray Sap-Dray Nu. Đó là những thác nước trên sông Serepôk thuộc địa phận huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk., nằm cách TP Buôn Ma Thuột 30 km về phía nam. Được mục sở thị mới thấy lời nhận định “Ít ở đâu có nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ như ở Tây Nguyên” thật là không ngoa. Trước hết chúng tôi đi thăm thác Gia Long. Dẫn đến thác là một con đường hẹp chỉ đủ chỗ cho 1 chiếc xe bốn bánh lăn bánh, hai bên là rừng rậm âm u, hoang tịch khiến cho những ai nhát gan không khỏi rùng mình. Thác cao khoảng 30m, rộng khoảng 100m, bằng với chiều rộng của sông, được bao quanh bởi những cây đại thụ tạo nên vẻ uy nghi, hùng tráng. Nghe nói thác sở dĩ có tên là Gia Long là do ngày xưa vua Gia Long đã từng đến đây để nghỉ ngơi và cho xẻ núi làm một con đường rất đẹp để đi lên thác. 

Hình ảnh

(Hình 1. Thác Gia Long)


Rời thác Gia Long, chúng tôi đến khu du lịch thác Dray Sap, cách đó chừng 3 km về phía hạ nguồn. Bãi đậu xe ở đây rất rộng chứ không như hẹp và cheo leo như ở bờ thác Gia Long. Nhìn bảng chỉ dẫn, chúng tôi hiểu có 2 ngã đi: 1 ngã đi xuống dưới suối và 1 ngã lên đỉnh. Để tranh thủ thời gian, mặc cho trời mưa, chúng tôi vẫn đi theo ngã xuống suối. Những bậc thang bằng đá ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi đến một cái cầu treo. Dù lúc này trời mưa lâm râm, những “nhiếp ảnh gia” không chuyên đứng trên cầu dùng dù che để ghi lại vài hình ảnh toàn cảnh từ xa. Một số người đội mưa men theo bờ suối để đi đến gần thác Dray Sap và sau đó là thác Dray Nu. Thác Dray Sap, theo tiếng Ê Đê có nghĩa là thác khói bởi quanh năm hơi nước từ chân thác cứ bốc lên bay là là làm hư ảo cả một khoảng không gian, đẹp tự nhiên quyến rũ, nằm khuất sâu giữa một cánh rừng già. Ngọn thác hùng vĩ đổ ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Những ai trong đoàn không đi được đến gần thác đều vô cũng luyến tiếc. Tôi nghĩ rằng rằng sau những ngày lao động mệt mỏi, ta cùng người thân đến đây vui chơi, ăn uống, thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên thì chắc là thú vị lắm. 


(Hình 2. Thác Dray Sap)


Cả đoàn chúng tôi đồng lòng với nhau một điều là đã dự kiến đi đến đâu là quyết đi đến đó cho bằng được, dù có lỡ bữa cơm, dù tối mới về được đến chỗ nghỉ. Do vậy, hôm đầu tiên chúng tôi về đến nơi nghỉ ở TP Buôn Ma Thuột rất muộn rồi cùng nhau đi tản bộ vừa dạo phố ban đêm vừa tìm quán cơm bình dân. Cơm ở đây vừa rẻ, vừa ngon với những miếng thịt sườn nướng dày. Buôn Ma Thuột, gốc tiếng Ê Đê có nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột", nó xuất phát từ tên gọi “buôn của A ma Thuột” (A ma Thuột là tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng); để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay. Đó là thành phố lớn nhất Tây Nguyên, nay là thành phố loại 2. Dù vậy, vào ban đêm mới có hơn 20 giờ mà ngoài đường người, xe đi lại rất thưa thớt, khác hẳn với vẻ nhộn nhịp, ồn ào của những thành phố đồng bằng.

Ngày thứ hai…

Chúng tôi khởi hành từ 5 giờ sáng và chuẩn bị tinh thần cho một cuộc hành trình dài dằng dặc. Vượt 189 cây số, đi qua thị xã Pleiku đẹp và nên thơ, sau khi dừng chân dùng cơm trưa ở thị xã Kon Tum (thuộc tỉnh Kon Tum), chúng tôi ghé thăm Nhà thờ Chánh Tòa Kon Tum mà người dân ở đây gọi bằng cái tên gần gũi là Nhà Thờ Gỗ. Ngôi nhà thờ này nằm ở trung tâm thị xã, được xây dựng cách đây gần 90 năm. Đó là một công trình nghệ thuật vô cùng độc đáo, là sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa Tây Nguyên, tạo ấn tượng vừa trang nghiêm huyền bí vừa hết sức gần gũi. Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na, là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông,… tất cả được sắp xếp một cách hài hòa. Cảm giác đầu tiên khi tôi đến đây là cảm thấy mình thật nhỏ bé bên hàng cột gỗ hai người ôm không xuể giờ đã ngả màu đen bóng. Một nét độc đáo nữa là tất cả các bức tường đều được xây bằng đất trộn rơm - kiểu làm nhà của người miền Trung, dù gần một thế kỷ trôi qua vẫn vững vàng, bền đẹp.

Rời khỏi thị xã Kon Tum, xe trực chỉ đến ngã ba Đông Dương. Cảnh đẹp như tranh vẽ với đồi núi chập chùng và con đường uốn mình lượn khúc khi lên khi xuống làm chúng tôi vô cùng phấn khích. Đường hãy còn dài, dù có hơi ngao ngán nhưng cảm giác háo hức trong chúng tôi vẫn trội hơn. Không háo hức sao được khi tưởng tượng mình sẽ đến một nơi mà “một con gà gáy cả ba nước VN, Lào, Campuchia đều nghe”. Thầy chủ nhiệm khoa, trước khi đoàn lên đường, đã căn dặn là phải cố đi đến nơi này, giờ lại gọi điện thoại ra hỏi thăm tình hình và động viên tinh thần mọi người làm chúng tôi rất cảm động. Đến nơi chúng tôi thấy có một vòng xoay ở ngã ba: một ngã trở về VN, một ngã đi Kampuchea và một ngã đi Lào. Thì ra là vậy! Chúng tôi rẽ phải hướng sang Lào để đến cửa khẩu Bờ Y. Nghe nói từ đây đi bộ tới biên giới VN – Lào khoảng gần một cây số nhưng chúng tôi không còn đủ thời gian để đi. Thế là cả đoàn kéo nhau chụp hình kỷ niệm ở phía trước và phía sau cửa khẩu BỜ Y rồi đi dạo 1 vòng trong siêu thị miễn thuế. Chúng tôi thấy rất thỏa mãn vì đã đi được đến được nơi này.
Hình ảnh

(Hình 3. Cả đoàn trước cửa khẩu quốc tế Bờ Y)

Trở về đến thị xã Kon Tum rất muộn, chúng tôi khá vất vả mới tìm được nơi ngả lưng vì thị xã đang có nhiều đoàn khách nơi khác đến trọ để tham gia một chương trình liên hoan ca nhạc. Thị xã Kon Tum ban đêm khá êm đềm và vắng vẻ, nét đặc trưng của các thị xã cao nguyên. Đi dạo phố hít thở không khí trong lành và tìm mua một loại cà phê đặc sản chỉ có ở đây là một tiết mục hấp dẫn mà chúng tôi không thể bỏ qua.

Ngày thứ ba…

Từ 5 giờ sáng, từ giã thị xã Kon Tum, chúng tôi khởi hành hướng về phía nam và ghé thăm điểm đầu tiên - đập thủy điện Yaly. Cách thành phố Pleiku khoảng 40km về hướng tây bắc, đập thủy điện Yaly nằm trên sông Sê San thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai. Đây là nhà máy thủy điện có sản lượng lớn thứ hai và là công trình thủy điện ngầm lớn nhất nước. Hai bên con đường dẫn vào đây nhà cửa rất thưa thớt. Càng gần đến nơi đường càng vắng vẻ nhưng mọi người luôn miệng trầm trồ trước cảnh “mây ấp núi” đẹp như tranh vẽ. Những ai không chụp được cảnh này tấm hình nào phải tiếc ngẩn tiếc ngơ. Thời gian không cho phép chúng tôi vòng qua bên kia để vào tham quan bên trong đập thủy điện. Đó cũng là một điều khiến chúng tôi hẹn với lòng là sẽ trở lại nơi này khi có dịp.

Hình ảnh

(Hình 4. Đập thủy điện Yaly)

Bằng con đường khác, chúng tôi trở ra đường 14 trực chỉ hướng Pleiku. Còn cách thị xã Pleiku 6 cây số, chúng tôi rẽ trái để thăm hồ Tơ Nưng, nguyên là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Dẫn đến bờ hồ là con đường nhựa phẳng lỳ chạy xuyên qua những hẻm núi gồ ghề, vách thẳng đứng rêu phong, điểm tô bởi các bụi cây kim ngân hoa vàng rực rỡ. Mặt hồ ở cao trên một ngọn núi nên không bị các dải núi xung quanh che khuất, đứng bên bờ hồ có cảm giác như đứng bên bờ biển lộng gió. Có lẽ vì thế hồ Tơ Nưng được gọi là Biển Hồ. Chuyện kể rằng: “Làng Tơ Nưng xưa trù phú và đẹp lắm, dân bản sống yên vui hòa thuận. Bỗng một hôm núi lửa ập xuống vùi lấp làng Tơ Nưng. Những người sống sót khóc thương làng mình và người thân mãi không nguôi, nước mắt chảy thành hồ, hồ giữ lại tên Tơ Nưng như một kỷ niệm về buôn làng…”. Nơi đây còn là nơi hội tụ của nhiều loài hoa đẹp, nhiều loài chim, cá quý.
Qua thị xã Pleilu và TP Buôn Ma Thuột rồi rẽ phải để đi đến khu du lịch Buôn Đôn. Nhiều người đã nói rằng đến ĐăkLăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên ĐăkLăk. Như vậy có thể nói rằng khu du lịch Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh, một thương hiệu nổi tiếng của du lịch ĐăkLăk và Tây Nguyên nói chung. Đến đây, trước tiên chúng tôi được thưởng thức món cơm lam với gà rừng nướng chấm muối tiêu chanh. Vì đang đói nên ai cũng ăn ngon lành. Cơm lam cũng là cơm nếp nhưng được nướng trong ống tre. Khi ăn thì ta tét từng miếng vỏ tre ra. Đặc biệt ăn món này thì chỉ ăn bằng cách bốc bằng tay. Hai người ăn 1 con gà rừng nướng với 2 ống cơm lam là no lặc lè. Kế đến là tiết mục cưỡi voi đi tham quan cuộc sống buôn làng, qua đó hưởng cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi. Chưa hết, chúng tôi hồi hộp cùng nhau lắc lư nghiêng ngả trên các cầu treo Buôn Đôn bắc ngang lưng chừng những rặng si già trên dòng sông dữ Serepôk.

(Hình 5. Tác giả trên chiếc cầu treo tại Buôn Đôn)

Vừa đi qua mấy chiếc cầu treo thì thật không may một cơn mưa rừng dữ dội ập xuống làm chúng tôi bị lạc nhau và không tiếp tục tham quan các điểm như dự định: khu văn hóa nhà mồ, nhà sàn cổ, nhà trưng bày vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; không được tham gia giao lưu văn hóa cồng chiêng, đi thuyền độc mộc;… Thật là tiếc đến đứt ruột vì mấy thuở mới đến được nơi này. Đành phải tự an ủi bằng cách đi mua những đặc sản ở đây như lụa thổ cẩm, rượu cần và các loại đồ trang sức về làm quà cho người thân.
Một chuyến tham quan các tỉnh Tây Nguyên hùng vĩ, kỳ bí với biết bao nét độc đáo mà chỉ có 3 ngày thật ra chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Vì vậy, chúng tôi ao ước sẽ có dịp trở lại nơi này để tiếp tục khám phá những điều lý thú và hấp dẫn. Lời khuyên của ai đó “Cứ đi một lần đi cho biết rồi sợ tới già” xem ra đã không đúng - ít ra là đối với chúng tôi - rồi chăng?
Ngày 14/9/2010
PhNga - Khoa Sư phạm

1 nhận xét:

  1. Ai cũng là HOA HẬU

    Chuyến du lịch lần này được chúng tôi đặt tên là chuyến DU LỊCH KHÁM PHÁ. Bởi vì chúng tôi đi không nhằm mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, tẩm bổ (dù với khối lượng công việc đã làm trong năm, chúng tôi xứng đáng được như vậy), mà chủ yếu là tìm hiểu những cái mới vì điều đó rất cần thiết cho công tác của chúng tôi - những GV có tham gia giảng dạy các lớp du lịch của trường.

    Đường đi dài dằng dặc. Mặc dù vậy, chúng tôi không buồn nản vì trên xe có nhiều "tiết mục". Một trong những "tiết mục" đó là tán dóc, chọc ghẹo lẫn nhau, rồi lại "tổ chức bầu cử" các hoa hậu trên xe.
    Cuối cùng AI CŨNG LÀ HOA HẬU:
    - Người thì là hoa hậu ĐẸP "TÀN" DIỆN
    - Người thì là hoa hậu NÓI GIỎI (nói hoài không mệt)
    - Người thì là hoa hậu GÂY SỐC (mặc quần áo rất đặc biệt)
    - Người thì là hoa hậu ĐẰM THẮM (rất khiêm tốn, chỉ tham gia cười hùn)
    - Người thì là hoa hậu DU LỊCH KHÁM PHÁ (người đề ra kế hoạch KHÁM PHÁ + hễ xuống xe là xách máy ảnh đi cời cời, không ai chạy theo kịp, trừ tui hihi +...)
    - Người thì là hoa hậu DUYÊN DÁNG
    - Người thì là hoa hậu BÚP BÊ
    - Người thì là hoa hậu CA HÁT LÍU LO (một ca sĩ nhí tuổi mầm non)
    - Người thì là hoa hậu ĐI ĐIỆU
    - Người thì là hoa hậu SỢ MA
    - Người thì là hoa hậu KỂ CHUYỆN MA... GIẢ
    - Người thì là hoa hậu HẠNH PHÚC (sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay-một thời điểm quá đẹp + nhà cửa, đất cát, dâu con xong xuôi, đầy đủ,...)
    - Người thì là hoa hậu NGHỆ THUẬT [biết ca hát, chụp hình (người khác) đẹp]
    ................
    Có người nhận tới 2,3,4... danh hiệu HOA HẬU lận!
    kha kha kha...

    Trả lờiXóa