Không biết Ba của mình có phải là ông đồ hay không vì mình hiểu vẫn còn mơ hồ về khái niệm này (Mình thắc mắc: khái niệm "Ông đồ" và ông "Thầy đồ" có đồng nhất với nhau không?). Chỉ biết rằng Ba là người thâm nho, thích văn chương, thơ phú. Vào thời mình khoảng 4-6 tuổi, Ba có dạy chữ nho cho một người học trò-anh Lễ. Anh ăn ở hẳn trong nhà mình, mình rất thích vì tự nhiên có ông anh khơi khơi. Những khi anh đi đào dế cơm thì mình đi theo coi và thường giành xách cái ấm cũ đựng dế. Mình nhớ, lúc đó, ai đi học chữ nho là bị những cô gái trẻ chê là "ông già xưa", anh cũng bị gọi như vậy. Đúng là thời "nho học suy tàn".
Những ngày cận tết, dù bán buôn bận rộn, nhưng Ba vẫn vui vẻ viết liễng cho những ai có nhu cầu. Những câu đối trên liễng là do Ba tự nghĩ ra, khi được những câu đối hay, Ba thích chí đọc to lên chia sẻ với con cái. Ba còn vẽ mấy là bùa dựng nêu trên giấy hồng đơn tặng cho bà con xóm giềng. Trong xã và cả những xã lân cận, nhà nào có đám tang cũng đến rước Ba đi để vẽ mấy miếng vải thờ, xem ngày giờ nhập quan, động quan,... Ngoài ra, Ba còn giúp người ta xem mạch và ra toa (bằng chữ nho) để người ta tự đi hốt thuốc,...Tất cả những việc đó Ba chỉ làm giùm bà con chứ không lấy tiền công. Ba thường bảo: "Nghèo chết bỏ chứ Ba không bán chữ. Đời cha bán chữ thì đời con cái học dở và nghèo lắm!". Theo lời Ba kể, hồi nhỏ Ba học chữ nho với ông nội, sau đó học lóm chữ quốc ngữ chỉ được đúng một tháng. Vậy mà, Ba viết chữ rõ ràng, đẹp, rất ít sai chính tả nhờ ba thường để ý khi đọc sách (cuốn Minh Tâm Bửu Giám và các cuốn truyện, thơ, văn, sử,...) và thường hỏi các con khi thắc mắc để phân biệt; biết, nhớ và kể rất hấp dẫn nhiều câu chuyện sử, văn chương đông-tây kim-cổ. Mình tự hào Ba của mình là người quí chữ nghĩa và coi trọng sự học của con cái. Dù nghèo nhưng chưa bao giờ Ba có ý định cho con cái nghỉ học để đi làm thuê làm mướn kiếm tiền. Ba nói đời Ba đã quá thấm thía cái câu "Ruộng đất bề bề không bằng một nghề trong tay". Ông Nội có hàng chục mẫu đất mà có giữ được đâu!
Như cái lệ, cả nhà mình thức đầy đủ đến giờ giao thừa. Sau khi cúng giao thừa, Ba bắt mỗi đứa phải viết cái gì đó để khai bút đầu năm. Sáng mùng một, tất cả phải dậy sớm lạy bàn thờ tổ tiên rồi mừng tuổi Ba Má (Ba mặc áo dài khăn đóng ngồi cùng Má để nghe các con đứng xếp hàng khoanh tay mừng tuổi). Dĩ nhiên là cũng được Ba Má lì xì. Xong thủ tục đó thì mới được tự do đi chơi.
Khi cao tuổi, Ba mình trở thành ông già… hơi bị đặc biệt: lúc nào cũng mặc bộ ba ba trắng, mang đôi guốc vông quai đen bằng…vỏ xe đạp do tự tay đẽo, cắt, đóng (con cái mua guốc ở chợ ông không chịu), tính tình vui vẻ lạc quan, hay tếu,… Thằng con mình hồi học lớp Năm làm tập làm văn kể rất thật về ông ngoại đã được điểm tối đa (vì có lẽ những chuyện nó kể về ông ngoại nghe khá thú vị).
Trong số các con, Ba cưng mình nhất dù mình là con gái. Vì nhiều lẽ: giống Ba nhất, ngoan nhất (hihihi) và cũng...lí lắc nhất. Khi các con đã trưởng thành thì Ba thương mình nhất vì mình là đứa con có hoàn cảnh...không bình thường nhất.
Hàng năm, những ngày cận tết là những ngày tất bật lo liệu đủ việc và khi sống xa quê, đó cũng là những ngày nhớ nhà, nhớ Ba Má nhất, đặc biệt là Ba.
Bây giờ Ba Má không còn nữa, rồi do quá mệt mỏi vì công việc dọn dẹp nhà cửa nên mình không còn chút hứng thú về quê!
Xuân Mậu Tý
17/01/2008
Nghe người lớn kể lại, hồi trẻ Ba là công tử bột, trắng trẻo, cao ráo, đẹp trai, chỉ ăn học (học chữ Nho) và vui chơi (văn chương, thơ phú). Rồi cả gia đình Nội bỏ xứ, ly tán nhiều nơi. Từ chỗ là "công tử", Ba phải đi làm đủ nghề lao động để kiếm sống và cuối cùng theo nghề buôn bán tạp hóa là chính. Khi cuộc sống gia đình tạm ổn, máu văn nghệ của Ba lại nổi lên, Ba cùng bạn bè lập "Ban văn nghệ" để hát hò, diễn tuồng cải lương phục vụ bà con miễn phí. Có nhiều mẩu chuyện vui vào thời này thường được Ba Má, chị hai và các cô bác kể lại rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo... Do cái tính mê văn nghệ văn gừng hơn mê làm kinh tế của Ba mà Má phải gánh vác nhiều chuyện gia đình - phụ nữ bao giờ cũng chịu đựng giỏi mà! Có khi quá cực khổ mà Má đâm ra ghét cái thói vô tư của Ba...Rồi càng lớn tuổi, Má càng suy nghĩ thiên lệch rằng Ba không biết lo cho gia đình. Chứ thật ra, mình nhớ lúc mình còn nhỏ, Ba cũng có lo chăm sóc cái tiệm tạp hóa: đi chợ Châu Đốc bổ hàng (bằng tàu, và nhiều lần dắt mình theo chơi - đi tàu "đã" thiệt!), lập sổ ghi tiền chịu rất khoa học, đứng bán hàng tiếp Má,... Ba còn tham gia trực ở Nhà thuốc Nam từ thiện nữa,... Ba đâu là người chỉ ham chơi!
Có lẽ do Má quá cực khổ rồi có lúc sinh ra bẳn gắt, khó cảm thông với tâm hồn lãng mạn của Ba? Cũng rất dễ thông cảm với Má. Trong gia đình, thường người phụ nữ thường phải lo nhiều chuyện cụ thể, thực tế (về vật chất) và do đó thường có cái nhìn rất thực tế; Người đàn ông thì lo chuyện lớn và xa hơn và do đó đôi khi thiếu thực tế chăng? Những người có tâm hồn "văn nghệ văn gừng" như Ba mình thì lại càng thiếu thực tế hơn nữa. Niềm vui lớn nhất của ông là nghiền ngẫm thơ văn Đông Tây Kim Cổ rồi kể, giải thích cho con cháu nghe.
Nhớ hồi nhỏ, buổi tối chị em mình cùng với mấy đứa bạn trong xóm hay tụ tập lại để nghe Ba kể chuyện cổ tích, chuyện Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Vân Tiên Nguyệt Nga, Phong Thần, Tây Du Ký,... Ba có lối kể chuyện rất hấp dẫn. Mỗi tối ba kể một đoạn và ngừng lại ở chỗ ly kỳ nhất làm cả bọn tiếc hùi hụi rồi náo nức chờ đến tối hôm sau.
Nhớ nhất là có một lần vào ban ngày, mấy cha con đang say sưa bàn luận rất tâm đắc chuyện thơ văn thì Má xen vào nói hay sai bảo gì đó, kéo cha con về thực tại trần trụi, phũ phàng làm tất cả cụt hứng. Lúc đó trông Ba như quả bòng xì hơi, thật là tội! Có lẽ vì có ấn tượng như vậy nên sau này, khi thấy cái tâm hồn "thơ/văn/nhạc" của ai đó bị cụt hứng nửa chừng do những tác động của ngoại cảnh thì mình rất dễ thấu hiểu và cảm thông?
.....................
(Viết tới đây thì...hết ý rồi. 01h00' sáng ngày 24/6/2008 VN)
PhNga
Có lẽ do Má quá cực khổ rồi có lúc sinh ra bẳn gắt, khó cảm thông với tâm hồn lãng mạn của Ba? Cũng rất dễ thông cảm với Má. Trong gia đình, thường người phụ nữ thường phải lo nhiều chuyện cụ thể, thực tế (về vật chất) và do đó thường có cái nhìn rất thực tế; Người đàn ông thì lo chuyện lớn và xa hơn và do đó đôi khi thiếu thực tế chăng? Những người có tâm hồn "văn nghệ văn gừng" như Ba mình thì lại càng thiếu thực tế hơn nữa. Niềm vui lớn nhất của ông là nghiền ngẫm thơ văn Đông Tây Kim Cổ rồi kể, giải thích cho con cháu nghe.
Nhớ hồi nhỏ, buổi tối chị em mình cùng với mấy đứa bạn trong xóm hay tụ tập lại để nghe Ba kể chuyện cổ tích, chuyện Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Vân Tiên Nguyệt Nga, Phong Thần, Tây Du Ký,... Ba có lối kể chuyện rất hấp dẫn. Mỗi tối ba kể một đoạn và ngừng lại ở chỗ ly kỳ nhất làm cả bọn tiếc hùi hụi rồi náo nức chờ đến tối hôm sau.
Nhớ nhất là có một lần vào ban ngày, mấy cha con đang say sưa bàn luận rất tâm đắc chuyện thơ văn thì Má xen vào nói hay sai bảo gì đó, kéo cha con về thực tại trần trụi, phũ phàng làm tất cả cụt hứng. Lúc đó trông Ba như quả bòng xì hơi, thật là tội! Có lẽ vì có ấn tượng như vậy nên sau này, khi thấy cái tâm hồn "thơ/văn/nhạc" của ai đó bị cụt hứng nửa chừng do những tác động của ngoại cảnh thì mình rất dễ thấu hiểu và cảm thông?
.....................
(Viết tới đây thì...hết ý rồi. 01h00' sáng ngày 24/6/2008 VN)
PhNga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét