Viết kịch bản: PhNga
Đạo diễn: Nguyễn Thị Ánh Mai và PhNga
Diễn viên: các GV của khoa Xã hội: cô Diệu Loan, cô Nguyệt Quế, cô Bé Tư, cô Dư, thầy Trung Đẩu và PhNga
Diễn viên: các GV của khoa Xã hội: cô Diệu Loan, cô Nguyệt Quế, cô Bé Tư, cô Dư, thầy Trung Đẩu và PhNga
Đạo cụ: Lớp Địa-GDCD A K29
Ánh sáng, âm thanh: ĐV Tình
........
Ánh sáng, âm thanh: ĐV Tình
........
(Phỏng theo truyện“Kiến trúc sư đã xây nên Châu Mỹ” trong tập truyện ngắn “Con cái chúng ta giỏi thật” của nhà văn trào phúng Thổ Nhỉ Kỳ Azit Nêxin)
---------------------
MÀN MỘTLớp 5B trường Tiểu học AT3. Cuối buổi học chiều thứ hai.
Cô giáo (vẻ mặt lo lắng và nghiêm trọng): Hôm nay mình nghỉ sớm một chút để bàn một việc quan trọng. Các em đã biết, vài hôm nữa thế nào trường ta cũng bị thanh tra. Cô lo lắm các em ạ. Thứ sáu tuần rồi cô đã dặn các em về nhà hỏi thăm dùm cô tình hình thanh tra ở các trường bạn.. Hôm nay các em trình bày xem mình đã nắm được gì nhe.
Em Vui (nhanh nhẩu giơ tay và đứng lên): Thưa cô, mẹ em dạy ở trường AT1 nói ông tranh tra này khó lắm. Ông vào thăm lớp nào là học sinh lớp đó mặt mày cắt không còn giọt máu.
Em Bé Bự (đứng lên): Thưa cô, dì ba em dạy ở trường AT2 nói các thầy cô giáo run lắm, có cô run quá rồi...rồi...lấy bông lau bảng để lau mồ hôi nữa!
Em Loan (đứng lên, vẻ mặt nghiêm trọng): Cô ơi! Ba em hỏi thăm bạn bè ở nhiều trường nắm được tin quan trọng này: Ông thanh tra này đi đến lớp nào cũng yêu cầu thầy cô cho HS làm một bài toán rồi viết một bài thơ. Sau đó ông xem tập một số học sinh và nhận xét. Cuối cùng ông nêu một số câu hỏi cho HS trả lời. Đặc biệt là ở lớp nào ông cũng chỉ hỏi có mấy câu, mà lại theo đúng một trật tự như nhau nữa!
Em Dư: Thưa Cô, em cũng nghe chú em nói như vậy nữa!
Em Bé Bự (quay qua nhìn em Loan): Vậy bạn có ghi lại những câu đó hông?
Em Loan (lật tập): Có đây, có đây. Em đọc cho cả lớp nghe nha cô?
Cô giáo (gật đầu): Ừ, em đọc đi xem có giống những câu cô ghi không.
Em Loan: Câu 1 – Em yêu ai nhất?; Câu 2 – Ai đã phât cao cờ Bình Tây chống thực dân Pháp? 3 – Đoạn sông MêKông chảy qua nước Việt Nam được gọi là gì?; Câu 4 – Tại sao gọi là Cửu Long?
Cô giáo: Thôi tốt lắm rồi, cô cám ơn mấy em. Cô cũng nắm được những thông tin đúng y như vậy. Bây giờ các em lấy giấy nháp ra cô đọc cho ghi từng câu trả lời. Các em phải học thuộc như cháo đấy nhé. Khi ông thanh tra hỏi đến em nào, em đó phải trả lời thật nhanh nhé!
Học sinh (đồng thanh): Thưa Cô, chúng em nhớ ạ!
Cô giáo (đọc): Câu một là “Mẹ em” hay “Ba em” hoặc “Bà em”, câu này các em trả lời tự do; Câu hai là “Đại nguyên soái Bình Tây Trương Định”; Câu ba là “Sông Cửu Long”; Câu bốn là “Vì nó đổ ra biển bằng chín cửa”. Xong rồi nhé! Bây giờ cô đọc số, các em thử trả lời chung nhé.
Học sinh (đồng thanh): Dạ
Cô giáo (dõng dạc): Một
Học sinh (đồng thanh): Mẹ em (Ba em, Bà em,...)
Cô giáo (dõng dạc): Hai
Học sinh (lao nhao): Đại Nguyên soái Bình Tây Trương Định.
Cô giáo (dõng dạc): Ba
Học sinh (đồng thanh): Sông Cửu Long
Cô giáo (dõng dạc): Bốn
Học sinh (đồng thanh): Vì nó đổ ra biển bằng chín cửa.
Cô giáo (mỉm cười phấn khởi): Các em giỏi lắm. Bây giờ mỗi lần cô gõ lên bàn một cái là các em trả lời một câu theo thứ tự đó nhé
(Thế là cô giáo tay cầm thước kẻ dài năm tấc gõ lên bàn, học sinh lần lượt trả lời theo đúng thứ tự: Cộp...Mẹ em (Ba em, Ba em,...)....Cộp....Nguyên soái Bình Tây Trương Định...Cộp....Sông cửu Long...Cộp...Vì nó đổ ra chín cửa...Cộp...Mẹ em ....Cộp.....Đại Nguyên soái Bình Tây Trương Định...Cộp...)
Cô giáo (vẻ mặt mãn nguyện): Các em giỏi lắm. Bây giờ các em chép đề toán và bài giải rồi một bài thơ rồi cô sẽ sửa kỹ cho từng em, không để có một lỗi nhỏ nào. Về nhà các em chép cho sạch sẽ vào cuốn tập mới. Khi ông thanh tra yêu cầu đưa tập thì các em đưa cuốn tập đó cho ông xem. Nhớ không để sai một lỗi nào. Nếu sai thì cô trò ta chết cả nút đấy nhé!
Học sinh (đồng thanh): Dạ!
Màn hạ.
--------------------------------------
MÀN HAI
Tại nhà em Loan. 8giờ rưỡi tối.
Em Loan, trong bộ đồng phục học sinh, ngồi ở bàn học, ngáp, miệng lẩm bẩm: "Mẹ em... Đại Nguyên soái Bình Tây Trương Định.... Sông Cửu Long...Vì nó đổ ra biển bằng chín cửa...Mẹ em...Đại Nguyên soái Bình Tây Trương Định....” rồi dần dần gục lên bàn. Mẹ em Loan, rực rỡ trong bộ áo dài, bước vào nhà, vừa đi vừa nói một mình: “Văn nghệ với văn gừng, bỏ con cái đến giờ này...”
Mẹ em Loan (Nhìn thấy con gái ngủ gục, bước lại gần và đặt tay lên vai Loan, lay): Loan à, Loan!..sao giờ này mà chưa tắm rửa, thay đồ? Ăn cơm chưa con?
Em Loan (giật mình ngẩng đầu lên, nhướng mắt mệt mỏi nhìn mẹ): Mẹ mới về! Con đói quá nhưng chờ mẹ về. Mà con lo quá nên cũng không muốn ăn. Con lo học cho thuộc mấy câu trả lời. Tội nghiệp cô con lắm mẹ ơi! Cô con lo lắm, vụ thanh tra đó mẹ. Tụi con cũng lo nữa.
Mẹ em Vẻ: Ừ, nhưng bây giờ lo đi tắm rửa rồi ăn cơm với mẹ, lát nữa học tiếp. Học kiểu này ốm o rồi còn gì! Để mai mẹ mua thêm sữa Cô gái Hà Lan cho con nhe.
Em Loan: Dạ (Đứng lên xách cặp vừa đi vào trong nhà vừa lẩm bẩm)... Mẹ em....Đại Nguyên soái Bình Tây Trương Định.... Sông Cửu Long...Vì nó đổ ra biển bằng chín cửa.....
Màn hạ.
-------------------------------------
MÀN BA
Lớp học 5B. Tiết hai.
Có tiếng gõ cửa “Cộp... cộp...cộp....”
Cô giáo (đi ra cửa lớp, nhìn khách gật đầu): Dạ chào ông!
Ông Thanh tra (Nhìn cô giáo): Chào cô! Xin tự giới thiệu, tôi là cán bộ thanh tra Lớp này là lớp nào vậy cô? Tôi vào thăm lớp một chút nhé!
Cô giáo (gượng gạo): Dạ đây là lớp 5B. Xin mời ông Thanh tra!
(Ông Thanh tra bước vào lớp... Lớp trưởng hô: “Học sinh...nghiêm”... Cả lớp đứng lên đồng thanh: “Kính chào!)
Ông Thanh tra (nhìn khắp lớp): Chào các em, các em ngoan lắm! (quay sang cô giáo) Giờ cô đọc cho các em chép một bài thơ nhé!
Cô giáo: Vâng! (cố ý bước xuống vài bước để ông Thanh tra không thấy mặt mình, nhìn xuống HS nháy mắt ra hiệu) Các em lấy tập ra chép bài thơ nhé. Nào, bắt đầu...”Trăng ơi từ đâu đến... Hay biển xanh diệu kỳ.... Trăng tròn như mắt cá.... Không bao giờ chớp mi”... (quay sang nhìn ông Thanh tra vẻ mặt chờ đợi)... Dạ thưa ông Thanh tra, xong rồi ạ...
Ông Thanh tra (đi một vòng quanh quan sát HS, cầm tập của vài em lên xem, gật gù): Tốt lắm! Không sai một lỗi chính tả nào... Tốt lắm! Chữ đẹp quá... (ngạc nhiên) Ủa, sao lại vầy... Cho một hình bình hành có đường cao... Sao không phải thơ mà là bài toán? (Nghiêm khắc nhìn em Loan) Tập chép thơ của em đâu?
Em Loan (xanh mặt, lắp bắp): Dạ...dạ....thưa...
Cô giáo ra đứng phía sau lưng ông Thanh tra đưa tay ra hiệu...
Em Loan (lấm lét, lắp bắp): Dạ... dạ ... em chưa chép thơ ạ.
Ông Thanh tra (Nhìn em Loan một hồi): Ạ, tôi hiểu rồi (bất ngờ chỉ vào em Loan). Vậy hãy trả lời tôi “Ai đã phất cao cờ Bình Tây chống Thực dân Pháp?
Em Loan (giật mình): Dạ mẹ em ạ!
Ông Thanh tra (ngạc nhiên, mắt tròn xoe): Vậy mẹ em là ai?
Em Loan (không chút suy nghĩ): Dạ là Đại Nguyên soái Bình Tây Trương Định ạ.
Ông Thanh tra (trợn mắt, bất chợt chỉ vào em Bé Bự): Này, em hãy nghe cho rõ và trả lời cho tôi: Đại Nguyên soái Bình Tây Trương Định là ai?
Em Bé Bự (không chút suy nghĩ): Dạ là sông Cửu Long ạ.
Ông Thanh tra (Đưa hai tay lên đầu như ...đầu hàng, chỉ vào em Dư): Em có biết tại sao các bạn lại trả lời như vậy không?
Em Dư: Dạ tại vì nó đổ ra biển bằng chín cửa đấy ạ.
Ông Thanh tra (đưa tay vò đầu): Ối giời ơi! Sao các em không nói rằng mẹ em là sông Cửu Long, ủa mà mẹ em là Đại Nguyên soái Bình Tây, ý mà Đại Nguyên soái Bình Tây là sông Cửu Long,... Giời đất ơi, các em làm tôi điên cái đầu rồi!
Cô giáo (ôm đầu khổ sở): Thôi chết tôi rồi!
Màn hạ.
=========================
VÀI LỜI CỦA TÁC GIẢ
Vở kịch đã đoạt giải nhất trong Hội thi văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo VN 20/11/2006. Sở dĩ nó đoạt được giải nhất là vì ...chỉ có một vở kịch duy nhất . Nhưng dù sao nó cũng được hoan nghênh nhiệt liệt vì nó là phát pháo “mở hàng” thể loại này trong Hội thi VN của CB-GV.
Mọi người biết hông, vừa mở màn là các khán giả, từ BGH nhà trường cho tới SV cười ngả cười nghiêng vì dàn diễn viên rất đặc biệt: cô giáo thì ốm cà tong (do PhNga đóng) còn các học trò thì đều thuộc loại "Bé Bự" (do các cô... xổ sữa đóng) nhưng vẫn mặc đồng phục, thắt khăn quàng đỏ, tóc thắt bím buộc nơ đỏ đàng hoàng
16/8/20087 - PhNga
(sẽ bổ sung hình sau)
(sẽ bổ sung hình sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét