Những năm 60 của thế kỷ trước, chuyện kể của bác Ba Phi xuất hiện như một hiện tượng lạ, lý thú. Mỗi câu chuyện là một sự sáng tạo độc đáo, in đậm cá tính của người và đất Cà Mau.
LTS: Ngày nay, mọi người đều biết những câu chuyện kể của bác Ba Phi - những câu chuyện gây tiếng cười sảng khoái đầy tính hài hước, hóm hỉnh về vùng U Minh hoang dã. Tuy nhiên, ít ai biết về cuộc đời thực, phiêu bạt của ông. Loạt bài này góp nhặt những câu chuyện đời thật và chuyện kể của bác Ba Phi qua truyền tụng.
Từ Cà Mau qua Giồng Kè, vượt sông Ông Đốc, chúng tôi về xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời để tìm đến kênh Ba Phi, ấp Đường Ranh thăm xứ sở bác Ba Phi. Ngày nay, trong trí nhớ từ người già đến lớp trẻ còn thuộc nằm lòng hàng trăm chuyện cười bác Ba Phi kể về thiên nhiên trù phú U Minh.
Đời phiêu bạt
Bác Ba Phi là nhân vật có thật, tên Nguyễn Long Phi. Có người nói bác Ba Phi sinh năm 1890 trong một gia đình nông dân ở Đồng Tháp Mười. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thuận, con gái út của người vợ thứ hai của bác Ba Phi, thì ông sinh năm 1884 tại Cà Mau, thuộc vùng Cái Rắn, huyện Cái Nước, trong một gia đình họ tộc dưới thời chúa Nguyễn. Ông là người con thứ hai trong một gia đình năm anh em. Gọi bác Ba Phi là gọi theo thứ của người vợ (cả) sau này. Ông có đến ba người vợ.
Ông Nguyễn Văn Huyện (Mười Huyện), con của một người em của bác Ba Phi, kể: “Năm bác Hai tôi (tức bác Ba Phi) lên 10 tuổi, cả gia đình đã phải đèo bòng xuống tận Kinh Ngang (nay là kênh Ba Phi, thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) để tránh sự truy đuổi của quan quân chúa Nguyễn”.
Kênh Ba Phi ngày nay không còn vẻ hoang sơ
mà đã có điện, đường, trường, trạm. Ảnh: HUỲNH LỘC
mà đã có điện, đường, trường, trạm. Ảnh: HUỲNH LỘC
Thuở ấy, rừng U Minh với bao chim muông, rắn độc, thú dữ. Ông Hai Phi lớn lên trong cuộc “khai sơn phá thạch” thực sự giữa rừng U Minh hoang vu. Năm 15 tuổi, ba của Hai Phi lâm bệnh qua đời. Hai Phi phải gánh vác mọi việc. Năm 17 tuổi, ông trở thành chàng trai sức vóc, mỗi ngày phát xong một công rưỡi đất cỏ (hơn 1.900 m2) trong khi bạn bè cùng trang lứa khỏe mạnh cũng chỉ phát nổi một công. Hai Phi say mê đờn ca tài tử và rất giỏi đờn cò. Nhưng rồi năm 18 tuổi, Hai Phi bị Pháp bắt đi phu và sau đó thành lính lê dương sang Pháp. Sau ba năm đi lính, Hai Phi lưu lại Pháp thêm bốn năm, sau đó cùng hai lính lê dương trốn sang Xiêm và tìm đường về ẩn náu giữa rừng U Minh. Tại đây, Hai Phi quen thân với Sáu Lớn - một tù Côn Đảo vượt ngục. Những ngày ẩn náu giữa rừng U Minh, Hai Phi kết bạn với Tư Ứng - con trai hương quản Tế (tức Trần Văn Tế), một người giàu có nổi tiếng nhất vùng.
Trở thành tiểu điền chủ
Thấy Hai Phi khỏe mạnh, thật thà, hương quản Tế nhận Hai Phi làm công, trông coi ruộng đất. Có được công ăn việc làm, Hai Phi có điều kiện giúp người tù vượt ngục Sáu Lớn và hai người bạn Pháp. Hương quản Tế thấy Hai Phi là người đàng hoàng, chịu khó, siêng năng, có nghĩa khí nên có ý định gả người con gái thứ ba (tên Trần Thị Lữ) cho Hai Phi. Mặc dù vậy nhưng Hai Phi không được cưới ngay bà Ba Lữ mà phải ở rể thêm ba năm trong khi chưa biết mặt vợ. Lúc đó bà Ba Lữ còn đang ở điền Thứ Vải (nay là huyện Phú Tân, Cà Mau). Tuy là con nhà giàu nhưng bà Ba Lữ không mấy xinh đẹp. Có lẽ vì vậy mà hương quản Tế đã chia cho con rể Hai Phi hàng ngàn công đất để bù đắp (!). Lấy bà Ba Lữ, trở thành tiểu điền chủ của xứ U Minh, từ đó cái tên Hai Phi không còn nữa, người ta gọi ông theo thứ của vợ, tức Ba Phi!
Vợ chồng Ba Phi chăm lo xây dựng cơ nghiệp. Ông huy động hàng ngàn lượt tá điền đào một con kênh giữa ruột rừng U Minh chạy thẳng ra biển Tây để vận chuyển sản vật U Minh bán cho tàu buôn cập trong vịnh Thái Lan. Ông cho tá điền trồng tràm dọc hai bên bờ kênh, từ đó kênh Lung Tràm thành tên.
Mộ phần bác Ba Phi nằm giữa mộ bà Trần Thị Lữ
và bà Lữ Thị Cham. Ảnh: HUỲNH LỘC
và bà Lữ Thị Cham. Ảnh: HUỲNH LỘC
Sống với bà Ba Lữ gần năm năm nhưng bà không sinh cho ông một đứa con nào. Nhiều đêm buồn, ông ngồi một mình kéo đờn cò đến tận khuya. Một hôm bà Lữ mở lời cưới vợ thứ cho ông. Người vợ thứ chính là người đang ở đợ trong gia đình bà Lữ, tên Lữ Thị Cham (còn gọi là Cà Cham) - người con gái dân tộc Khmer Nam Bộ. Bà Cà Cham ở với ông có được ba mặt con và qua đời lúc mới 24 tuổi. Cũng trong thời gian này, bác Ba Phi thường thay ông quản Tế chở cá lên Mỹ Tho để bán. Con gái ông chủ vựa cá Mỹ Tho đã đem lòng thương yêu và sinh cho ông được một đứa con, tên Nguyễn Tứ Hải. Ông Hải đã mất cách đây 48 năm, hiện vợ ông Hải là bà Nguyễn Thị Anh đang trông coi đất đai và mồ mả bác Ba Phi.
Năm 1942, bác Ba Phi đã hiến hàng ngàn công ruộng cho cách mạng để cấp cho dân nghèo, chỉ chừa chưa đến 50 công để ở và làm ruộng.
Một nghệ sĩ dân gian
Bác Ba Phi có tới hàng trăm chuyện cười hấp dẫn kể về thiên nhiên trù phú rừng U Minh một cách cường điệu tột độ, lôi cuốn người nghe cười ra nước mắt. Ông là một nghệ sĩ dân gian thực thụ, vừa sáng tạo tác phẩm vừa biểu diễn. Điều lạ và hiếm là ông chỉ biểu diễn bất cứ chỗ nào, miễn có người nghe, dù đó là bầy trẻ hay chú bộ đội ghé qua nhà. Nhà báo-nghệ sĩ NGUYỄN HẢI TÙNG, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, nay tách thành hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu |
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, chuyện kể bác Ba Phi xuất hiện như một hiện tượng lạ, lý thú, gây sự chú ý nhiều người, dần dà cuốn hút mọi đối tượng, nhất là anh chị em giao liên, chiến sĩ bộ đội. Bác Ba Phi không chỉ nổi danh qua từng câu chuyện kể in đậm cá tính của người và đất Cà Mau mà từng câu chuyện còn là sự sáng tạo độc đáo.
Về U Minh nghe kể chuyện bác Ba Phi, tôi như thấy ẩn hiện một bác Ba Phi trước mặt với tấm lưng trần, đầu quấn khăn rằn, một tay đang đặt cây mác vót xuống bắp vế, trên môi còn bập bập điếu thuốc gò vấn bằng giấy nhựt trình.
Bác Ba Phi qua đời ngày 3-11-1964, thọ 80 tuổi. Nhưng cái tên Nguyễn Long Phi (tức Ba Phi) vẫn còn như một dấu ấn sâu đậm tại mảnh đất quê nhà thuộc vùng U Minh giàu truyền thống cách mạng. Mộ của ông nằm giữa hai ngôi mộ của hai bà vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham dưới bóng dừa mát rượi tại đầu kinh Lung Tràm, ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét