6 tháng 10, 2010

Tôi đi thi Tuyển sinh Đại học

Vào nhng ngày đu tháng 7 dương lch, nơi thành ph tôi đang sng, ngoài đường người và xe c đông đúc khác thường: các sĩ t các tnh lân cn đến đ chun b tham gia kỳ thi tuyn sinh vào các trường đi hc.
Đa s các sĩ t các tnh đu có cha/m/anh/ch đi theo đ lo lng chuyn đi đng, sinh hot, ăn ung,... và ng h tinh thn.
Cũng vào những ngày này, những kỷ niệm đặc biệt của một lần đi thi tuyển sinh lại sống dậy trong tôi. Xin kể lể dài dòng cho mọi người nghe chơi.
 
Từ hoang mang…


Tôi học xong chương trình trung học phổ thông vào cuối tháng 4 năm 1975. Do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, chúng tôi không đi dự lễ phát thưởng vào cuối năm học, không đi thi Tú tài mà ở nhà chờ tin mới. Đến tháng 7/1975 chúng tôi được tập trung về trường để lao động và học thêm môn Văn và môn Chính trị. Mãi đến ngày 21/9/1975 chúng tôi mới dự kỳ thi Tốt nghiệp PT (không gọi là kỳ thi Tú tài như trước nữa). Thay vì thi trắc nghiệm nhiều môn như đã chuẩn bị suốt năm học, HS ban A chúng tôi thi chỉ có 3 môn: Sinh vật, Văn và Pháp văn. Một  tháng sau có kết quả: tôi đậu cao – là 1 trong 2 người đậu loại A của tỉnh (người kia là Trần Long Phụng). Nhưng để làm gì tiếp theo? Tôi cũng không biết  nên đành phải nằm chờ.
Trong giai đoạn này, đa số các gia đình đều xuống dốc về kinh tế. Gia đình tôi cũng vậy, đã nghèo nay lại càng nghèo khó, thiếu hụt hơn. Tốt nghiệp xong không biết sẽ làm gì tiếp, tôi cùng chị Út  Huệ- bà chị cô cậu từ Long Xuyên lên - đi gom mua dài dài theo các nhà vườn trong làng các thứ như măng tre, dưa leo, trái cây các loại để đem ra chợ Tân Châu bán sỉ hoặc bán lẻ lại. Tôi vốn không biết và không thích buôn bán (bán tại nhà thì được) nhưng vì gia cảnh quá ngặt nghèo nên phải ráng. Cũng may nhờ có chị Út, nếu không thì thứ nào vô tay tôi cũng từ huề vốn tới lỗ! Tiền  hai chị em kiếm được mỗi ngày đủ để mua vài lít gạo, một-hai yến khoai lang hoặc khoai mì để ăn độn và một ít cá và rau. 

Khi nghe tin các trường Đại học có bán hồ sơ thi tuyển sinh ĐH, tôi đã rất phân vân: không biết có nên mua để thi vô ĐH hay không; mình có đủ sức để theo học hay không với gia cảnh khó khăn như vậy? Thi có đậu hay không, khi mình không là đối tượng được hưởng ưu tiên?  Ôi tương lai thật là mờ mịt! Rồi… có một ân nhân đang công tác ở Đồng Tháp đã đi đến SG để mua đơn cho tôi, bắt tôi phải làm đơn để thi! Vì theo ân nhân, nếu tôi nghỉ học thì rất uổng. Ân nhân tiếc cho tôi nên phải "ra tay nghĩa hiệp". Và cũng từ đó cho tới tận bây giờ, tôi có thêm một ông anh ngang hông luôn đối xử với tôi như bát nước đầy. Đó là một trong những cái tôi "được" trong cuộc đời này, kể cũng an ủi. Ngày tôi đi nộp đơn thi tại trường ĐHCT, ông anh này đã cho cho tôi tiền lộ phí (thời đó mỗi thí sinh phải tự đi nộp đơn ở trường  ĐH mình muốn thi vào), anh dọa nếu tôi không nhận thì anh sẽ cắt đứt tình anh em.

Biết rằng đã quyết định thi thì phải học bài, phải luyện nhiều bài tập, nhưng tôi còn sức lực và tinh thần đâu nữa để học! Ban ngày dang nắng, dầm mưa và đi bộ muốn rã cặp giò, tối đến vừa cầm cuốn sách/tập lên đọc chừng một hai trang là hai mi mắt tôi đã sụp xuống rồi. Đã vậy, lòng lại hoang mang đủ chuyện! 

… đến phiêu lưu...


Nhưng đến ngày thi thì cũng phải đi. Mà tá túc ở đâu trong mấy ngày thi đây? 
Thật may! Có đứa bạn chung lớp đi tháp tùng theo một chị bà con, chị này có bà con nhà ở Cần Thơ. Cô bạn cùng hai cha con chị đó đi xuống CT trước ngày thi ba ngày; còn tôi thì để sát ngày thi mới đi. Cô bạn hứa sẽ xin cho tôi ở nhờ trong mấy ngày thi. Cô cho địa chỉ là "Miếu Cô Hồn" và bảo rằng cứ hỏi xe đạp ôm là họ biết, vô trong cái hẻm sát miếu khoảng vài căn nhà là tới. Khi Ba má tôi lo lắng về chuyện chỗ ở thì để Ba Má yên lòng, tôi đã nói chắc như bắp là sẽ đi theo và ở nhờ nhà quen của đứa bạn. Trong thâm tâm, tôi không muốn gia đình phải tốn thêm chi phí cho một người nên liều mạng đi một mình. Lúc đó trong thâm tâm, tôi tự cảm thấy mình đi thi ĐH là đèo bồng, là  có lỗi với gia đình nên tôi phải tự lo liệu.
Tôi tính, nếu không kiếm ra nhà đó thì tôi sẽ đến xin ở nhờ nhà của thầy Liêm.
Mà thầy Liêm là ai? Đây là một chuyện không biết đáng buồn cười hay đáng xấu hổ? 
Chuyện là vầy: khi tôi và đứa bạn đi nộp đơn, chúng tôi đã làm quen với một cô bạn khác (cũng quê mùa như bọn tôi nhưng có phần lanh lợi hơn) ở Kiên Giang (hay Đồng Tháp?) và cô bạn này đã vui miệng rủ bọn tôi đi thăm nhà thầy Liêm – thầy dạy môn Pháp Văn của cổ. Nghe nói thầy dạy Pháp văn là tự nhiên tôi có cảm tình liền. Tôi tưởng tượng thầy Liêm như là thầy Tòng dạy Pháp văn của mình vậy đó (!). Thế là đi. Nhà thầy Liêm là một ngôi nhà cổ thời Pháp thuộc ở tại chợ Tham Tướng (chợ Xuân Khánh bây giờ). Khi bọn tôi đến thì thầy đi vắng, chỉ có mẹ thầy tiếp chúng tôi. Bà cụ rất niềm nở, tốt bụng, căn dặn bọn tôi có dịp đi CT thì ghé nhà chơi. 
Từ đó mà tôi đã có "hờ" trong bụng như vậy. "Kẹt lắm thì đến xin bà cụ cho ở nhờ vài hôm".  Trong tôi luôn có một niềm tin gần như tuyệt đối vào tấm lòng của các thầy cô và gia đình của họ, dù đó là thầy cô dạy trường nào! Thời đó làm gì có nhà trọ phổ biến như bây giờ. Mà nếu có thì với bản tính nhút nhát, tôi cũng không dám vô hỏi để thuê ở đâu!

Xuống xe, tôi gọi xe ôm đi "Miếu Cô Hồn". Các ông xe ôm hỏi nhau nhưng không ông nào biết "Miếu Cô Hồn" ở đâu! Nhưng cũng may, có một ông xe ôm vừa đến bến bảo rằng ông biết "Miếu Cô Hồn". Thế là cuối cùng tôi cũng tới nơi, vừa vào hẻm vài căn nhà là gặp nhỏ bạn ngồi tỉnh bơ trước cửa nhà. Mừng hết biết luôn!

… rồi "tự túc" chuyện ăn uống!

Gia đình bọn tôi ở nhờ là môt gia đình sĩ quan VNCH đang rất khó khăn vì lao động chính đang đi học tập cải tạo. Nghĩ mình không họ hàng thân thích, gia đình họ lại đang gặp khó khăn (tình hình chung mà) nên tôi thưa với chủ nhà là chỉ xin ở nhờ, còn ăn uống thì tự túc. Nói thiệt, tôi ngại lỡ người ta không cho mình đóng góp thì thật kỳ cho mình, mà để mình đóng thì đóng bao nhiêu, khó xử lắm! Tôi lại rất vụng về trong cư xử, ăn nói.

Tự túc! Tự túc! Ăn cái gì đây trong mấy ngày đi thi? Quán cơm không nhiều và quán nào bình dân tôi không biết, tôi lại ngại vô quán một mình (cho tới bây giờ cũng vậy!) nên cái từ "tự túc" đó nó đã gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Những món tôi "tự túc" trong những ngày đi thi là bánh mì thịt, xôi ngọt và bánh lá dừa (như bánh ú trên Tân Châu quê tôi) - bột là chủ yếu, thịt cá-chất đạm và rau thì quá ít. Ngày đầu tôi còn vững, hai ngày sau tôi cầm cây viết làm bài mà hai tay run lẩy bẩy vì đói! 
Ngày cuối cùng, chủ nhà đã khẩn khoản mời tôi cùng dùng chung với gia đình một bữa cơm chia tay khá tươm tất. Tôi rất cám ơn và cảm động trước lòng tốt mà chủ nhà!

… trong cái lạnh thấu xương… 

Mùa đông năm đó lạnh hơn bao giờ hết (kỳ thi TS  Đại học đầu tiên sau 1975  tổ chức vào tháng 01/năm 1976). Tôi không ngờ trời lại lạnh vậy nên  không mang theo áo ấm. Mấy ngày thi, sáng nào tôi cũng co ro trong bộ đồ bà ba phong phanh, hai hàm răng tha hồ "đánh bò cạp" với nhau. Tôi mong những ngày thi chóng qua để qua cái đói và cái lạnh.

… lại làm bài kiểu "cầu may"!

Học bài trong trạng thái "gật đầu đồng ý" mỗi tối và trong tâm trạng hoang mang cực độ nên kiến thức tôi có được để đi thi chủ yếu là từ lúc còn đi học trong trường, trong lớp. Môn Toán và Sinh thì làm tốt, đến môn Hóa thì tôi "bí" một câu vì câu này có cho những phản ứng của rượu Etanol (mà bài này tôi hiểu lầm là bỏ nên không học), chết chưa! Cái chuyện "bí" rất hiếm xảy ra với tôi trong suốt thời gian đi học ở trường phổ thông. Thế mà bây giờ tôi lại bí, "bí rị bì ri"! 
Những năm đầu sau 1975, đề thi tuyển sinh mỗi môn có 2 loại: loại dành cho hệ 12 năm, loại dành cho hệ 10 năm. Đề hệ 12 năm "bí" rồi, thế là tôi làm đại đề hệ 10 năm, trong đó có nhiều từ thật lạ, nhưng tôi đoán mò rồi làm cầu may - đã cùi rồi còn sợ lở gì nữa! Anh bạn học chung lớp thi chung phòng với tôi nộp bài rất sớm do anh làm bài không được (và anh đã trượt).

Và cuối cùng, sau 4 tháng đợi chờ (thi từ tháng 1/1976 đến tháng 5/1976 mới có kết quả), tôi đậu vào ĐH mà lại đậu cao - "hay hổng bằng hên" mà! (nên mới vào ngành Sư phạm - có hưởng học bổng, những người thi vô ngành sư phạm mà đậu điểm thấp hơn thì bị đưa qua ngành Nông nghiệp - không được hưởng học bổng). Hai bạn kia đậu vô lớp dự bị ĐH. Những hoang mang, nghi vấn trong lòng tôi từ những lời đồn đại ("ai không có gốc cách mạng sẽ không đậu vào trường Đại học được!") đã tan thành mây khói!
Thế là tôi lại khăn gói lên đường làm "thằng ngáo ra thành" bắt đầu cuộc sống sinh viên đầy gian khổ nhưng cũng tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Khi tôi quen với bạn trai (ông xã) và kể cho anh nghe nỗi đoạn trường lúc đi thi, anh đã xót xa: "Phải hồi đó biết nhà anh…" Ôi, ai đi ngược dòng thời gian cho được! Hồi đó, tôi có dám nhìn đứa con trai nào đâu vì tôi luôn mang nặng mặc cảm là mình xấu xí, vô duyên,... Còn bây giờ tôi nghĩ nếu mình mặc cảm mình xấu xí là mình có tội với cha mẹ - những người đã tạo ra hình vóc cho mình, nhưng tôi vẫn còn mặc cảm là mình vô duyên, và có lẽ sẽ còn mặc cảm cho tới chết!

Nhớ lại chuyện đi thi, từ chuyện ở, chuyện ăn uống đến chuyện tinh thần, tôi thấy nhiều thí sinh bây giờ thật hạnh phúc. Những em chịu cảnh bơ vơ lạc lõng như tôi hồi đó bây giờ hiếm lắm… Bây giờ, chẳng những gia đình mà còn có cả xã hội lo cho các em nữa. Thật mừng cho các em đó!

PhNga - 00g04' sáng ngày 03/7/2008

3 nhận xét:

  1. Bài hồi kí trên mình đã từng đăng 2 lần trên Diễn Đàn của một website (đăng xong rồi xóa, rồi đăng lại). Cả 2 lần - lần đầu đăng trên DĐ đó và lần này (ở đây)- mình đều bị một người phàn nàn rằng mình kể chi tiết chuyện nghèo khó của mình nghe thảm thương quá. Người đó hỏi rằng mình kể vậy để làm gì; lo ngại rằng kể vậy người ta sẽ KHI DỂ mình!
    Thấy người đó phàn nàn, băn khoăn và lo ngại, mình cũng giật mình, từ đó mình có những suy nghĩ như vầy:
    - Mình kể trước hết là xuất phát từ cảm xúc chân thật; kể như để ghi lại những kí ức của mình, qua đó cũng muốn con cháu mình nói riêng và các bạn trẻ nói chung cảm nhận được những thuận lợi và hạnh phúc của bản thân, bằng lòng với cái mình đang có và tích cực phấn đấu vươn lên.
    - Mình biết NGHÈO rõ ràng chả có gì là vinh dự,là đáng nể hết, mà phần nào điều đó nói lên cái dở, cái kém may mắn, kém tích cực,... của mình trong cuộc sống (+những điều kiện khách quan này nọ nữa). Những người duy tâm còn nói là tại kiếp trước mình không tu nhân tích đức nên kiếp này mới NGHÈO. Bản thân mình dĩ nhiên không thấy cái NGHÈO của mình là hay ho (tất nhiên rồi), có phần thiếu tự tin trong giao tiếp (NGHÈO thì tiếng nói thiếu trọng lượng, đi đâu ăn nói cũng không mạnh miệng), cũng thấy hơi mắc cỡ vì mình dở nên mới NGHÈO,...
    NHƯNG...
    Cũng như cha mẹ, mình không thấy quá tự ti, không cảm thấy tội lỗi vì mình NGHÈO. Mình NGHÈO nhưng mình tự hào là mình sống trong sạch, không bán rẻ (và cả bán mắc) lương tâm, phẩm giá của mình. Mình NGHÈO nhưng mình không tham lam, không sống theo kiểu "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau",...
    - Nếu ai đó vì biết cha mẹ mình hồi xưa NGHÈO và bây giờ gia đình riêng của mình vẫn CÒN NGHÈO mà KHI DỂ mình thì... đó là quyền của họ và tất nhiên những người đó không phải là bạn của mình. Đơn giản như vậy đó!
    - Mình thật tự hào là dù nghèo nhưng mình GIÀU nhiều thứ khác...

    Trả lờiXóa
  2. Co oi! e luon nghi la co rat kien cuong,kien cuong ve nhieu mat. E ne phuc co lam, co co biet khong co? E chuc co luon lac quan va thanh cong!
    MT

    Trả lờiXóa
  3. Ôi, cô cảm ơn MT (ai đó?) đã nghĩ tốt về cô. Nhưng cô không dám nhận lời khen đó đâu vì cô cũng bình thường thôi, có điều... mà thôi, có rất nhiều cái khó nói...
    À, còn việc đi thi TS thì ngày nay đa số các em, các cháu được gia đình lo chu đáo, nhưng vẫn còn một bộ phận rất cực khổ khi đi thi. Cô đọc những bài phóng sự đó mà nước mắt chảy ròng. Biết làm sao bây giờ!!!

    Trả lờiXóa